Kỳ lạ cặp bê song sinh đáng yêu của lão nông miền Tây

Google News

Ngôi nhà của ông Do tấp nập người hiếu kỳ đến xem cặp bê song sinh hiếm có. Hai chú bê chẳng những xinh xắn mà còn rất yêu thương, nhường nhịn nhau. 

Tầm một tháng nay, ngôi nhà vốn dĩ yên bình của ông Do không ngớt người đến thăm hỏi. Một mặt, họ đến đây để xem cặp bê song sinh là có thật hay không. Mặt khác, người hiếu kỳ muốn tận mắt chứng kiến một hiện tượng lạ về "yêu thương đồng loại" có một không hai của cặp bê con này.
Cặp song sinh bê con hiếm có
Người sở hữu cặp bê con song sinh kì lạ ấy là lão nông Nguyễn Văn Do (40 tuổi, ngụ ấp Thanh Nguyên B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh). Gặp chúng tôi, lão nông nhiệt tình bước ra ngoài chào đón: “Mấy chú tìm cặp bê song sinh của tôi à? Tôi quý nó lắm nên nhốt tách biệt ở cái chuồng nhỏ đằng kia”.
Ky la cap be song sinh dang yeu cua lao nong mien Tay
Cặp bê song sinh.
Nói về sự kỳ lạ về cặp bê song sinh này, ông Do nhớ lại: “Cách đây tầm 1 tháng, con bò cái của tôi mang thai, vợ chồng tôi sửa soạn để đón bê con ra đời. Mới đầu, ra được 1 bê con, vợ chồng mừng rỡ định cho bò mẹ nằm nghỉ mệt, không ngờ vài phút sau bò mẹ lại đẻ thêm 1 con bê con nữa. Hai vợ chồng sửng sốt bàng hoàng nhưng cũng lấy làm vui, vì như thế chúng tôi sẽ lãi được gấp đôi. Tôi nuôi bò cũng khá lâu năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cặp bê song sinh. Cả nhà tôi ai cũng thích cặp bê này, cũng bởi vì sinh đôi nên tầm vóc của nó y chang như nhau, hai bê con lông vàng mướt rượt”.
Bà Thảo (người láng giềng của ông Do) cho biết: “Trước đây nơi này đã từng chứng kiến một hiện tượng thú vị về loài bò, đó là con bò có 2 đầu khi mới sinh ra. Vì không biết tiêu thụ thức ăn bằng cái miệng nào nên con bò ấy đã chết vài ngày sau đó. Cặp song sinh bê con mà ông Do hiện đang sở hữu cũng là một hiện tượng hiếm có, trước giờ chưa từng xuất hiện ở cái vùng này”. Có lẽ vì vậy mà nhiều người hay tin đã kéo đến chuồng bò của ông Do để tận mục sở thị cặp bê con kỳ lạ này.
Cưng cặp bê song sinh như “con”
Ở vùng này, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ việc chăn nuôi. Mấy năm trước, giá bò xuống thấp nên ai nấy đều nản chí rồi tìm kế khác để sinh nhai, trang trải cuộc sống hằng ngày. Duy chỉ có gia đình ông Do là kiên quyết bám đất, bám nghề. Cỏ mọc tự nhiên không đủ cho bò ăn, ông bèn tìm tòi học hỏi cách trồng cỏ, áp dụng kỹ thuật mới vào việc chăn nuôi. Quanh vườn nhà ông, dưới những gốc cây đang sai trĩu quả là những đám cỏ voi xanh mượt, mọc đều nhau. Chuồng bò của ông, con nào con nấy mập ú, ông luôn để sẵn cỏ xanh trong chuồng, khi đói bò chỉ việc cúi đầu gặm cỏ. “Tôi nuôi bò kỹ lắm, ngoài việc cho ăn cỏ, uống nước, tôi còn mua thêm thức ăn để cho bò ăn dặm. Mỗi năm tôi đều cho “xuất chuồng” một vài con” - lão nông gật gù nói về sự thuận lợi trong nghiệp chăn nuôi của mình.
Bưng thau thức ăn đến nơi cặp đôi bê con đang đứng, lão nông chia sẻ về cách chăm sóc: “Lúc mới sinh ra nó yếu lắm, tôi cứ tưởng nó không qua khỏi nhưng cả hai con bò đều bú khoẻ nên chóng lớn lắm, không đầy một tháng mà nó lớn cỡ này rồi. Vợ chồng tôi thấy vậy nên lựa chọn những ngọn cỏ còn non rồi rửa thật sạch trước khi cho nó ăn. Để bê con mau lớn, tôi còn cho nó ăn thêm thức ăn, làm một cái vách ngăn để phân tách cặp bê con với các con bò khác trong chuồng. Mỗi sáng thức dậy, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là chạy ra chuồng để nhìn ngắm cặp bê. Tôi mừng lắm”. Nói đoạn, lão nông khẽ vỗ về cặp bê mà ông dành tình cảm yêu thương, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào.
Ông Do chia sẻ, cặp bê “cưng” của ông có nhiều biểu hiện rất lạ khiến cả nhà ông không khỏi bất ngờ. “Chúng nó biết nhường nhịn nhau lắm, không bao giờ giành giật thức ăn của nhau. Mỗi khi tôi cho chúng ăn, cả hai con nhìn nhau như nhường nhịn rồi mới cắm đầu ăn một mạch, đến khi no rồi cũng rủ nhau ra nằm nghỉ ở góc cây kia. Dường như mọi hoạt động của chúng đều song hành và không rời nhau nửa phút”, ông Do nói thêm.
Cũng chính vì những điều lạ - ngoan, hiền, biết nhường nhịn đồng loại này mà trong thời gian qua, có nhiều người đánh tiếng muốn mua cặp bê con nhưng ông Do nhất định không chịu bán. “Tôi muốn tận tay chăm sóc cặp bê để xem quá trình lớn lên của nó ra sao. Cho dù cái giá mọi người đưa ra có cao mấy tôi cũng nhất định giữ lại, bởi đâu dễ gì mà kiếm được cặp song sinh bê con như thế này”, lão nông quả quyết.
Theo Dân Việt

Bình luận(0)