Làm sao có thể giải đáp những thắc mắc "khó đỡ" của con về tình dục?

Google News

Trong khi con trẻ lại luôn tò mò mọi thứ xung quanh chúng, bao gồm cả chuyện tình dục thì cha mẹ lại có xu hướng ngại ngùng khi nhắc đến. Vậy làm sao để nói chuyện với con về tình dục?

Sự phát triển nhận thức về giới tính của trẻ
Khi lên 3 hoặc 4, trẻ đã bắt đầu nhận thức mạnh mẽ trong việc phân chia giới tính. Chúng sẽ biết đặt bản thân là trọng tâm để đưa ra các hành vi và mối quan hệ xã hội nhất định.
Trẻ mẫu giáo cũng luôn tự hỏi chúng đến từ đâu; các thắc mắc về mang thai, sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ và quá trình sinh ra em bé luôn là đề tài có sức mê hoặc lứa tuổi này.
Trong khi trẻ có xu hướng tò mò về cơ thể của chính mình, cha mẹ, thậm chí là những người xung quanh và luôn đặt ra hàng vạn câu hỏi vì sao; nhưng các bậc phụ huynh lại thường đỏ mặt và né tránh những chủ đề này vì khá nhạy cảm.
Lam sao co the giai dap nhung thac mac
Ảnh minh họa.
Theo Baby Center, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo không thể và cũng không cần phải hiểu được chính xác cơ chế của tình dục. Chúng không thể nào hiểu được cảm xúc phía sau tình yêu của người lớn và có thể sợ hãi khi thảo luận về sự cương cứng, thời gian “yêu”, lâm bồn và các trạng thái tự nhiên khác của cơ thể mà họ chưa đủ khả năng để hiểu hết được.
Do vậy, việc xác định được những gì cần phải chia sẻ về tình dục, giới tính và chia sẻ làm sao cho phù hợp với lứa tuổi của chúng là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là những phương pháp giúp bậc cha mẹ có thể giúp con giải đáp những vấn đề tình dục và giới tính dễ dàng nhất.
Làm thế nào để nói chuyện với con về “chuyện ấy”? Hãy bình tĩnh và thư giãn
Nhiều người lớn cảm thấy lúng túng khi nói về tình dục với một đứa trẻ, vì họ sợ sẽ không thể nào giải thích tường tận trước những câu hỏi “khó đỡ” của con. Nếu cha mẹ cảm thấy việc nói về tình dục với con là khó khăn, hãy thử tập luyện các câu trả lời của bạn trước ở trong đầu hoặc với người bạn đời của mình.
“Điều quan trọng là cha mẹ phải giải thích những chủ đề khó mà không có vẻ lo lắng”, Jerome Kagan, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết. Theo đó, cảm xúc lúng túng, bối rối của cha mẹ sẽ mang lại suy nghĩ cho trẻ rằng đây là chủ đề cấm kỵ.
Do vậy, cha mẹ nên tận dụng những khoảng thời gian cả hai đều cảm thấy thoải mái để có thể giải đáp các thắc mắc của con như trong giờ chơi, vào bữa ăn nhẹ hoặc những khoảnh khắc yên tĩnh khi bạn và con đang nằm trên giường.
Đưa ra những câu trả lời đơn giản
Ở độ tuổi này, câu trả lời tốt nhất nên dựa trên tiêu chí: "Ngắn và đơn giản". Sử dụng các tên chính xác cho các bộ phận trên cơ thể như dương vật, âm đạo chứ không dùng các thuật ngữ thay thế “cậu nhỏ”, “cô bé”, vùng tam giác mật… Điều này sẽ không tạo cho trẻ suy nghĩ rằng, các chủ đều về tình dục là nhạy cảm, bị cấm đoán.
Tiếp tục trả lời những câu hỏi tiếp sau đó miễn là trẻ cảm thấy muốn được lắng nghe nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cha mẹ tránh đưa ra câu trả lời chứa đựng nhiều thông tin quá tải với độ tuổi của con.
Khuyến khích sự quan tâm của con
Cho dù câu hỏi của con bạn là gì đi nữa, đừng tỏ ra hoảng hốt và đặt ra các câu hỏi như : “Tại sao con lại hỏi những câu như thế này?”, hoặc “Chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau, bây giờ đang là giờ ăn cơm”. Điều này sẽ khiến trẻ ngầm hiểu rằng, mình đã phạm sai lầm khi nói về chủ đề bị cấm.
Thay vì vậy, hãy khen ngợi trẻ, “Đó là một câu hỏi hay”và từ tốn giải đáp thắc mắc của con. Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, cha mẹ có thể khuyến khích con trẻ, hãy hỏi thêm bất cứ khi nào con muốn.
Đôi khi trẻ có thể bất chợt hỏi bạn những tò mò về “chuyện ấy” ở những nơi đông người. Trong tình huống này, hãy nhẹ nhàng giải đáp thắc mắc cho con thay vì tìm cách chuyển chủ đề.
Dạy con biết sự riêng tư
Trẻ ở tuổi mẫu giáo cần thời gian hiểu về sự riêng tư, con phải hiểu rằng nếu cánh cửa phòng đang đóng, mình cần gõ cửa trước khi bước vào. Một số trẻ mẫu giáo cũng đã nhận thức được rằng, các bộ phận “riêng tư” của mình là không ai được phép chạm vào trừ bố mẹ, bác sĩ hoặc y tá.
Theo Yên Lam / Phụ nữ & Sức khỏe

>> xem thêm

Bình luận(0)