Trào lưu cha mẹ sắm nhà cho các 'rich kid' ở Singapore

Google News

Ở độ tuổi ngoài hai mươi, một số ít thanh niên nhà giàu ở Singapore đã sở hữu những căn hộ đắt đỏ, điều mà rất nhiều người phải làm việc cả đời mới tích lũy được.

Theo Bloomberg, không nhiều sinh viên đại học 24 tuổi sống trong một căn hộ cao cấp trị giá 1,2 triệu SGD (875.000 USD), được trang bị ghế văn phòng Herman Miller Aeron và máy pha cà phê Lelit. Đặc biệt là ở Singapore, một trong những thị trường bất động sản đắt nhất thế giới.
Shawn là một trong số ít những người may mắn như vậy. Anh sống trong một căn hộ ở khu vực trung tâm thành phố Bukit Timah và được mẹ anh chi trả toàn bộ chi phí.
Tuy nhiên, những trường hợp như anh ngày càng nhiều khi các gia đình tìm cách đối phó với các biện pháp hạ nhiệt thị trường, cụ thể là việc tăng thuế khi mua ngôi nhà thứ hai và thứ ba, bằng cách mua bất động sản cho con cái họ.
Trao luu cha me sam nha cho cac 'rich kid' o Singapore
Những tòa chung cư tại khu Bukit Timah Road, Singapore. Ảnh: Wei Leng Tay/Bloomberg. 
Không có nhiều dữ liệu cụ thể nhưng các đại lý bất động sản cho biết hiện tượng các gia đình giàu có mua căn hộ cho con cái gia tăng đáng kể từ khi các biện pháp hạ nhiệt thị trường nhà đất có hiệu lực vào tháng 7/2018.
Thuế đóng dấu bổ sung của người mua, hay còn gọi là ABSD (Additional buyer’s stamp duty), hiện được áp dụng ở mức 12% cho ngôi nhà thứ hai, 15% cho ngôi nhà thứ ba và những bất động sản được mua sau đó.
“Theo quan sát của chúng tôi, đã có nhiều người mua trẻ tuổi tham gia vào thị trường”, bà Christine Sun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại OrangeTee & Tie Pte, cho biết. Bà nhận định vì những người mua nhà lần đầu sẽ không bị ảnh hưởng bởi ABSD, nên nhiều người Singapore cho rằng việc tích lũy bất động sản ở thời điểm hiện tại sẽ mang lại nhiều giá trị.
Kinh doanh xa xỉ
Giá cả trên đà tăng lên cũng là điều khiến nhà đầu tư yêu thích. Dữ liệu được công bố vào tuần trước từ Cơ quan Tái phát triển đô thị cho thấy lần đầu tiên giá nhà ở tư nhân tăng lên kể từ khi giới hạn nhà ở được đưa ra. Giá trị nhà ở đã tăng 1,5% trong ba tháng tính đến ngày 30/6, chủ yếu ở phân khúc căn hộ cao cấp.
Trao luu cha me sam nha cho cac 'rich kid' o Singapore-Hinh-2
Khách hàng tại một sự kiện giới thiệu chung cư cao cấp ở Singapore. Ảnh: AFP. 
Các bậc phụ huynh thường dẫn đầu trong việc săn tìm nhà đất.
Alan Cheong, giám đốc điều hành nghiên cứu và tư vấn tại công ty bất động sản Savills (Singapore), cho biết: “Thuế cao khiến các bậc cha mẹ phải đầu tư một cách gián tiếp, sử dụng tên con cái để mua một bất động sản khác”.
Cách này chỉ áp dụng được khi đứa trẻ đủ tuổi sở hữu tài sản.
Nếu con cái chưa đủ tuổi vị thành niên, hoặc dưới 21 tuổi, thì các gia đình chỉ còn cách thiết lập một tài khoản ủy thác dưới tên con của họ, cho phép cha mẹ quản lý tài sản, ông Cheong cho biết.
Tài khoản ủy thác
“Tài khoản ủy thác là một cấu trúc mà cha mẹ có thể quản lý tài sản cho con cái chưa đến tuổi thành niên”, ông Edmund Leow, một đối tác cao cấp tại Dentons Rodyk & Davidson LLP, cho biết. “Tuy nhiên, tài sản thuộc về đứa con, chứ không phải cha mẹ”.
Các đại lý bất động sản và luật sư mà Bloomberg News đã nói chuyện cho biết họ không có dữ liệu về số lượng tài khoản ủy thác được thiết lập với mục đích này. Nhưng cả bà Christine Sun của OrangeTee và ông Alan Cheong của Savills đều nói rằng nhiều người mua đang tìm hiểu về lựa chọn này. 
Tuy nhiên, đó là một lựa chọn đắt đỏ.
Nicholas Mak, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại APAC Realty Ltd., đơn vị ERA Singapore, cho biết thành lập tài khoản ủy thác không hề rẻ. “Các chi phí liên quan thường khá cao và nó chỉ là một lựa chọn khả thi cho những gia đình giàu có nhất ở Singapore”, ông nói.
Để chắc chắn, ông Edmund Leow cho rằng không nên xem đây là một trường hợp tránh thuế.
“Đây không phải là một cách trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế”, ông nói. “Các trách nhiệm pháp lý đối với ABSD sẽ được đánh giá dựa trên hồ sơ và số tài sản của người thụ hưởng. Ví dụ, bất kỳ doanh thu nào từ việc cho thuê, hoặc số tiền khi bán lại tài sản, đều thuộc về con cái” chứ không phải là cha mẹ, người đã mua bất động sản.
Đối với những người như Shawn, người đã yêu cầu không tiết lộ họ thật của mình trong bài viết do tính chất nhạy cảm của giao dịch, điều đó có nghĩa anh có thể phải nộp chi phí bổ sung trong tương lai. Trừ khi Shawn bán căn hộ mà cha mẹ đã mua cho, bất kỳ giao dịch bất động sản nào của anh trong tương lai sẽ được tính là ngôi nhà thứ hai và phải chịu ABSD.
“Sở hữu một ngôi nhà ở Singapore vào độ tuổi của tôi chắc chắn không phải là điều phổ biến và tôi thật sự biết ơn rằng tôi có một ngôi nhà của riêng mình”, anh trả lời khi ngồi trong căn phòng khách được trang trí bằng đồ gốm sứ Thụy Điển, Nhật Bản và Thái Lan. “Đó là một đặc quyền mà tôi biết rất nhiều người không thể làm được”.
Theo Minh Tú/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)