Vì đâu Tống Giang được bầu làm thủ lĩnh?

Google News

Nhân vật Tống Giang thoạt nhìn có vẻ không có gì nổi bật, nhưng lại là nhân tố quan trọng nhất tập hợp các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử.

Trong tiểu thuyết Thủy hử của Thi Nại Am, Tống Giang lúc đầu chỉ là một Tống Áp ti nhỏ nhoi, không có vẻ gì quá nổi bật, nhưng dần dần lại chiếm trọn niềm tin của các anh hùng Lương Sơn Bạc và trở thành thủ lĩnh, chiếm vị trí cao nhất trong 108 người. Theo Qulishi, có ý kiến cho rằng Tống Giang mưu không giỏi bằng Ngô Dụng, võ không bằng Lâm Xung, Lư Tuấn Nghĩa, còn luận về dung mạo thì lại chẳng bằng Hoa Vinh anh tuấn.
Dưới con mắt một số người, Tống Giang là người không có tài cán gì cả, vậy điều gì đã giúp Tống Giang trở thành trại chủ Lương Sơn Bạc sau nhiều lần khước từ?
Vi dau Tong Giang duoc bau lam thu linh?
Tống Giang là thủ lĩnh của Lương Sơn Bạc. 
Đúng là Tống Giang địa vị thấp kém, xuất thân chỉ là một Tống Áp ti nhỏ nhoi, nhưng lòng lại ôm đại chí, có đầy đủ tố chất của một người lãnh đạo, thường ngày vẫn lấy nhân nghĩa, lễ tín, trung hiếu làm gốc, lấy việc chăm lo cho dân làm mục tiêu, làm định hướng sống của mình.
Tống Giang khiến cho anh hùng trong thiên hạ phải nể trọng. Chính Tống Giang là người cho treo đại kỳ "thế thiên hành đạo" để kêu gọi hảo hán bốn phương về tụ hội tại Lương Sơn Bạc. Rồi cũng chính ông là người ra sức tụ hợp 108 anh em, lập đàn tế trời đất, cắt máu ăn thề...
Còn nhớ khi say rượu ở Tầm Dương lầu, Tống Giang đã tiện tay viết lên bài thơ nói về chí hướng ngút trời của ông.
Bài thơ của Tống Giang viết khi say rượu ở Tầm Dương lầu:
“Từ nhỏ đã thông kinh sử,
Lớn lên lại thạo quyền mưu,
Khác nào mãnh hổ ngủ đồi hoang,
Kín nanh giấu vuốt mà nhẫn nhịn.
Chẳng may thích chữ hai má.
Hàm oan đi đày Giang Châu,
Một mai may báo được oan cừu,
Máu nhuộm Tầm Dương giang khẩu.
Tâm ở Sơn Đông thân ở Ngô,
Giang hồ phiêu bạt chí tang bồng,
Ngày sau như thỏa bình sinh chí,
Dám cười Hoàng Sào chẳng trượng phu!”.
Từ lời văn, ý thơ ta đã có thể nhìn ra người này cốt cách phi phàm, có chí khí của bậc anh hùng khát khao làm nên nghiệp lớn. Khi bị bắt giam trong ngục ở Giang Châu, vì tìm cách thoát nạn, Tống Giang giả điên giả dại, ngay cả phân cũng nhẫn nhục mà ăn. Đây nào phải là cốt cách của kẻ bình thường mà là cái nhẫn của bậc đại trí, đại nghĩa. Nó cũng như chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng năm nào để đợi ngày làm nên việc lớn, gánh vác giang sơn.
Theo Sina, có nhiều lý do cho thấy Tống Giang là người phù hợp nhất trở thành thủ lĩnh 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Trong đó lý do quan trọng nhất là Tống Giang nổi tiếng là người nhân nghĩa.
Tác giả Thi Nại Am phác họa về nhân vật này trong Thủy hử: “Người này họ Tống tên Giang, tự là Công Minh, con thứ ba, nguyên quán ở Vận Thành, mặt đen, người thấp, thường gọi là Hắc Tam Lang Tống Giang, lại có tiếng là người hiếu đễ, bình sinh trọng nghĩa khinh tài, ai cũng gọi là Hiếu Nghĩa Hắc Tam Lang".
Tống Giang đã dựa vào nhân nghĩa để làm nên bá nghiệp, dựng ngọn cờ thế thiên hành đạo, đoàn kết 108 vị anh hùng cùng nhau dựng lên nghiệp lớn vì dân mà quên cả mạng mình.
Nhân nghĩa là điều được cổ nhân vô cùng xem trọng. Nó cũng chính là một trong những phẩm đức tốt đẹp nhất của con người. Cho nên, chỉ nhờ vào hai chữ này, tất cả mọi người trên Lương Sơn đều có thể tiếp nhận Tống Giang.
Xưa các bậc đại thánh nhân, người đại chí, được muôn người hết mực vọng cầu, kính ngưỡng đều là dựa vào đức hạnh, nhân, lễ, nghĩa, trí của mình. Một người muốn lập thân dựng nghiệp, thì việc đầu tiên đó chính là cần trau dồi nhân đức của mình, các bậc thánh nhân xưa nay cũng lại như vậy.
Để nhận định một người tốt hay xấu, một người có thể làm nên việc lớn hay không? Tất cả chỉ xét bởi một chữ Đức, người có đức càng lớn, thì phúc phận càng nhiều, đối với việc nhân nghĩa, lễ, trung, tín lại luôn phải coi trọng. Còn đối với việc võ thuật cao cường, văn hay mưu giỏi, tất cả chỉ là thứ yếu.
Ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của Tống Giang là khảng khái, trượng nghĩa, không tiếc của cải để giúp đỡ người khác. Đây cũng là đặc điểm giúp ông xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng lớn, đồng thời tạo được thanh thế của mình.
Sở dĩ được người đời ca tụng là "cập thời vũ" (mưa xuống đúng lúc) cũng là bởi Tống Giang có thể đem tới cho người khác sự ủng hộ kịp thời nhất, khéo léo nhất ngay trong những lúc họ khó khăn nhất.
Trong Thủy hử, Tống Giang nổi tiếng là người tốt, hay giúp đỡ nhiều người nên tiếng đồn khắp nơi. Đầu tiên là việc Tống Giang báo tin giúp Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng... chạy thoát lên Lương Sơn Bạc. Theo đó, lúc Hà Đào được lệnh đến báo quan phủ bắt bọn cướp đồ lễ sinh nhật của Sái Kính. May sao lại ngay giờ trưa, quan phủ nghỉ; Hà Đào mới vào quán trà đợi, gặp Tống Giang. Hà Đào vô tình tiết lộ cho Tống Giang biết bọn cướp là Tiều Cái, Ngô Dụng... Tống Giang lừa Hà Đào ngồi đợi, phóng ngựa như bay đến báo tin cho Tiều Cái. Nhờ đó mà Tiều Cái có thời gian thu xếp việc nhà và cùng với các anh em hảo hán thoát thân.
Vụ việc sau đó bại lộ, Tống Giang cùng Đới Tông bị bắt và bị đem ra hành hình ở Giang Châu. May sao, Lý Quỳ, Tiều Cái cùng các huynh đệ đang ở Lương Sơn cùng ra cứu. Tống Giang cùng Tiều Cái quay lại giết chết Hoàng Văn Bính, rồi lên Lương Sơn Bạc. Tụ nghĩa cùng huynh đệ, Tống Giang lập nhiều công trạng như đánh Chúc Gia Trang, Cao Đường Châu, Thanh Châu,...
Năm xưa khi tình cờ gặp Võ Tòng trong sơn trang của Sài Tiến, thấy vị hảo hán này quần áo lam lũ, ông đã không ngần ngại bỏ tiền ra cho người may quần áo để Võ Tòng mặc.
Khi hảo hán họ Võ cái biệt để về quê gặp người thân, Tống Công Minh lúc tiễn biệt còn đem mấy lượng bạc cho người huynh đệ này, nghĩa cử ấy khiến Võ Tòng cảm động đến mức "gạt lệ bái biệt mà đi".
Trong lần đầu gặp mặt Hắc Toàn Phong Lý Quỳ, khi nghe người này kể về việc thiếu tiền, Tống Giang liền không ngần ngại lấy ngay ra 10 lượng cho vị hảo hán mới quen biết này mượn. Chính việc làm hào hiệp ấy đã khiến một Lý Quỳ nổi tiếng lỗ mãng cũng không khỏi cảm kích.
Nhìn lại các quý nhân của những hảo hán Lương Sơn, không khó để nhận thấy Sài Tiến cũng được xem là một người luôn hết lòng giúp đỡ người khác. Tuy nhiên dù dùng địa vị và tiền bạc của mình để cứu tế cho vô số quan khách, thì chung quy Sài đại quan nhân cũng không chiêu mộ được nhiều tâm phúc từ những người mang ơn với mình.
Trong khi đó, Tống Giang vốn không giỏi võ, không thiện mưu, tiền bạc địa vị đều ở mức thường thường bậc trung, thế nhưng nhờ biết giúp đỡ người khác một cách khôn khéo, ông luôn dễ dàng thu phục được nhân tâm.
Cũng bởi vậy mà bất luận là hậu duệ hoàng tộc như Sài Tiến, viên ngoại giàu có như Lư Tuấn Nghĩa hay kẻ háo sắc như Vương Anh, lỗ mãng như Lý Quỳ… đều tâm phục khẩu phục trước Tống Giang và sẵn sàng bán mạng cho ông.
Vì vậy, sau này khi Tiều Cái chết, Lâm Xung, Ngô Dụng và mọi người đều cung kính đưa Tống Giang lên làm chủ Lương Sơn Bạc, các anh hùng Lương Sơn Bạc ai lấy trong lòng đều háo hức chờ đợi. Đây chính là cái duyên kỳ ngộ của trời đất tác thành, và đây cũng là kết quả bao năm, bao đời bao kiếp Tống Giang tu thân, tích đức mà thành. Hay nói cách khác, việc Tống Giang lên làm chủ Lương Sơn bạc chính là hợp với ý trời, lòng dân.
Dưới sự dẫn dắt của Tống Giang, nhân tài trong thiên hạ mới có chỗ dụng thân, đủ thấy tài năng và sức hút của Tống Giang lớn cỡ nào. Cổ nhân có câu: “Bậc đại tài chính là người biết quy tụ những nhân tài giỏi hơn mình, vì mình mà cống hiến”.
Có thể nói Tống Giang, văn không hay, võ không giỏi, mưu cũng chẳng thâm sâu khó liệu, so với những anh hùng khác trên Lương Sơn Bạc như Ngô Dụng, Lâm Xung, Lư Tuấn Nghĩa, nhưng ở Tống Giang lại có cái chí bao trùm thiên hạ, lo cái lỗi của thiên hạ, nghĩ cái nghĩa của trăm dân. Vậy nên, ngoài Tống Giang ra, thì cũng không có ai đủ tầm, đủ cỡ mà ngồi lên cái ghế đứng chủ Lương Sơn Bạc.
Theo Quốc Tiệp/Nguoiduatin

>> xem thêm

Bình luận(0)