Dưới thời ông Tề Trí Dũng, Tân Thuận sai phạm “khủng” như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi ông Tề Trí Dũng bị bắt, Thanh tra TPHCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến Công ty Tân Thuận - IPC. Trong đó, hàng loạt dự án của doanh nghiệp này bị điểm tên: Khu dân cư Long Hậu, Khu định cư An Phú Tây...

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận, gọi tắt là Công ty Tân Thuận – IPC, để điều tra hành vi “Tham ô tài sản” và “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Duoi thoi ong Te Tri Dung, Tan Thuan sai pham “khung” nhu the nao?
Tổng giám đốc công ty Tân Thuận Tề Trí Dũng bị Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Congan.
Công ty Tân Thuận là đơn vị 100% vốn Nhà nước do Thành uỷ TP HCM quản lý. Bước đầu, cơ quan Công an xác định có những dấu hiệu sai phạm, gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước xảy ra tại công ty này. Ông Tề Trí Dũng là người đại diện pháp luật, cùng một số lãnh đạo khác của công ty này, phải chịu trách nhiệm về mặt chính quyền đối với những sai phạm đó.
Trước đó, Thanh tra TP HCM đã chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan Công ty Tân Thuận - IPC cho cơ quan điều tra.
Thứ nhất là việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, không đảm bảo lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Mời độc giả xem video: Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến sai phạm của Tân Thuận - IPC. Nguồn: Tinnong24h. 
 

Duoi thoi ong Te Tri Dung, Tan Thuan sai pham “khung” nhu the nao?-Hinh-2
Thanh tra TP HCM từng chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty Tân Thuận. Ảnh: Zing. 
Thứ hai, quá trình thẩm định giá, IPC (thuê Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM và Công ty TNHH Thẩm định giá MHD) đã thực hiện không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường, dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước.
Cụ thể, theo Đề án tái cơ cấu, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu 44% - không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Sadeco, đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, tháng 5-6/2017, công ty đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND thành phố phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8% do Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495 ngày 18/5/2017 (văn bản đính kèm) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco.
Tiếp đó, ngày 16/6/2017, IPC báo cáo UBND thành phố "...Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017...". Tuy nhiên, theo Thanh tra thành phố, IPC nói "Thường trực Thành ủy đã chấp thuận chủ trương..." là không chính xác. Bởi văn bản số 495 chỉ truyền đạt ý kiến của cá nhân Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.
Thứ ba, Công ty IPC cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích trong việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu. Tại dự án này Công ty IPC cho rằng đã hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện triển khai dự án, thực chất là chuyển nhượng dự án khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chính quyền.
IPC được UBND tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án KDC Long Hậu. IPC đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho các hộ dân. Sau đó, IPC đã hợp tác với Cty Hồng Lĩnh thực hiện.
Theo nội dung hợp đồng giữa hai bên thì Cty Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu mà IPC đã đầu tư theo giá trị sổ sách. Cty Hồng Lĩnh sẽ thực hiện đầu tư dự án và được quản lý, chuyển nhượng các sản phẩm.
IPC được mua nền phục vụ tái định cư theo diện tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (60.276m2 và đơn giá là 630.000 đồng/m2), phần diện tích còn lại Cty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh.
Kết luận Thanh tra khẳng định: Với nội dung hợp tác giữa IPC và Cty Hồng Lĩnh là hoàn toàn vô lý, bởi IPC phải mua lại nền trên khu đất mình là chủ đầu tư.
Mặt khác, việc hợp tác đầu tư không xác định cụ thể giá trị, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia lợi nhuận theo giá trị vốn góp là không đúng nguyên tắc hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận. Việc IPC thỏa thuận hợp tác với Cty Hồng Lĩnh nhưng không xác định lại giá trị đã đầu tư là không đảm bảo quyền và lợi ích của IPC.
Vì vậy, với nội dung được thỏa thuận giữa IPC và Cty Hồng Lĩnh được Thanh tra TP HCM xác định đó thực chất là hợp đồng chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái với quy định tại Khoản 1, Điều 21, Luật Kinh doanh bất động sản.
Cùng với dự án KDC Long Hậu thì dự án Khu định cư An Phú Tây (do Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư) cũng được điều tra làm rõ gồm: việc Công ty IPC góp vốn đầu tư dự án và việc chuyển nhượng sản phẩm được phân chia của Công ty IPC.
Ngoài ra, quá trình đầu tư xây dựng một số dự án của Công ty IPC và đơn vị thành viên trên địa bàn huyện Nhà Bè; việc góp vốn hình thành liên doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn cũng cần được làm rõ.
Bên cạnh đó, Công ty Tân Thuận còn có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC. IPC chỉ sử dụng một phần tòa nhà còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỷ đồng.
Năm 2016-2017, IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài bằng ngân sách đầu tư dự án với tổng số tiền chi trả hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, có 12 trường hợp đi nước ngoài nhưng không có quyết định của UBND TP…
Trước đó, Công ty Tân Thuận đã bị dư luận nhắc nhiều khi liên quan đến dự án Khu dân cư Phước Kiển. 
Kết luận của cơ quan chức năng chỉ rõ việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại xã Phước Kiển của Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là không đúng với thẩm quyền quy định. 
Việc chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá cũng là sai phạm, dẫn đến việc đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và thấp hơn giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố thẩm định, đồng thời thấp hơn giá do Công ty xây dựng phương án giá dự kiến thỏa thuận đền bù tiếp theo với người dân. 

IPC là doanh nghiệp Nhà nước được UBND TP HCM thành lập vào năm 1993. Lĩnh vực hoạt động của công ty này là xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng và phát triển hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và các cụm dân cư, khu đô thị mới tại TP HCM và một số địa phương khác trong cả nước.

Công ty này cũng cung cấp các dịch vụ liên quan cho khu chế xuất, khu công nghiệp; kinh doanh vận tải biển và các dịch vụ liên quan đến vận tải biển (như môi giới hàng hải, đại lý tàu biển, bốc dỡ hàng hoá, giao nhận hàng hóa); đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác.

Hoàng Minh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)