Ngẩn ngơ dàn tỷ phú nhí khiến thế giới điên đảo

Google News

Tài năng kinh doanh của các tỷ phú nhí này khiến nhiều người lớn phải "ngả mũ". Đúng là "tài không đợi tuổi"...

Tỷ phú nhí Isabella Barrett – 6 tuổi đã làm chủ doanh nghiệp triệu đô
Isabella Barret là cái tên đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình Mỹ. Tỷ phú nhí là Hoa hậu nhí bước ra từ chương trình tìm kiếm hoa hậu nổi tiếng tại đây. Mới 6 tuổi, Isabella Barret đã sở hữu một chuỗi các cửa hàng thời trang dành cho trẻ em.
Ngan ngo dan ty phu nhi khien the gioi dien dao
 
Nhờ vào thành tích tại các cuộc thi sắc đẹp, tần suất xuất hiện trên truyền hình và bộ sưu tập Glitzy Girl, Isabella Barrett nghiễm nhiên trở thành nhóc tỳ giàu nhất thế giới.
Cô bé hiện là chủ của thương hiệu Glitzy Girl (Cô gái phù hoa) với những thỏi son bóng, túi xách và vòng tay quyến rũ cho các bé gái. Công ty của Isabella kiếm được 1 triệu USD (tương đương 21 tỷ đồng) trong năm đầu tiên và hiện đang rất phát triển. Isabella còn là gương mặt đại diện cho một dòng đồ chơi.
Thương gia nhỏ tuổi này đã sớm bộc lộ phong cách sống xa xỉ với sự giàu có của mình: “Có gì không thích khi là một triệu phú chứ. Cháu là một ngôi sao, cháu sở hữu hãng trang sức riêng và cháu chỉ thích làm bà chủ. Cháu chưa bao giờ mất điều gì và hầu hết các cuộc thi mà cháu tham gia, cháu đều chiến thắng. Tuy nhiên, thứ cháu thích nhất là giày dép. Cháu có hơn 60 đôi”. Tủ quần áo của Isabella chất đầy những bộ trang phục có giá đến 10.000 USD (tương đương 210 triệu đồng) và các đôi giày sang trọng.
Caine Monroy: 13 tuổi, chủ cửa hàng game Global Cardboard Challenge
Cậu bé Caine Monroy khi mới 9 tuổi đã tự chế chiếc máy đồ chơi từ những thùng các tông bỏ đi ngay tại cửa hàng linh kiện bán ô tô của cha ở Los Angeles.
Sau khi hoàn thành công trình, cậu bé bắt đầu bán vé vào cửa. Với vé trị giá 1 USD, khách hàng được chơi 4 lượt với một trong số 5 máy game ở cửa hàng. Còn với 2 USD, khách hàng được chơi tới…500 lượt.
Mới đầu, cậu mời những khách hàng của cha mình chơi thử. Dần dần số khách hàng đông lên và giờ đây, "thế giới game" các tông đã trở thành điểm vui chơi đông đúc tại địa phương. Khi mới bắt đầu ý tưởng, Caine đặt ra mục tiêu thu khoảng 25.000 USD để phục vụ cho việc học, tuy nhiên kết quả kinh doanh mang lại thành công ngoài mong đợi, khi thu được số tiền lên tới 239.000 USD. Ngoài ra, đoạn video giới thiệu trò chơi độc đáo của Caine cũng thu hút 2,4 triệu người xem trên Youtube và 25.000 lượt người ấn nút "recommend" trên Facebook.
Henry Patterson: Giám đốc cửa hàng bánh kẹo trực tuyến 7 tuổi
Bắt đầu kinh doanh khi lên 7 tuổi, Henry Patterson cậu bé doanh nhân nhỏ tuổi nhất nước Anh đang thu hút rất nhiều chú ý khi liên tục gặt hái những thành công mà ngay cả những người lớn cũng phải ngưỡng mộ.
Đến nay, ở tuổi 11, cậu có thêm một cửa hàng bán kẹo cho trẻ em trực tuyến có tên “Not Before Tea”. Khi mới khai trương năm 2014, cửa hàng đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng và chỉ mất 1 tuần để xô đổ mục tiêu đạt lợi nhuận 10 bảng trong tháng đầu tiên.
Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng cậu nhóc mới học tiểu học này đã tự tay thiết kế logo, một mình làm quảng cáo, và rất cừ trong việc xử lý các bảng tính, xác định mức lợi nhuận và doanh thu.
Ngoài việc mở rộng ngành nghề kinh doanh, cậu còn muốn tự đạo diễn một bộ phim của riêng mình sau khi viết kịch bản cho những nhân vật từ cửa hàng kẹo của mình. Hiện cậu đã bắt tay với mẹ mình, Rebeca, người đang điều hành một cửa hàng bánh kẹo trực tuyến.
Henry cho biết: “Cháu bắt đầu có ý tưởng kinh doanh khi mới 5 tuổi. Cháu bán phân bón và cảm thấy rất thích cho dù chúng hơi bốc mùi. Các bạn của cháu đã không thể tin khi cháu mở một cửa hàng kẹo. Nhưng cháu không cho rằng họ thực sự ngạc nhiên bởi trước đó cháu cũng đã từng có nhiều công việc kinh doanh”.
Remington Anne Smith: 14 tuổi, "chủ xị" chương trình truyền hình “Cook Time With Remmi”
Nhận thấy rất nhiều bạn bè cùng lớp bị béo phì do có chế độ ăn uống không hợp lý, Anne Smith quyết định bắt tay giải quyết vấn đề này. Vốn có kinh nghiệm làm bếp cùng mẹ, Anne tự tin cho ra mắt chương trình "Cook Time With Remmi", nhằm giới thiệu, hướng dẫn cách nấu ăn dành riêng cho trẻ con.
Ban đầu, chương trình được phát sóng trên đài truyền hình địa phương, sau đó nó nhận được sự chú ý của đài truyền hình quốc gia. Hiện Remington là Đại sứ thiện chí cho Tổ chức Y tế và sức khỏe Bắc Mỹ.
Chương trình nấu ăn của Remington được phát tại 4.000 trường đại học khác nhau. Mùa hè năm 2014, cô bé Remington cho ra mắt cuốn sách về nấu ăn cho trẻ em mang tên "Global Cooking for Kids".
Moziah Bridges: 14 tuổi, chủ chuỗi cửa hàng bán nơ Mo's Bows
Niềm đam mê với những chiếc nơ của Moziah Bridges bắt nguồn từ người bà của mình khi cậu bé 9 tuổi. Bà đã hướng dẫn Moziah cách làm nơ bướm từ những mảnh vải cũ, bằng cách khâu vá và sử dụng máy may. Ban đầu những chiếc nơ cài áo rất "hợp mốt" này được bán trên Etsy, sau đó là các cửa hàng bán lẻ quanh tiểu bang Sourtheastern gần Memphis.
Hiện tại, ở tuổi 14, Moziah đã nắm trong tay khối tài sản 30.000 USD và được Forbes vinh danh là một trong những doanh nhân trẻ tiêu biểu của Mỹ. Ngoài ra, thời trang nơ cài áo của Moziah còn xuất hiện trên rất nhiều tạp chí danh tiếng thế giới như Vogue, GQ, Esquire... Trả lời trong một bài phỏng vấn, Moziah Bridges chia sẻ: "Tạo ra những chiếc nơ xinh xắn đầy màu sắc chỉ là một trong rất nhiều ý tưởng cháu đang nung nấu, để giúp thế giới này trở nên vui tươi và hạnh phúc hơn".
Jaden Wheeler và Amaya Selmon: 14 và 15 tuổi, chủ sử hữu xe tải bán đồ ăn Kool Kidz Sno Konez
Jaden (14 tuổi) và Amaya (15 tuổi) hiện là chủ sở hữu của xe tải bán đồ ăn mang tên Kool Kidz Sno Konez tại Memphis, Mỹ. Khởi nguồn từ việc tự làm và bán kem tuyết trước nhà, món đồ ăn vặt hấp dẫn của hai anh em đã thu hút nhiều khách hàng nơi họ sinh sống.
Chỉ sau hai mùa hè, Jaden và Amaya đã kiếm được khoảng 1.000 USD. Thành công về doanh thu đã khiến mẹ của hai cô cậu quyết định trợ giúp, bằng cách mua cho họ một chiếc xe tải để làm phương tiện di chuyển và buôn bán. Hiện nay Kool Kidz Sno Konez thường xuất hiện tại các công viên, hội chợ với hơn 20 món kem tuyết, khoai tây chiên và xúc xích.
Harli Jordean: Giám đốc 8 tuổi của công ty buôn bán bi ve
Trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang ở tuổi ăn, tuổi chơi thì cậu bé Harli Jordean, 8 tuổi, đã trở thành giám đốc trẻ tuổi và thành công xuất sắc trên con đường kinh doanh.
Hiện giám đốc trẻ này đang điều hành công ty Marble King và quản lý website www.mableking.co.uk, chuyên về buôn bán bi ve. Có những viên bi có giá “khủng” lên tới 1.000 USD. Công ty của Harli mỗi năm gặt hái hàng nghìn bảng Anh.
Tỷ phú nhỏ tuổi người Stoke Newington, vương quốc Anh này còn tuyển cả mẹ và hai anh trai vào làm việc cho công ty của mình để giải quyết các đơn đặt hàng. Ý tưởng kinh doanh bắt đầu khi cậu bé Harli xin tiền mẹ mua bi ve nhưng tìm mua trên mạng mãi mà không có.
Từ đó, Harli xin phép mẹ tự mở website của riêng mình. Thậm chí cậu giám đốc nhiều hoài bão này vừa mở chi nhánh tại Trung Quốc, nguồn sản xuất những hòn bi ve độc đáo của cậu bán trên website. Harli hy vọng công ty Marble King của mình sẽ trở thành một trong những công ty đồ chơi lớn nhất thế giới về sản phẩm bi ve.
Ý tưởng kinh doanh của Willa Doss bắt đầu khi cô bé 12 tuổi này cảm thấy khó chịu vì không thể kiếm ra được loại mỹ phẩm dưỡng da nào phù hợp với lứa tuổi của cô. Chính điều này đã thôi thúc Willa phát triển dòng mỹ phẩm cho các bạn gái cùng trang lứa.
Mẹ Willa sau đó đã thành lập công ty sản xuất mỹ phẩm từ thiên nhiên dành cho các bạn gái từ 7 đến 14 tuổi mang tên cô con gái của mình. Willa trở thành “trợ thủ đắc lực” khi tham gia giám sát và đảm nhận luôn chức vụ giám đốc sáng tạo của công ty.Ngoài việc tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm, thử nghiệm các dòng mỹ phẩm mới, Willa còn là người quyết định mẫu mã bao bì của những sản phẩm sao cho bắt mắt và phù hợp với đối tượng khách hàng trong độ tuổi mà công ty hướng đến.
Bella Weems: 14 tuổi trở thành bà chủ công ty trang sức
Không giống như những cô bé khác, ngay từ 14 tuổi, Bella Weems đã mang tham vọng làm giàu từ chính bàn tay của mình.
Với nguồn vốn ít ỏi từ tiền tiết kiệm khi chăm sóc trẻ và nguồn tiền bố mẹ đầu tư, cô bé đã có một ý tưởng khá táo bạo đó là thành lập một công ty trang sức mang tên Origami Owl vào năm 2010. Đến ngày nay Bella đã chứng minh được sự lựa chọn sáng suốt của mình.
Theo thời gian, Bella bắt đầu giới thiệu sản phẩm của mình tại các triển lãm đồ trang sức và các sự kiện. Năm 2010, Isabella mở một ki-ốt tại khu Chandler Arizona để kịp ngày đại mua sắm thứ sáu đen. Năm 2011, công ty bắt đầu áp dụng việc bán hàng trực tiếp và thu về 280.00 USD. Doanh thu năm sau đó tăng gấp 86 lần, lên 24 triệu USD.
Công ty của Bella hiện có 700 nhân viên chính thức và địa điểm làm việc chủ yếu là tại nhà kho rộng nằm ở Chandler, Arizona. Hầu hết các nguyên liệu trang sức của công ty đều được lấy từ Trung Quốc.
Sự lớn mạnh của Origami Owl còn khiến nhiều người bất ngờ. Ngoài số lượng nhân viên chính thức, công ty còn có 60.000 nhân viên bên ngoài giới thiệu và thiết kế trang sức.
Theo người Đưa Tin

Bình luận(0)