Làm 25 mâm cơm cho giỗ đầu chú heo biết ăn chay

Google News

Khi chú heo biết ăn chay mất, gia đình ông Mạo tổ chức tang lễ rất đàng hoàng, mời cả thầy tu đến tụng kinh.

Ông Nguyễn Văn Mạo (còn gọi là Năm Mạo) nằm giữa ấp 4 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) là chủ của chú heo biết ăn chay tên Mép tinh khôn, có khả năng trông nhà.
Lam 25 mam com cho gio dau chu heo biet an chay
 Ông Mão cùng Mép ngày chú còn sống.
Bà Trần Thị Cúc (vợ ông Mạo) cho biết, Mép mất ngày mùng 5/5 (âm lịch) năm trước. Gia đình ông bà vừa làm đám giỗ cho Mép xong. “Mép chết, cả nhà tôi buồn như mất đi một thành viên trong gia đình.
Cả hàng xóm với gia đình chúng tôi cũng buồn. Chúng tôi tổ chức “tang lễ” cho Mép như cho một người thân. Dù không khèn trống rình rang nhưng “tang lễ” được tổ chức đàng hoàng lắm.
Vợ chồng tôi có mời thầy tu trong ngôi chùa gần đấy đến tụng kinh, trợ duyên niệm phật mong sao kiếp sau Mép được đầu thai làm người. Hầu hết bà con trong khu ấp và người dân lân cận biết chuyện đều đến chia buồn với gia đình tôi và đưa Mép về nơi an nghỉ”, bà Cúc nói.
Lam 25 mam com cho gio dau chu heo biet an chay-Hinh-2
Mép biết trông nhà, biết ăn chay. 
Mặc dù còn lưu lại rất nhiều hình ảnh về Mép trong album nhưng vợ chồng ông Năm Mạo không lập bàn thờ di ảnh Mép. Tuy nhiên, ông Mão cho biết, mỗi năm, gia đình ông vẫn sẽ làm cơm cúng tại mộ phần của chú.
Để chuẩn bị cho giỗ đầu của Mép, từ ba tháng trước, vợ chồng ông Năm Mạo đã thả nuôi gà, vịt chuẩn bị mời cơm bà con khu ấp. Ông Năm kể, đám giỗ của Mép, ngoài bà con nội ngoại, bạn bè, vợ chồng họ đã mời tất cả mọi người trong ấp đến dự. Tổng khách mời vào khoảng 25 bàn tiệc. Những người đến dự họ đã gặp Mép trong nhà ông nhiều lần và rất thân với Mép khi chú còn sống.
Phần mộ của Mép cũng được ông Mạo và mọi người trong gia đình cất đặt cẩn thận trên một gò đất cao, nằm cách nhà khoảng hơn 5km. Đó là phần đất của gia đình ông Mạo mua lại và trồng rất nhiều cây ăn trái.
Ngôi mộ đất, cỏ mọc xanh, được gia đình ông chăm sóc cẩn thận. Trên nấm mồ của Mép được đặt một bát hương, xung quanh thường được cắm rất nhiều cây kẹo mút. Ông Mão nói, đó là món quà mà bé út nhà ông thường mua tặng Mép mỗi lúc đi xa về. Đó cũng là món mà Mép “khoái khẩu”.
“Chẳng ai mong muốn nó chết cả. Nhưng con vật thì cũng như con người cũng có chu kỳ sinh – lão – bệnh – tử. Thế nên, dù rất buồn nhưng tôi cũng an ủi mọi thành viên trong gia đình. Hàng năm, gia đình sẽ tổ chức đám giỗ cho Mép để tưởng nhớ Mép như một thành viên trong gia đình đi xa vậy…”, ông Mạo nói.
Theo lời ông Mạo, vào khoảng tháng 11/2009, Mép “nhập khẩu” vào gia đình ông. Vào thời điểm đó, để chuẩn bị cho đám giỗ của dòng tộc, ông Năm Mạo mua hai con heo giống Móng Cái về nuôi cho lớn dần làm thịt. Một con bị bệnh rồi chết sau vài ba tháng mua về. Chỉ còn lại Mép. Sợ Mép bị bệnh nên ông Mạo gọi thầy thú y tiêm thuốc phòng bệnh nên may mắn Mép không sao cả. Ông Mạo không thịt mà quyết định giữ chú lại nuôi.
Khác với những con heo bình thường, Mép rất tinh khôn, biết trông nhà cho chủ. Anh Nguyễn Thế Hai (trạm y tế xã Mỹ Đông, người chăm sóc sức khỏe cho Mép) từng một lần bị Mép “đuổi ra khỏi nhà”.
Anh Hai kể: “Ngày đó, tôi đi tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại địa phương. Khi vào nhà ông Năm Mạo, tôi thấy Mép đứng chắn giữa cổng. Dù Mép đang nhe hai chiếc nanh cong nhọn ra cảnh báo nhưng tôi với mấy cán bộ xã vẫn chủ quan, cứ thế đi thẳng. Định bước vào nhà, chúng tôi bất ngờ bị Mép tấn công, mọi người hốt hoảng chạy ngược trở ra. Đến khi người nhà ra hiệu thì Mép mới chịu để chúng tôi vào nhà”.
Bà Cúc tiếp tục câu chuyện, khi còn sống, Mép còn một sở thích đó là uống bia. Và đặc biệt hơn là chú ta còn biết ăn chay và giữ chay nữa. Bà Cúc nói, ngày thường uống bia là vậy nhưng ngày rằm và ba mươi, ngày Tết, Mép tuyệt đối không ăn thịt cá, cũng không uống ngụm bia nào.
Bà Cúc cho biết, người ta “thử” Mép là chuyện thường ngày nhưng không bao giờ Mép “phạm luật”. “Trong những món ăn của ngày chay, Mép thích nhất là món cơm trắng với nước tương”, bà Cúc kể.
Nhớ lại ngày Mép mất, bà Cúc chia sẻ thêm, trước khi chết, do cân nặng quá khổ, Mép bị gãy chân, chỉ đi cà nhấc trong một thời gian. Mấy tháng thì Mép chết.
Mép chết, cô con gái út nhà ông Mạo là người khóc nhiều nhất. Ngày đưa tiễn Mép, cô quyết định không cho quấn vải lên mặt mũi Mép vì sợ nó thở không được. Đến tận hôm nay, khi nhắc đến con Mép, đôi mắt cô vẫn còn rơm rớm nước. Ông Mão nói: “Thỉnh thoảng con bé nằm ngủ vẫn mơ thấy Mép đi đi lại lại trong nhà”.
Theo Phụ Nữ Online

Bình luận(0)