'CEO và shipper bình đẳng khi bước vào không gian công cộng'

Google News

Sự việc CEO người Nhật chê shipper Việt "bẩn, làm mất không gian cao cấp" khiến nhiều người đặt câu hỏi: Từ bao giờ một nơi công cộng lại không dành cho tất cả?

Ken Hisada, CEO của một công ty công nghệ tại Việt Nam, đang gây tranh cãi dữ dội với bài chia sẻ trên Twitter có nội dung miệt thị shipper Việt bẩn thỉu, lui tới quán cà phê làm mất đi không gian riêng tư và cao cấp nơi đây.
Dù người này đã xóa bài đăng và cài đặt trang cá nhân về chế độ riêng tư, ảnh chụp ảnh màn hình này đã chia sẻ khắp mạng xã hội.
Ken Hisada đang nhận "gạch đá" từ cả dân mạng Nhật Bản lẫn Việt Nam. Nhiều người kêu gọi báo cáo tài khoản, thậm chí tẩy chay công ty của CEO này.
CEO và shipper đều bình đẳng
Nguyễn Phương Phương - quản trị viên của một diễn đàn kiến thức ở Việt Nam - cho rằng Starbucks hay bất cứ quán cà phê nào, cũng là không gian công cộng.
Bởi vậy, khi bước chân vào đó, CEO hay shipper đều là khách hàng và được đối xử bình đẳng.
"Thái độ khó chịu, muốn xua đuổi tài xế của vị CEO kia là không thể chấp nhận. Ông ta trả tiền cho món hàng để ngồi đó thì người tài xế cũng vậy. Tất cả khách hàng đều bình đẳng nếu họ cư xử đàng hoàng", Phương nói.
'CEO va shipper binh dang khi buoc vao khong gian cong cong'
Thái độ miệt thị của CEO người Nhật với tài xế Việt khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Ảnh chụp màn hình. 
Thùy Trang - chủ cửa hàng trà sữa ở Hà Nội - cũng đồng tình quan điểm ai cũng bình đẳng trong không gian công cộng.
Ngoại hình hay nghề nghiệp không thể trở thành lý do để phân sang - hèn, cấm đoán, xua đuổi cá nhân nào.
"Anh là CEO không có nghĩa là nhân cách anh cao hơn shipper", Nguyễn Thủy Ngân khẳng định.
Tại diễn đàn togetter.com, nhiều dân mạng Nhật cũng không đồng tình với quan điểm của Ken Hisada.
"Việc khinh thường, đánh giá người khác qua một bộ quần áo là một loại ác cảm ấu trĩ", tài khoản Uderi viết.
fukami_yukyuku cho biết mình đã báo bài đăng của Ken Hisada bởi nó thể hiện thái độ vô cảm, phân biệt đối xử một cách vô lý.
Trước đó, trong bài viết của mình, Ken Hisada nói rằng quán cà phê mình đang ngồi là "không gian riêng tư" và "thư giãn với xu hướng cao cấp".
Tuy nhiên, trong bài viết What's In A Space: How Starbucks Created Premium Experiences In-Store (tạm dịch: Có gì trong không gian này: Cách Starbucks tạo ra những trải nghiệm cao cấp trong cửa hàng) đăng trên tờ Retail in Asia, ông Scott Keller - Phó chủ tịch cấp cao kiêm nhà thiết kế và phát triển chuỗi cửa hàng Starbucks ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương - không mô tả như vậy.
Cụ thể, phóng viên hỏi: "Gần đây, ông tuyên bố các cửa hàng của mình là không gian công cộng. Điều này có bất kỳ tác động đặc biệt nào ở châu Á so với phần còn lại của thế giới?".
Ông Keller đã trả lời: "Chúng tôi luôn cam kết tạo ra không gian ấm áp để chào đón tất cả mọi người. Điều này luôn tồn tại, chưa bao giờ thay đổi".
'CEO va shipper binh dang khi buoc vao khong gian cong cong'-Hinh-2
CEO Người Nhật cài đặt trang Twitter về cá nhân sau bài đăng khiến dư luận phản ứng. Ảnh: FBNV.
'Không nên bênh đến vô lý'
Bên cạnh những lời "ném đá" Ken Hisada, một số cho rằng với tư cách khách hàng, CEO này có quyền bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận, cũng như góp ý để hãng cà phê suy nghĩ tới việc tách riêng không gian dành cho khách ngồi uống và mang đi.
Tuy nhiên, điều không đúng ở đây là việc đưa ảnh rõ mặt tài xế lên mạng và dùng từ "bẩn thỉu".
Tại trang cá nhân, nhà thiết kế Chương Đặng có bài chia sẻ dài về câu chuyện đang gây ồn ào này.
Theo ông, Ken Hisada đã đề cập đến vấn đề có lẽ sẽ trở thành thời sự trong một khoảng thời gian ngắn nữa, không chỉ ở Việt Nam.
"Không gian chủ đầu tư hướng đến là khách hàng có thể ngồi thư giãn, làm việc và mua view... bên cạnh khách mua mang đi. Hai tỷ lệ này sẽ cần được cân đối để hài hòa với khách dùng không gian", nhà thiết kế nói.
Chương Đặng giả sử nếu phải ngồi cà phê ở nơi xung quanh nhiều người đội mũ bảo hiểm, không tôn trọng không gian chung, vài cá nhân gây ồn ào, trêu đùa thì khách hàng có quyền phàn nàn.
Tuy vậy, theo ông, CEO người Nhật chụp hình rõ mặt tài xế post lên mạng xã hội, lại dùng chữ "bẩn" là "không hay và không đúng". Bởi việc người chảy mồ hôi hay có mùi là điều không thể tránh khỏi khi chạy xe máy nhiều giờ dưới nắng nóng.
"Chú ấy mặc đồng phục của một thương hiệu, hãy để sự vụ này cho hãng ấy xử lý. Nếu nhận thức đúng và hiểu tư thế khách hàng của mình, chú ấy sẽ điềm đạm vào quán, bỏ nón và khẩu trang, lấy ly nước lạnh uống, chờ gọi tên... Ngày ấy chú ấy sẽ nhận sự tôn trọng tự nhiên, và không bị tủi thân vì mình được bênh, bênh đến vô lý", ông Chương Đặng khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của nhà thiết kế Chương Đặng, tài khoản Thanh Nam nói thực trạng dịch vụ mua hộ đang gây mất cân đối trong lĩnh vực ăn uống.
"Nhiều lần tôi bước vào cà phê mà tài xế công nghệ đông hơn khách (có lần khoảng hai chục người), đồng phục từ xanh đến đỏ, họ đứng, ngồi la liệt từ chỗ order đến tận vỉa hè, gọi điện, chơi game... quần áo xộc xệch, bụi bặm. Điều này đã phá hỏng không gian mà thương hiệu chủ đích tạo ra cho khách hàng thư giãn", người này viết.
"Chúng ta không phải quan tòa, không nên cho mình quyền phán xét, kết tội ai, ngay cả Ken Hisada. Anh ta có quyền nói lên suy nghĩ của mình. Việc thay đổi chính sách cho phù hợp với mong muốn của khách hàng thuộc về các thương hiệu. Hãy để cho họ xử lý", Trần Phương - nhân viên marketing - nói.
Theo Thiên Nhi/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)