Trung Quốc: ngoại giao nụ cười... bá quyền khu vực

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi "nửa tin, nửa ngờ" chính sách "ngoại giao nụ cười" của Bắc Kinh, các nước láng giềng hiện biết thế nào là tham vọng bá quyền của Trung Quốc.


 "Ngoại giao nụ cười" dưới thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Vòng cung đối lập


Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và quyết đoán trong đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ đối với tất cả các khu vực xung quanh bị coi là mối đe dọa và Mỹ đang hưởng lợi từ hành động phản tác dụng này của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích từ lâu đã cảnh báo về “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới các cảng ở Pakistan, Sri Lanka và Myanmar để tiếp cận Ấn Độ Dương. Hiện thời, Trung Quốc đã tạo ra một vòng cung đối lập bao gồm các nước láng giềng bất bình kéo dài từ Nhật Bản đến Ấn Độ.

Ấn Độ gia nhập danh sách ngày càng dài của các quốc gia có lý do để lo lắng về sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc, một phần do binh sĩ Trung Quốc vượt qua biên giới tranh chấp vào tháng 4 và cắm trại ở miền đông Kashmir suốt ba tuần, bất chấp sự phản đối của New Delhi.

Tranh chấp biển đảo với Philippines đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.  

Những nỗ lực xây dựng “quyền lực mềm” của Trung Quốc đã bị lu mờ bởi sự thống trị thương mại của nước này cũng như những hành vi bạo ngược của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Tất cả các nước láng giềng châu Á, ngoại trừ Singapore, coi Trung Quốc là một mối đe dọa hoặc một “con bò sữa tiền mặt”, chứ không phải là một đối tác mong muốn.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc

Chủ nghĩa dân tộc đang đóng vai trò quan trọng khiến Trung Quốc hiếu chiến hơn trong các tranh chấp khu vực. Cái gọi là “thế kỷ sỉ nhục” thất thế trước các thế lực ngoại bang chính là động lực thôi thúc lòng tự hào dân tộc ở Trung Quốc. Lòng tự hào dân tộc đó đang trỗi dậy với phép lạ kinh tế Trung Quốc. Một Trung Quốc mạnh hơn đang ngày càng quyết đoán, thách thức hiện trạng.

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cần có kẻ thù và trong cuộc Chiến tranh lạnh mới, Trung Quốc đã tìm thấy một. Cựu Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara đã khiêu khích Trung Quốc với chương trình mua lại quần đảo Senkaku đang có tranh chấp. Động tác này đã khiến cho cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda vội vã quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo này, một động thái rất thiếu khôn ngoan làm dấy lên căng thẳng song phương.

“Vòng cung Tự do và Thịnh vượng” mà Shinzo Abe từng thúc đẩy, khi ông làm Thủ tướng Nhật Bản lần đầu tiên trong năm 2007, đã vấp phải phản ứng thờ ơ của khu vực và bị coi là nhắm vào mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm qua, thái độ của khu vực đối với vòng cung này đã thay đổi một phần vì Trung Quốc biến thành một “ông ba bị” chuyên bắt nạt các nước láng giềng yếu hơn.

Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc đã giúp Thủ tướng Abe trở lại chính trường. Một Bắc Kinh hay gây gổ vô tình hỗ trợ chương trình nghị sự của ông Abe về sửa đổi hiến pháp và an ninh quốc gia. Và ông này đã trả ơn bằng cách kích động chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc và một Thủ tướng Abe đang sa vào vũ điệu hiếu chiến.

Các học giả Trung Quốc đang đặt vấn đề xem xét lại chủ quyền của Nhật Bản đối với Okinawa. Và Thủ tướng Abe chẳng muốn gì hơn việc Trung Quốc sa vào canh bạc “giấc mộng Okinawa”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Japan Times)

Bình luận(0)