Nộp đơn xin nghỉ việc thì sếp đề nghị tăng lương, quyết định sao cho sáng suốt nhất?

Google News

Quyết tâm xin nghỉ việc nhưng khi đủ dũng cảm để đưa đơn thì sếp lại đề nghị tăng lương và níu kéo, bạn sẽ làm thế nào trong hoàn cảnh này?

Xin nghỉ việc thì sếp đề nghị tăng lương
Có được một nơi làm việc môi trường tốt, đồng nghiệp tạo điều kiện và thu nhập tốt để cống hiến lâu dài là điều mà ai cũng mong muốn. Nhiều người rất ngại việc phải thay đổi môi trường và có lẽ để đi đến quyết định nộp lá đơn xin nghỉ việc là cả một quá trình suy nghĩ lâu dài.
Mới đây, một cô nàng công sở đã đăng tải những tâm sự đầy bối rối của mình, xin lời khuyên của mọi người về việc nên làm sao cho đúng đắn. Câu hỏi chạm đúng "chỗ ngứa" của nhiều người và cũng là nỗi lòng nhiều người không biết tỏ cùng ai nên ngay sau khi chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý.
"Bối rối quá anh chị em ơi!Sau rất nhiều thời gian nghĩ ngợi rồi đấu tranh các thứ, em mới dám đứa ra quyết định xin nghỉ việc. Thế nhưng khi vừa đưa đơn thì sếp em lại đưa ra đề nghị tăng thêm 4 triệu tiền lương và muốn em về suy nghĩ rồi trả lời sau. Chọn con tim hay là nghe lý trí đây mọi người...".
Hội "anh chị em bạn dì" đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau cũng như lời khuyên về nơi cô nhân viên này nên "chốt". Mỗi người một ý kiến, một lời khuyên và xem ra ai cũng có lý lẽ của riêng mình.
Anh Trần Văn C. (Hà Đông, Hà Nội) thì cho rằng cô gái này nên cân nhắc về việc ở lại, tiếp tục cống hiến cho công ty.
"Em đã suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi xin nghỉ chưa? Em còn trẻ, nên suy nghĩ cho lâu dài nhé. 4 triệu đồng không hề là con số nhỏ, chắc chắn sếp em đã phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra đề nghị đó.
Để làm quen với một môi trường mất không ít thời gian. Em phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra quyết định, chứng tỏ công ty hiện tại có rất nhiều điều khiến em lưu luyến. Rồi sang công ty mới, môi trường mới chắc gì đã tốt hơn thứ em đã có?".
Bên cạnh đó, nhiều người lại cho rằng cô nàng công sở này cần tỉnh táo và kiên định với quyết định rời đi của mình.
Nop don xin nghi viec thi sep de nghi tang luong, quyet dinh sao cho sang suot nhat?
Ảnh minh họa. 
"Em nghĩ muốn rời đi chứng tỏ công ty đấy có vấn đề lắm rồi. 4 triệu thì không nhỏ nhưng liệu có to hơn việc để lỡ một cơ hội tiềm năng không. Công ty mà sắp tới chị đầu quân phải thế nào thì chị mới quyết định rời đi chứ.
Chưa kể việc thay đổi thất thường, nhận lời rồi lại từ chối công ty kia, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng chị rất thiếu chuyên nghiệp. Biết đâu sau này trong công việc làm ăn gặp mặt nhau sẽ chẳng ra sao cả", bạn Lan Phương bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, chị Trần Hà (43 tuổi, Đà Nẵng) đưa ra lời khuyên: "Sếp em có thể tăng lương cho em thêm 4 triệu nhưng thử đặt mình vào địa vị ấy đi, chắc chắn niềm tin và thiện cảm dành cho em phần nào giảm sút. Điều này sẽ không hề tốt để em tiếp tục làm việc ở môi trường này.
Thêm nữa, việc em xin nghỉ rồi ở lại như này dễ khiến sếp nghĩ rằng em đi làm chỉ vì tiền, chỗ nào trả lương cao hơn là em sẵn sàng rời đi chứ không vì bất cứ điều gì khác. Là em, em có trân trọng một nhân viên như vậy không?".
2 câu hỏi trước khi đưa ra quyết định
Câu hỏi của cô nàng công sở này hiện vẫn đang gây tranh cãi nhiều trên diễn đàn. Có lẽ, chỉ có bản thân cô ấy mới có thể biết được mình cần phải làm gì vì trong tâm sự cô nàng không nhắc đến nguyên nhân vì sao phải xin nghỉ việc và công ty mới thế nào.
Tuy nhiên, khi rơi vào trường hợp như trên, sếp đề nghị tăng lương khi bạn đưa đơn xin nghỉ việc, bạn nên cân nhắc và trả lời 2 câu hỏi sau rồi hẵng đưa ra quyết định cuối cùng.
1. Vấn đề hiện tại bạn gặp với công ty liệu có thể giải quyết?
Khi rơi vào tình huống này, hãy tự hỏi mình vì sao lại đưa ra quyết định xin nghỉ việc. Là do bạn gặp mâu thuẫn với cấp trên, đồng nghiệp hay do bạn gặp nhiều khó khăn, bị người khác chèn ép hay cảm thấy tương lai của công ty không phát triển...?
Hãy suy nghĩ một cách kỹ càng về việc liệu bạn ở lại thì có thể chấp nhận được điều đó hay những vấn đề đang gặp phải có thay đổi được không? Nếu chỉ vì số tiền lương được tăng mà vội vàng quyết định, xem như đã vội vàng.
2. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là...?
Câu hỏi quan trọng bạn nên tự vấn chính là mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Chỉ có bạn mới hiểu rõ bản thân muốn gì và đưa ra được câu trả lời phù hợp nhất.
Việc sếp đưa ra đề nghị tăng lương, níu giữ bạn ở lại phần nào chứng tỏ họ đánh giá cao năng lực của bạn. Vậy điều bạn cần làm là xác định đâu là điều mình thực sự muốn? Tiếp tục với môi trường quen thuộc hay rời đi để sang một môi trường mới mẻ hơn? Công ty nào là nơi giúp bạn có thể phát triển con người một cách tốt nhất?
Bất kể môi trường làm việc nào, dù tốt đến đâu cũng chứa những khó khăn và thử thách. Xác định mục tiêu tương lai chính là câu trả lời rõ ràng nhất để bạn đưa ra quyết định cho chính mình. Dù là quyết định đi hay ở, hãy nhớ phải tỉnh táo và suy nghĩ thật kĩ.
Theo Khám phá

>> xem thêm

Bình luận(0)