Hạnh phúc là trân trọng những gì mình đang có

Google News

Hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ mà là cách thức nhìn thấy giá trị mình đang có, phát huy nó theo cách để mang lại sự an vui lâu dài. 

Hãy trân trọng những gì mình đang có
Kinh kể rằng, một sáng nọ, đức Phật và A Nan cùng 1.250 vị Tỳ kheo cất bước thong dong qua các cánh đồng để tạo ruộng phước cho bá tánh phát tâm cúng dường.
Đức Phật và đại chúng đã dừng lại ở một ngôi nhà đơn sơ, tuy nghèo nhưng gia chủ rất giàu lòng nhân ái.
Mặc dù không biết đức Phật là ai, chỉ thấy ánh áo vàng thư thái, nụ cười an nhiên với những bước chân thoát tục, bà cảm thấy tâm mình hân hoan theo. Phát tâm nhưng không có gì để cúng ngoài trái me, trái quýt, ly nước mời đức Phật cùng đại chúng.
Trong lúc nhận phẩm vật, một đàn heo chạy đến bên chân Ngài và các vị Tỳ kheo. Phật mỉm cười nhìn đàn heo. A Nan và các vị Tỳ kheo rất đỗi ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy Phật cười với một con heo. Chắc hẳn phải có duyên cớ.
Duyên cớ này được đức Phật kể qua câu chuyện tiền thân. Kiếp trước của con heo này là một con gà mái sống trong ngôi tu viện lớn.
Tăng chúng trong tu viện rất tinh tấn. Sáng tinh mơ, các vị đã thức dậy ngồi thiền, sau đó đi từng bước giữa cuộc đời để thuyết pháp độ sinh cho người hữu duyên.
Con gà mái sống trong tu viện cảm thấy an ổn, nó tiếp nhận trường lực của lòng từ bi từ những vị xuất gia và rất hạnh phúc.
Vì là gà mái nên nó không biết gáy. Tuy nhiên, cứ mỗi sáng sớm, nó luôn cất tiếng gáy “Ò ó o…” bắt chước gần như một con gà trống.
Qua âm thanh lạ lùng đó, các vị Tỳ kheo được thức dậy đúng giờ để thực hiện thời tu tập. Nụ cười, hơi thở buổi sớm với không khí trong lành của gió, mây, không gian bạt ngàn giữa sự tĩnh lặng và an lạc đã tươi nhuận thân tâm các vị xuất gia.
Nhờ đó, họ đã làm Phật sự rất tốt.
Sau khi hóa kiếp, con gà mái được tái sinh làm công chúa nhân từ. Vì tiền thân được sống trong vùng từ trường của lòng từ bi nên đi đến đâu nàng cũng khuyến tấn người dân làm lành lánh dữ.
Hanh phuc la tran trong nhung gi minh dang co
 Sau khi hóa kiếp, con gà mái được tái sinh làm công chúa nhân từ.
Bản thân nàng luôn tiên phong trong việc giúp đỡ những khu làng xóm nghèo khó.
Vì muốn lấy lòng nhà vua nên những người thân cận giàu có luôn hưởng ứng tất cả những gì công chúa làm. Nàng tận dụng phước duyên này đến nhiều nơi để làm từ thiện, xây dựng làng xóm, nâng cấp đường sá, chăm sóc đời sống dân chúng…
Có lần, công chúa tình cờ nhìn thấy một đống dòi bọ lúc nhúc, nàng liên tưởng đến nhan sắc của mình và cảm thấy đây là một phước báu rất lớn không phải bỗng dưng mà có được.
Nàng được như hôm nay là kết quả của những hạt giống thiện đã gieo trồng trong quá khứ, trong khi loài dòi bọ bất hạnh này phải sống bằng chất phóng thải.
Từ khi nhìn thấy hình ảnh đám dòi bọ và quán tưởng phước báu, sự khác nhau của những hành động dẫn đến phước và nghiệp, công chúa lại làm nhiều việc phước hơn.
Khi qua đời, nàng tái sinh lên cõi trời Phạm thiên hưởng an lạc hạnh phúc nhiều kiếp, nhiều năm. Trên cõi trời, nàng lại quên gieo trồng phước báu, chỉ đắm say trong hưởng thụ.
Phước báu rơi vào tình trạng “tọa thực sơn băng”, ngồi hưởng mãi thì núi phước cũng lở. Cuối cùng, nàng công chúa đã không kiềm chế được thân phận “lên voi xuống chó” của mình, rơi vào tình huống ganh tỵ, làm điều xấu. Sau khi chết, nàng tái sinh thành con heo.
Nghiệp lực làm cho loài heo gắn liền với những thứ bẩn thỉu, dơ dáy để hưởng thụ vật chất, to thân béo bụng, nhưng não trạng lại không có gì.
Chính vì vậy, nhà Phật nói, làm được thân phận con người là hạnh phúc lớn nhất mặc dù không ít người phải chịu khổ đau: Khiếm thị, khiếm thính, tàn tật, bệnh hoạn hoặc nghèo khó… Nhưng dù sao con người vẫn có ý thức, có ngôn ngữ để truyền thông, và khả năng lao động.
Như vậy, hạnh phúc không phải là sự hưởng thụ mà là cách thức nhìn thấy giá trị mình đang có, phát huy nó theo cách để mang lại sự an vui lâu dài, không bị thăng trầm trong nhân quả của phước báu và tội báo.
Trong một tiến trình thời gian, chúng ta thấy sự thăng trầm trong phước báu của con heo nhanh như trở bàn tay.
Từ một con gà mái không có ý thức, giao cảm được từ trường của các vị xuất gia nên phát tâm trở thành đồng hồ báo thức, góp phần mang lại hạnh phúc cho cuộc đời.
Công việc nho nhỏ ấy tưởng chừng như không có ý nghĩa nhưng nếu được thực hiện bằng cả trái tim, tấm lòng thì cũng có thể làm thay đổi vận mệnh.
Hòa thượng Thích Nhật Từ (trích Sống vui sống khỏe)
Theo Gia đình Việt Nam

Bình luận(0)