Những người trẻ lo âu sau đại dịch

Google News

Đồng hồ đã điểm 2h sáng, nhưng Q.H. vẫn không ngủ được khi nghĩ đến cuộc họp nhóm kéo dài 30 phút vào chiều hôm sau.

Nhung nguoi tre lo au sau dai dich

 

"Mình không ngừng nghĩ tới viễn cảnh bản thân sẽ nói ra điều gì kỳ quặc và bị mọi người trong nhóm đánh giá", cô gái trẻ chia sẻ.

Q.H. vốn là người hướng nội, dễ mất năng lượng khi phải tương tác xã hội trong thời gian dài. Sau đợt giãn cách vừa qua tại TP.HCM, nỗi lo âu của cô trước mỗi cuộc gọi hay những lần chạm mặt người khác trở nên lớn dần.

Tự ti, mất năng lượng

Có những ngày, Q.H. chỉ nhốt mình trong phòng để làm việc và sinh hoạt. Cô thậm chí nhịn đói chứ không xuống bếp vì sợ chạm mặt các bạn cùng nhà. Thỉnh thoảng, khi được mời dự bữa ăn chung, cô lấy lý do bận việc để vắng mặt.

Tuy vẫn có thể tham gia gặp mặt trực tuyến khi cần thiết, Q.H. thường lo lắng suốt nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trước khi cuộc họp diễn ra, đặc biệt nếu phải tương tác với những người không thân quen.

"Mình cảm thấy đỡ lo sợ phần nào khi trao đổi qua màn hình do người khác chỉ thấy mặt hoặc nghe giọng mình thôi. Nhưng nếu phải gặp trực tiếp, mình sẽ rất tự ti về cơ thể và lối ăn mặc của bản thân", cô sinh viên nói.

Nhung nguoi tre lo au sau dai dich-Hinh-2

Đại dịch khiến nhiều người trẻ sống khép kín, thu mình hơn. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Dù thường xuyên tự nhắc nhở bản thân rằng mọi người không để ý mình nhiều đến vậy, Q.H. vẫn khó tránh khỏi sự sợ hãi bị đánh giá. Nỗi lo phi lý đó ám ảnh cô, gây nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt và kết nối xã hội.

Tương tự Q.H., Đình Quang (sống tại Hà Nội) cũng cảm thấy sợ ra ngoài đường, gặp mặt người khác trực tiếp sau đợt giãn cách. Trước đại dịch, chàng trai 18 tuổi vẫn sống khá khép kín, nhưng thời gian ở nhà kéo dài cũng gây ra sự chán nản, kiệt quệ, khiến Quang càng không muốn nói chuyện với ai.

Tình trạng mất năng lượng, ngại tiếp xúc với người khác cũng đến từ thói quen ngồi trong phòng cả ngày và làm việc với thiết bị điện tử được hình thành trong đợt giãn cách. Từng là người rất năng nổ trong các nhóm chat của câu lạc bộ và thường xuyên liên lạc với bạn bè, D.T.Kaos (20 tuổi) nay để tin nhắn chất đống trong điện thoại, đôi khi vài ngày sau mới trả lời.

Trước tình trạng trường học chưa mở cửa lại và khu phố của mình thường xuyên bị phong tỏa, Kaos cảm thấy khá mơ hồ về "bình thường mới". Bạn trẻ vừa mong đợi vừa lo lắng về việc đi học trực tiếp và gặp gỡ người khác.

"Mình sợ rằng cảm giác mệt mỏi này sẽ kéo dài, gây ra khó khăn cho việc mở rộng mối quan hệ và phát triển theo định hướng của mình", Kaos chia sẻ với Zing.

Nhung nguoi tre lo au sau dai dich-Hinh-3

Người trẻ vừa mong đợi vừa lo lắng về việc đi học trực tiếp và gặp gỡ người khác. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Cẩn trọng khi trở lại

Ngoài nỗi sợ giao tiếp, nhiều bạn trẻ chưa sẵn sàng trở lại vì muốn đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trước tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Thói quen ở nhà đã ăn sâu, các bạn cũng tránh ra đường trừ khi thật sự cần thiết.

Từ khi Hà Nội bắt đầu mở cửa, Thảo Vân (20 tuổi) mới ra ngoài khoảng 2-3 lần để đi cà phê hoặc giải quyết việc cá nhân. Dù nhận được một vài lời mời đi chơi, cô chưa sẵn sàng tụ tập đông người vì e ngại dịch bệnh.

Nhung nguoi tre lo au sau dai dich-Hinh-4

Thảo Vân cho biết từ khi Hà Nội mở lại, cô mới chỉ ra ngoài gặp người khác khi thực sự cần thiết. Ảnh: NVCC.

Trong thời gian ở nhà giãn cách, Thảo Vân thường cảm thấy tâm trạng thất thường, mệt mỏi. Cô ngại phải trả lời tin nhắn của người khác, dù là bạn bè, học tập hay công việc. Khi phải họp mặt trực tuyến, Vân dễ nổi cáu và mất bình tĩnh hơn.

"Nhiều khi, mình cảm thấy rất cần người nói chuyện, nhưng khi bắt đầu nhắn tin, mình lại mệt mỏi, bực dọc và muốn ngắt kết nối", Vân nói.

Trả lời phỏng vấn của Zing về tình trạng ngại giao tiếp ở các bạn trẻ, chuyên viên tham vấn tâm lý Lê Nguyễn Ngọc Trâm, hiện công tác tại Đại học Fulbright (TP.HCM), cho biết: "Việc cảm thấy lo lắng, dè chừng khi trở lại cuộc sống sau giãn cách là một điều khá tự nhiên".

Theo thạc sĩ Ngọc Trâm, thời gian ở nhà đã khiến nhiều người hình thành thói quen mới, nên việc thích nghi trở lại sẽ cần thời gian, dù có vấn đề sức khỏe tinh thần hay không. Hơn nữa, trong đợt dịch vừa qua, phần lớn dân số đều chịu nhiều áp lực tâm lý đến từ việc sức khỏe của người thân và bản thân bị ảnh hưởng, tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện. Một lý do khác là cảm giác tuyệt vọng về dịch bệnh kéo dài, nỗi mất mát về dự định không thể thực hiện. Những yếu tố này khiến việc thích ứng sau giãn cách càng khó khăn.

Ở những đất nước đã mở cửa trước Việt Nam, sự ngần ngại khi trở lại cuộc sống sau giãn cách cũng là điều phổ biến.

Theo khảo sát của Anxiety UK với sự tham gia của 900 người Anh, gần 40% nói rằng họ chưa sẵn sàng trở lại. Nỗi lo ngại lớn nhất với những người này là giao tiếp xã hội, kế theo đó là đến nơi đông người và dùng phương tiện công cộng.

"Nỗi lo lắng khi trở lại sẽ trở thành vấn đề tâm lý khi nó ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và mối quan hệ của một người, làm giảm chất lượng cảm xúc hay tác động về mặt thể chất", thạc sĩ Trâm nhận định.

Chẳng hạn, nếu trước một cuộc hẹn, bạn cảm thấy sợ hãi đến nôn nao, mất ăn mất ngủ, hoặc liên tục né tránh dù rất muốn gặp người kia, đó sẽ là nỗi lo vượt xa vấn đề thích nghi bình thường. "Trong trường hợp như vậy, bạn cần tìm đến sự hỗ trợ về sức khỏe tinh thần, có thể từ những người xung quanh hoặc từ chuyên gia tâm lý", thạc sĩ Trâm chia sẻ.

Nhung nguoi tre lo au sau dai dich-Hinh-5

Vấn đề sức khỏe tâm lý được các bạn trẻ để tâm hơn trong đại dịch. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Vấn đề sức khỏe tâm lý được các bạn trẻ để tâm hơn trong đại dịch. Nhận thức nỗi lo của mình đang ảnh hưởng cuộc sống, Q.H. chủ động tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia. Cô cố gắng chia sẻ và nhìn nhận lại những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân, từ đó dần cải thiện tình trạng hiện tại.

Thảo Vân cũng chia sẻ rằng sự né tránh giao tiếp của mình có thể đến từ tâm lý bất ổn. Cô gái trẻ xây dựng những thói quen lành mạnh như viết lại những cảm xúc của bản thân trên blog hoặc đặt ra mục tiêu ngắn hạn để giữ mình bận rộn nhưng không quá căng thẳng.

"Trong bối cảnh hiện tại, mỗi người sẽ có định nghĩa riêng về 'bình thường mới', tùy thuộc vào ưu tiên và nhu cầu. Điều quan trọng là chúng ta có thể hoạt động ở nhịp độ của riêng mình để dần thích ứng với tình trạng này", chuyên gia Ngọc Trâm nói.

Theo Mai Hoàng/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)