Giấc mộng nổi tiếng và cái kết “đắng”

Google News

Kể từ khi YouTube, nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà làm video thông qua quảng cáo hiển thị trên video, trào lưu tự quay video đã mọc lên như nấm sau mưa tại Việt Nam.

Gần đây, kênh YouTube của các vlogger cao tuổi thu hút người xem nhờ nội dung mộc mạc kể về cuộc sống nông thôn, dạy nấu ăn, trồng trọt,... Nhưng sức hút của những kênh tự phát này liệu có bền lâu?
Khi “hiện tượng mạng” bước lên sân khấu thực
Nổi tiếng nhất hiện nay phải kể đến Bà Tân Vlog. Kể từ khi những video quay lại quá trình làm những món ăn “siêu to khổng lồ”, kênh YouTube này nhanh chóng thu hút sự chú ý đặc biệt từ công chúng, chỉ sau hơn 2 tuần được thành lập và đăng tải video đầu tiên, Bà Tân Vlog đã có gần 1 triệu người đăng ký. Một con số quá lớn cho một kênh mới vừa thành lập và là niềm ao ước của những ai làm YouTube chuyên nghiệp, bởi họ phải lao động rất vất vả mới có được thành tích này thì bà Tân chỉ mất chưa đến 20 ngày. Nội dung trong các video của bà Tân đa số là nấu các món ăn ở dạng “siêu to khổng lồ”. Ngoài ra, chính sự mộc mạc, giản dị và những câu nói mang tính lan tỏa cao như “Xin chào các cháu! Chào mừng các cháu trở lại với kênh Bà Tân Vlog”; “Cuộc đời bà 60 nồi bánh chưng...”;... đã khiến cho kênh Bà Tân Vlog đạt được những thành tích khủng.
Giac mong noi tieng va cai ket “dang”
Những video của Bà Tân Vlog hấp dẫn bởi sự chân chất và cái duyên hài rất đỗi tự nhiên của nhân vật. 
Lý giải về sức hút đặc biệt của Bà Tân Vlog, có ý kiến cho rằng, những video của bà hấp dẫn bởi sự chân chất và cái duyên hài rất đỗi tự nhiên của nhân vật. Thực tế, dựng kênh nấu ăn riêng, nhưng bà Tân không phải người thợ bếp xuất sắc. Các món ăn, thức uống của bà có nguyên liệu và cách tẩm ướp đơn giản, thực hiện trên bếp củi, bếp than. Nồi chảo của bà ám khói, thậm chí còn có cảnh bà rửa và khệ nệ bưng chậu thịt sống từ... toilet ra. Nhưng chẳng sao cả. Người xem clip của bà không phải quý bà, quý cô thành thị sang chảnh đòi hỏi mũ đầu bếp, bao tay hay chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đám con cháu nhà quê của bà, cứ đợi bà làm xong là sà xuống chiếc chiếu trải ngay dưới đất, bốc ăn hồn nhiên. Khán giả kênh YouTube của bà cũng chảy nước miếng theo một cách vui vẻ, sôi nổi, không ai buồn bắt bẻ, hoạnh họe.
Dẫu vậy, thời gian gần đây, có không ít ý kiến tiêu cực dành cho bà Tân. Đặc biệt, trong tập mới lên sóng của chương trình Thách thức danh hài, hai mẹ con bà Tân Vlog đã tham gia với tư cách người chơi. Ngay khi trailer chương trình hé lộ chi tiết hai mẹ con giành chiến thắng với giải thưởng 100 triệu đồng, cộng đồng mạng đã phản ứng gay gắt, thậm chí đòi tẩy chay chương trình vì quá ưu ái bà Tân. Rất nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện từ khi hình ảnh bà Tân và con trai đứng trên sân khấu Thách thức danh hài: “Nghe chúc mừng 2 mẹ con chắc bà Tân Vlog thắng rồi. Coi làm gì nữa”, “Bà Tân Vlog lên đây có sự sắp đặt trước. Mục đích chính là thu hút khán giả đến với chương trình thôi”...
Dù vẫn có những ý kiến ủng hộ bà Tân Vlog tham gia Thách thức danh hài, nhưng có một điều không thể phủ nhận, nhân vật này đã phải hứng chịu rất nhiều ý kiến tiêu cực, bất chấp cả việc trước đó, bà Tân từng xuất hiện với tư cách khách mời trong tập 6 chương trình Người bí ẩn, khiến người hâm mộ không khỏi thích thú.
Có lẽ nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc video làm bánh bông lan trứng muối khổng lồ của bà Tân vướng nghi vấn gian dối, việc thiếu đi nhiều cảnh quay, cùng với công thức sai hoàn toàn khi làm ra sản phẩm khiến không ít người xem nghi ngờ vào tính chân thực của video này. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chiếc bánh không phải là sản phẩm của bà Tân, mà là đi mua sẵn cốt bánh rồi về trang trí. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của bà Tân Vlog, thậm chí có những bình luận đòi tẩy chay kênh vì lừa dối khán giả, câu view vì tiền quảng cáo.
Sự đào thải khắc nghiệt của mạng xã hội
Trước “hiện tượng” bà Tân, làng giải trí Việt từng chứng kiến nhiều “hiện tượng” khác. Nhờ những clip cover trên mạng, phát ngôn sốc, hay những chiêu trò lố bịch, chỉ sau một đêm, nhiều “hiện tượng mạng” như Lệ Rơi, Bà Tưng, Tùng Sơn, Kenny Sang,... bỗng dưng nổi lên như diều gặp gió. Sự nổi tiếng chóng vánh được xem là “bước đệm” giúp các “hiện tượng mạng” dễ dàng bước từ thế giới ảo lên sân khấu và trở nên đắt show hơn. Thậm chí, nhiều người còn ảo tưởng tài năng của mình, ôm mộng “lấn sân” vào showbiz để sớm thoát khỏi cái bóng của “hiện tượng mạng”. Nhưng, chỉ sau một thời gian “làm mưa, làm gió”, những hiện tượng này cũng dần bị khán giả lãng quên và phải nhận cái kết đắng. Giờ đây, có lẽ chẳng ai còn nhắc đến những Lệ Rơi, Khá Bảnh hay Bà Tưng nữa.
Có thể nói, mạng xã hội sinh ra hiện tượng nhưng cũng nhanh chóng đào thải và lãng quên, bởi trào lưu cùng nhân vật mới được sản sinh ồ ạt mỗi ngày. Bài học kinh nghiệm từ những hiện tượng mạng đình đám một thời như: Don Nguyễn, Vân Navy, hay hành trình vất vả bao năm tìm chỗ đứng của những Mr Siro, Bảo Thy, Khổng Tú Quỳnh, Bích Phương, Phạm Hồng Phước... cho thấy mọi số liệu thống kê trên mạng chỉ tồn tại như một thước đo mang giá trị ảo. Đằng sau mỗi hiện tượng mạng đều là con đường rất đỗi gian khổ, gập ghềnh.
Theo Tùng Lâm/SKĐS

>> xem thêm

Bình luận(0)