Covid-19 làm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng "lên bờ xuống ruộng" thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo đại diện Savills, ngành du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết năm 2020.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế trong tháng 2 giảm 38% so với tháng trước, giảm 22% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.

Trên thực tế, nhu cầu du lịch trong nước phụ thuộc lớn vào khả năng đối phó với dịch bệnh của Chính Phủ Việt Nam. “Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ là thị trường đầu tiên phục hồi trở lại”, đại diện Savills nhận định.

Theo STR, đơn vị cung cấp dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh khách sạn trên toàn cầu, trong tháng 2, Việt Nam có mức giảm đáng kể nhất về công suất thuê phòng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, mặc dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% và cao hơn 60%.

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến cho công suất phòng đạt được trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3 giảm xuống dưới 10% tại các điểm du lịch.

Trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng, Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Thậm chí ở một số dự án, chủ đầu tư còn đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.

Covid-19 lam thi truong bat dong san nghi duong
 Ảnh minh họa.

Tình trạng này cũng đang xảy ra tương tự ở Cam Ranh nhưng nhờ vào nhóm du khách Nga và khách nội địa, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn duy trì được hoạt động. Phú Quốc duy trì được mức công suất khoảng 40% trong tháng 2, tuy nhiên, việc tạm ngưng nhận các chuyến bay trong thời gian tới sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến công suất phòng.

Trong tháng 3, khách sạn tại các thành phố lớn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, dẫn tới việc sụt giảm công suất xuống dưới 10% tại TP HCM. Công suất phòng tại Hà Nội dự kiến sẽ cao hơn một chút nhờ vào các hợp đồng từ các doanh nghiệp lớn như Samsung giúp một số khách sạn hưởng lợi từ nguồn khách lưu trú ổn định.

Ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh, ngành du lịch Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết năm 2020. Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác.

 Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam, bởi sau đại dịch đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.

“Chính vì vậy, chúng ta cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn.

Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước”, ông Mauro Gasparotti nhận định.

Gia Lai

>> xem thêm

Bình luận(0)