Ô tô nhập khẩu dồn dập về Việt Nam “chạy” Nghị định 116

Google News

(Kiến Thức) - Theo Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chính khiến lượng xe nhập khẩu tăng đột biến chủ yếu là để  “chạy” Nghị định 116.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 12/2017 cả nước nhập khẩu 7.048 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 192 triệu USD. Trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt 991 chiếc, xe tải 4.850 xe, xe trên 9 chỗ ngồi chỉ có 19 chiếc.
Lượng xe nhập khẩu bất ngờ tăng đột biến so với nửa cuối tháng 11, vượt 4.117 chiếc. Thậm chí, số lượng xe 15 ngày đầu tháng 12 này còn vượt cả tháng 11 (6.427 chiếc). Đáng chú ý, lượng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 12 còn lớn hơn tổng số lượng xe này nhập khẩu trong nhiều tháng liền kề trước đó. Cộng dồn từ đầu năm đến 15/12, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 90.611 xe, tổng trị giá kim ngạch gần 2,1 tỷ USD. Trong đó xe dưới 9 chỗ ngồi là 35.977 chiếc, xe tải 41.845 chiếc, xe trên 9 chỗ ngồi là 604 chiếc. 
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình. 
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chính khiến lượng xe nhập khẩu tăng đột biến nửa đầu tháng 12 chủ yếu là để “chạy” Nghị định 116 của Chính Phủ, gom hàng bán trong dịp Tết và quý I/2018.
Theo ông Tưởng, với những quy định tại Nghị định 116, ít nhất quý I/2018 xe nhập khẩu rất khó về Việt Nam vì chưa thể xin được các loại giấy phép theo quy định.
Trước đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 116 (NĐ 116) quy định các điều kiện khắt khe về sản xuất (SX), lắp ráp (LR), nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã tác động mạnh mẽ đến thị trường ô tô Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, nhất là thời điểm 2018 đang đến gần.
Đơn cử, từ 2016, Honda đã lên kế hoạch nhập khẩu CR-V thế hệ mới thay cho lắp ráp để tận dụng lợi thế thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% vào đầu năm 2018, qua đó giảm giá chiếm thị phần. Tuy nhiên, từ 17/10/2017, Nghị định 116 bất ngờ có hiệu lực khiến Honda CR-V thế hệ mới khó về Việt Nam đầu năm 2018.
Cùng với các điều kiện khắt khe về triệu hồi, bảo dưỡng trước đó của Nghị định 116, ô tô cũ nhập khẩu dường như hết cửa về Việt Nam. 
Các hãng Ford, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu và nhiều hãng xe sang nhập khẩu khác cũng chịu chung thế bí, buộc phải ráo riết nhập xe về trữ hàng trước Tết. Theo tiết lộ của một đại lý Ford Việt Nam, lượng xe Ford Ranger vừa nhập có thể bán được tới 2 tháng đầu năm 2018.
Sốt sắng trước các quy định khắt khe của Nghị định 116, ngày 14/12, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lần thứ 4 trong vòng hai tháng gửi thư kiến nghị lên Chính phủ để nhấn mạnh việc cần điều chỉnh Nghị định 116 về kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô. Lần này, các hãng muốn hoãn thi hành Nghị định 116 thêm 6 tháng so với thời điểm hiện quy định là 1/1/2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới.
Ngược với các liên doanh thuộc VAMA, hai ông lớn lắp ráp ô tô trong nước là Trường Hải và Hyundai Thành Công lại hoàn toàn ủng hộ từng nội dung trong Nghị định 116 và thời gian hiệu lực ngay 1/1/2018.
Để cạnh tranh với hai ông lớn này, các hãng đã bắt đầu công bố giá bán 2018 cho nhiều dòng xe lắp trong nước với mức giá tuy không giảm nhiều so với cuối 2017 nhưng khá hấp dẫn nếu so với mặt bằng 1-2 năm qua.
Trước đó, cuối tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125 (NĐ 125) sửa đổi, bổ sung NĐ 122 về Biểu thuế xuất khẩu (XK), Biểu thuế nhập (NK) khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan. Với những điều chỉnh mới của Nghị định 125 Chính phủ vừa ban hành, thuế nhập khẩu ô tô cũ tăng gấp đôi so với hiện tại. Cùng với các điều kiện khắt khe về triệu hồi, bảo dưỡng trước đó của Nghị định 116, ô tô cũ nhập khẩu dường như hết cửa về Việt Nam.
Thảo Nguyễn (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)