Ecuador từ chối đàm phán với Mỹ về Snowden

Google News

(Kiến Thức) - Ngoại trưởng Ricardo Patino cho biết Ecuador đã từ chối đàm phán với Mỹ và sẽ thảo luận với Nga về số phận của "kẻ lộ mật" Edward Snowden.


 Ngoại trưởng Ricardo Patino cho biết Ecuador đã từ chối đàm phán với Mỹ về "kẻ lộ mật" Edward Snowden.

Chính phủ Ecuador đảm bảo với tất cả người tị nạn tiềm năng ở đất nước này rằng quyền con người không phải là vấn đề để mặc cả hay gây áp lực chính trị. Tuyên bố này được đưa ra tại Đại sứ quán Ecuador ở Washington.

Trước đó, bỏ qua cơ hội mặc cả với Mỹ, chính phủ Ecuador cho biết họ không thể thương lượng với Washington về Snowden. Tổng thống Ecuador đã cam kết bồi thường cho các nhà xuất khẩu có khả năng mất 23 triệu USD, nếu họ bị ảnh hưởng do hậu quả đất nước mất các ưu tiên hải quan mà Mỹ dành cho các nhà xuất khẩu Ecuador.

Gần một nửa kim ngạch thương mại của Ecuador là xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng bây giờ, Ecuador đang đàm phán về các điều khoản ưu đãi lẫn nhau trong thương mại với EU. Ngoài ra, còn có Trung Quốc từ lâu đã được xếp thứ nhất về mặt thương mại với các nước Mỹ Latinh. Đó là lý do tại sao Ecuador không ngại đưa ra tuyên bố đối với thị trường Mỹ.

Đại sứ Nga tại Ecuador Yan Burlyai cho biết: “Đối tác kinh tế chính của Ecuador trong 4 năm qua là Trung Quốc. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá 7 tỷ USD. Phần lớn các hợp đồng này được ký kết tùy thuộc vào tài trợ của các ngân hàng Trung Quốc. Ecuador hiện nay có khối lượng khoản vay của Trung Quốc cao thứ hai ở châu Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Hiện thời, hai bên sắp hoàn tất đàm phán về sự tham gia của các ngân hàng và công ty Trung Quốc trong việc xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất Nam Mỹ trên bờ biển Thái Bình Dương. Tổng chi phí dự án vào khoảng 12 tỉ USD.”

Chính phủ Ecuador cho rằng, trong "trường hợp Snowden" điều quan trọng và đầu tiên là Mỹ sẽ biện minh thế nào với việc giám sát toàn cầu và thu thập thông tin. Snowden đã cáo buộc chính phủ Mỹ do thám toàn thế giới.

Liên quan đến vụ Snowden, người đứng đầu Ủy ban về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp Ecuador, Miguel Carvajal, nói: “Tại sao Mỹ không dẫn độ cựu Tổng thống Hamil Mauada? Tại sao họ không dẫn độ các chủ ngân hàng đã đưa Ecuador tới cuộc khủng hoảng năm 1999? Ecuador đã ký 7 thỏa thuận quốc tế về dẫn độ trong vài năm qua. Trước hết, Mỹ phải ký ít nhất một nửa trong số các thỏa thuận mà Ecuador đã ký kết, trước khi đánh giá tình hình nhân quyền. Dựa theo những pháp luật nào mà Mỹ đối xử vô nhân đạo với nghi phạm khủng bố hoặc những người ủng hộ ở Guantanamo”.

Thực tế một đất nước Mỹ Latinh nhỏ bé công khai từ chối các yêu cầu của Washington nói lên rằng ảnh hưởng của Mỹ trong thế giới hiện đại không phải là không có giới hạn. Một số nhà phân tích cho rằng  "vụ bê bối gián điệp" Edward Snowden và hành động của chính phủ Ecuador là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự suy giảm quyền lực Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)