Petrovietnam vừa họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 11 tháng năm 2024 và tập trung cho các quyết sách hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trong tháng 11, các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Petrovietnam hoàn thành vượt mức kế hoạch HĐTV giao từ 1,3-15,1%. So với cùng kỳ năm 2023, có 5/9 chỉ tiêu tăng trưởng: Khai thác khí, sản xuất điện, LPG, Condensate, NPK. Tập đoàn cũng hoàn thành vượt kế hoạch 6/6 chỉ tiêu tài chính từ 2-57% trong tháng 11, về đích trước từ 3 - 5 tháng.
Tính chung 11 tháng, các chỉ tiêu của Petrovietnam hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 0,1-17,1%. So với cùng kỳ năm 2023, Petrovietnam có 4 chỉ tiêu tăng trưởng là sản xuất Urea, NPK, điện, xăng dầu (không gồm NSRP).
Dựa trên kết quả sản lượng 11 tháng năm 2024 và công suất hoạt động thực tế, Tập đoàn đánh giá, dù chịu tác động xấu từ thị trường nhưng các các khối sản xuất đều có khả năng hoàn thành kế hoạch quản trị năm 2024.
|
Petrovietnam tăng tốc cho mục tiêu tăng trưởng “2 con số” |
Công tác an sinh xã hội luôn được Tập đoàn chú trọng với tổng giá trị các hoạt động đạt 580,6 tỷ đồng, trong đó tập trung vào hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, hỗ trợ chương trình giáo dục, y tế, vì người nghèo, thiên tai, bão, lũ... Đặc biệt, công tác tái thiết thôn Kho Vàng (Lào Cai) đang được Petrovietnam tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, phấn đấu để người dân Kho Vàng về nhà mới trước 20/12, ghi nhận ý nghĩa lớn trong hoạt động an sinh xã hội của Tập đoàn.
TGĐ Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho rằng, điểm sáng trong bức tranh chung là Tập đoàn nỗ lực hoàn thiện thể chế, chỉ số sản xuất kinh doanh cơ bản đều ghi nhận sự tăng trưởng, tháo gỡ cho các dự án khó khăn. Năm 2025, Tập đoàn cần nhận diện những rủi ro, thách thức để xây dựng kịch bản ứng phó, đồng thời tìm kiếm động lực tăng trưởng cho các mặt sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ hội, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Còn theo ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư TT Đảng ủy Tập đoàn, công cuộc đổi mới tổ chức bộ máy và tái cơ cấu doanh nghiệp tinh gọn, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng để Petrovietnam về đích năm 2024 và chuẩn bị đà tăng trưởng cho năm 2025. Ông đề nghị các ban đầu mối theo phân công triển khai thực hiện tốt tổng kết thực hiện NQ 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh một điểm sáng khác của Tập đoàn trong năm 2024 là đã quản trị và điều hành SXKD hiệu quả. Trong đó, nổi bật nhất doanh thu toàn Tập đoàn 11 tháng năm 2024 đạt 903.843 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023, đang hướng tới mục tiêu vượt 1 triệu tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt 140.473 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Petrovietnam đang chiếm gần 45% tổng lợi nhuận trước thuế của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do ỦB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Trong 11 tháng 2024, giá trị giải ngân đầu tư của Tập đoàn đạt 29.741 tỷ đồng, đạt 60,5% kế hoạch năm 2024, tăng 93,2% so với cùng kỳ và cao hơn mức giải ngân đầu tư công cả nước (54,8%). Đây là những "con số biết nói" về tổng doanh thu, lợi nhuận, đầu tư, nộp ngân sách Nhà nước trong 11 tháng qua và ước thực hiện cả năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá rất cao chuỗi sự kiện dầu khí và điện gió ngoài khơi của Petrovietnam. Quá trình này đúng với kịch bản Tập đoàn đề ra là đẩy nhanh E&P và các lĩnh vực khác để lấy nguồn lực chuyển đổi sang “xanh và bền vững”, giúp Tập đoàn phát triển lâu dài với những dư địa mới.
Để hoàn thành mục tiêu 1 triệu tỷ đồng doanh thu đề ra năm 2024 và tạo đà cho năm 2025, Petrovietnam cần tập trung các động lực mới ở lĩnh vực năng lượng gồm: điện, LNG, xăng dầu, điện gió ngoài khơi. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án mới vào hoạt động, giải quyết vấn đề tại các dự án khó khăn để tạo ra doanh thu, dòng tiền mới; nâng cao năng suất, công suất, hiệu suất các hoạt động dầu khí thông qua đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ; tích cực đẩy mạnh kinh doanh, hợp tác quốc tế, tận dụng thời cơ và cơ hội để phát triển; thúc đẩy xây dựng văn hóa làm việc khẩn trương, hiệu quả.
Tính đến hiện tại, Tập đoàn có dòng tiền kinh doanh dương, sản lượng tăng, tích lũy cao hơn so với đầu kỳ. Từ đó, cho thấy tiềm năng của năm 2025. Trong năm tới, Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng với mục tiêu cao vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhà nước then chốt như Petrovietnam. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam cần xây dựng mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước để góp phần hiện thực hóa mục tiêu của đất nước”
Trước tình hình giá dầu dự báo biến động năm 2025, Petrovietnam đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm tới chính là tập trung cho công tác quản trị. Từ việc các nhà máy đã hoàn thành bảo dưỡng trong năm 2024, điều này sẽ tạo cơ sở, tiền đề để hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn duy trì liên tục, có dư địa tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thể chế, chính sách sẽ mở đường và tạo dư địa tăng trưởng nhiều hơn cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
“Kế hoạch năm 2025 phải đặt mục tiêu tăng trưởng “2 con số”, trên 10%. Trên cơ sở hoạch định các số liệu liên quan, nhận diện rủi ro, xây dựng kịch bản tương ứng, đồng bộ mục tiêu của Đại hội Đảng các cấp với mục tiêu phát triển, tăng trưởng của Tập đoàn. Qua đó, xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình hành động kịp thời, phù hợp”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam quán triệt.
Khẳng định động lực lớn nhất trong công tác quản trị là yếu tố con người. Việc triển khai sắp xếp, tinh gọn, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, tạo động lực phát triển mới trong Tập đoàn.
Vai trò then chốt của công tác nhân sự, cần phải nghiên cứu, tính toán để bổ nhiệm những người có năng lực, có trách nhiệm, tất cả vì mục tiêu chung là sự phát triển bền vững của Petrovietnam.