Cô gái Trung Quốc mặc giống đàn ông sau khi bị xâm hại

Google News

Vụ việc gây rúng động của Sisi và hàng nghìn nạn nhân khác trong nhiều năm đặt ra thách thức cho chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ trẻ em gái khỏi nạn xâm hại.

Sisi (sinh năm 2001) không mặc quần áo nữ nữa. Với cô, chúng quá nguy hiểm.

Đứng giữa đám đông công nhân bên ngoài nhà máy ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Sisi nổi bật với mái tóc ngắn, áo sơ mi rộng, quần jeans và đi giày lười nam. Cô gái 20 tuổi nói bộ trang phục sẽ giúp mình tránh được sự chú ý không mong muốn từ nam giới.

“Tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều trong bộ dạng này", Sisi nói với Sixth Tone.

Sống sót sau nhiều lần bị cưỡng hiếp, Sisi và câu chuyện của cô từng gây rúng động Trung Quốc, lôi kéo sự chú ý của công chúng vào vấn đề vốn được coi là cấm kỵ trong xã hội xứ tỷ dân: lạm dụng tình dục trẻ em.

Co gai Trung Quoc mac giong dan ong sau khi bi xam hai

Sisi thường mặc đồ rộng, đồ giống nam giới sau những lần bị xâm hại.

Nỗi đau liên tiếp

Khi mới 11 tuổi, Sisi mang thai sau nhiều lần bị tấn công tình dục. Thủ phạm là người đàn ông 74 tuổi sống cùng làng với cô ở tỉnh Hồ Nam. Tháng 4/2013, một tháng trước khi Sisi sinh con đầu lòng, ông ta bị kết án 12 năm tù.

Tháng 5/2013, liên tiếp 8 trường hợp học sinh bị giáo viên tấn công tình dục cũng được phanh phui. Các vụ việc dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng, tạo sự chú ý chưa từng có.

Giữa năm 2013, hơn 100 nhà báo nữ cùng nhau thành lập Tổ chức Bảo vệ Trẻ em gái - tổ chức phi chính phủ lên án, kêu gọi giải quyết nạn lạm dụng trẻ em.

Nhưng nỗi đau của Sisi chưa dừng lại ở đó. Sau khi cô sinh con, gia đình gửi cô đến Thâm Quyến và nhờ Xia, người điều hành một số trường mẫu giáo trong thành phố, chăm sóc. Ở đó, Sisi lại mang thai. Cô cáo buộc Xia cưỡng hiếp mình.

Năm 2015, cô sinh đứa con thứ 2 ở tuổi 14.

“Chúng tôi đã báo cáo vụ việc vào năm 2015 và chỉ ra rằng xét nghiệm ADN sẽ dễ dàng chứng minh Xia là hung thủ. Tuy nhiên, câu trả lời duy nhất của cảnh sát là họ hiểu tình hình và sẽ theo dõi. Nhưng họ chẳng làm gì cả, cuối cùng, họ bác bỏ vụ việc với lý do thiếu bằng chứng", Lai Weinan, luật sư đại diện cho Sisi, nói.

Co gai Trung Quoc mac giong dan ong sau khi bi xam hai-Hinh-2

Lên 14 tuổi, Sisi đã có 2 đứa con là kết quả của những vụ lạm dụng.

Khi được Sixth Tone liên lạc, văn phòng cảnh sát Thâm Quyến xác nhận vụ việc bị khép lại do thiếu bằng chứng. Sisi có thể yêu cầu nhà chức trách mở lại vụ án song cô không làm vậy vì muốn tiếp tục cuộc sống yên ổn.

"Với những nạn nhân như Sisi, việc không nhận được sự hỗ trợ cần thiết có thể làm thay đổi cả cuộc đời họ. Như trường hợp này, cô gái 20 tuổi đã mất niềm tin vào người khác", Lai nói.

Những năm gần đây, hệ thống tư pháp Trung Quốc đã xem xét những trường hợp như vụ án của Sisi một cách nghiêm túc hơn nhiều.

Co gai Trung Quoc mac giong dan ong sau khi bi xam hai-Hinh-3

Sisi mất niềm tin vào người khác sau những lần bị xâm hại.

Năm 2016, chính phủ Trung Quốc ban hành đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương - đặc biệt là những trẻ em bị cha mẹ làm việc ở thành phố “bỏ lại” ở các vùng nông thôn.

Năm 2020, cơ chế báo cáo bắt buộc về lạm dụng trẻ em được ban hành. Theo đó, những người tiếp xúc gần với trẻ vị thành niên, bao gồm giáo viên, chuyên gia y tế, nhân viên khách sạn, phải báo cáo ngay lập tức bất kỳ hành vi nào nghi ngờ là lạm dụng, cảnh sát cũng phải nhanh chóng vào cuộc điều tra.

Theo Zheng Ziyin, Phó giám đốc Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc, các quy định mới đã tạo ra sự khác biệt. Năm ngoái, chính quyền tỉnh Hồ Nam đã đưa ra cáo buộc hình sự đối với hai hiệu trưởng vì không báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng. Từ năm 2017 đến giữa năm 2019, 8.332 vụ lạm dụng tình dục trẻ em đã được xử lý, chỉ tăng nhẹ so với 7.610 vụ được xử lý từ năm 2013 đến 2015.

Thách thức

Đối với Sisi và nhiều người khác, các quy định mới vẫn chưa đủ để bảo vệ trẻ em gái khỏi lạm dụng. Nạn nhân vẫn thường bị đổ lỗi khi sự việc xảy ra, khiến họ như phải chịu thêm một vết thương nữa về tinh thần.

“Các bậc cha mẹ lớn tuổi và những người ở nông thôn thường chưa biết cách xử lý khi thảm kịch xảy ra, điều đó rất dễ để lại vết sẹo suốt đời trong lòng nạn nhân", Zheng nhận định.

Trong trường hợp của Sisi, sự thiếu hiểu biết của gia đình phần nào là nguyên nhân cô gái 20 tuổi liên tục bị xâm hại.

Cô phải tự chăm sóc bản thân từ khi còn nhỏ và thường chịu những trận đòn roi từ cha mẹ không hòa thuận. Sau khi Sisi bị cưỡng hiếp, họ thậm chí kết luận vụ việc có thể là dấu hiệu của việc con gái "hư hỏng".

Co gai Trung Quoc mac giong dan ong sau khi bi xam hai-Hinh-4

Chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhiều chính sách bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi nạn lạm dụng. Trong ảnh, bé gái ở Hồ Nam từng là nạn nhân lạm dụng đang vẽ tranh tại nhà.

Lúc Sisi rời Hồ Nam đến một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ ở Bắc Kinh sau khi sinh đứa con thứ hai, bố nói với cô: "Con khiến cả nhà mất mặt".

Dần dần, Sisi tỏ ra không muốn dựa dẫm vào người khác. Sau khi rời nhà trú ẩn vào tháng 6/2018, cô trở về nhà song mối quan hệ với cha mẹ ngày càng xấu đi. Bố còn bắt đầu sắp xếp các cuộc hẹn xem mắt cho Sisi dù tình trạng sức khỏe cô không tốt.

Cuối cùng, Sisi chọn người đàn ông hơn mình 18 tuổi, đối xử tốt với gia đình, các con cô. Dù hiện hạnh phúc với người bạn đời, cô gái 20 tuổi vẫn có ác cảm với hầu hết đàn ông, chỉ giao tiếp với đồng nghiệp nữ ở nhà máy.

Theo nhiều chuyên gia, nếu được giáo dục tâm lý, cha mẹ của các nạn nhân bị lạm dụng có thể giúp con hồi phục tâm lý sau chấn thương nhanh hơn.

Luật bảo vệ trẻ vị thành niên mới được sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 6 nhắm đến các mục tiêu như vậy. Theo đó, ngoài việc bắt buộc giáo dục giới tính trong trường học, luật quy định rằng cha mẹ của những nạn nhân bị lạm dụng tình dục sẽ được hướng dẫn cách giao tiếp với con cái của họ.

Theo Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)