Tiến độ giải ngân các dự án lớn đã cải thiện, song vẫn chậm

Google News

Bộ KH&ĐT cho rằng, dù đã cải thiện đáng kể song tiến độ giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia vẫn chưa "về đích".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tien do giai ngan cac du an lon da cai thien, song van cham
Tiến độ giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia vẫn chưa hoàn thành đúng kế hoạch. (Ảnh minh họa: Báo Giao thông) 
Về Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9.962.186/10.803,276 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%. Như vậy, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch đề ra.
Đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỷ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỷ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705,035 tỷ đồng). Lũy kế giải ngân đến nay là 5.038,556 tỷ đồng, đạt 27,69% kế hoạch được giao, trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng.
Còn Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 4.827,32 tỷ đồng, sử dụng 100% nguồn vốn NSNN. Thủ tướng Chính phủ đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Đến nay, dự án đã giải ngân được 907 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.
Lý giải về nguyên nhân của việc chậm giải ngân các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, Bộ KH&ĐT cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó chủ yếu vì công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSTW chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.
Bên cạnh đó, phương thức giải ngân vốn đầu tư công khác cơ bản so với giải ngân vốn thường xuyên, phải có khối lượng mới có thể làm thủ tục thanh toán với kho bạc nhà nước, không thường xuyên, định kỳ như chi thường xuyên. Các dự án mua sắm trang thiết bị thường giải ngân vào cuối năm, những tháng đầu năm tập trung vào thủ tục đấu thầu. Đồng thời, do đặc thù của hoạt động đầu tư là cả một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng thực hiện mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân vốn thanh toán cho giá trị khối lượng hoàn thành, thậm chí có trường hợp hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, Bộ KH&ĐT thẳng thắn chỉ rõ.
Một lý do nữa, theo Bộ KH&ĐT, là do dông tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công… Đây là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)