Chuyện chưa kể về ngôi làng có các đại gia buôn đồ cổ kín tiếng

Google News

Thôn Thượng Trại (Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định) được cho là có nhiều đồ cổ giá trị của những đại gia mê đồ cổ có tiếng.

Thôn Thượng Trại (Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định) gây ấn tượng bởi những ngôi nhà hiện đại xen lẫn mái nhà cổ được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước, nằm yên bình bên một con sông.
Nơi đây cũng được cho là có nhiều đồ cổ giá trị của những đại gia mê đồ cổ có tiếng.
Ông Lưu Gia Tĩnh, một người có hơn 10 năm buôn đồ giả cổ ở thôn Thượng Trại chia sẻ: ‘Cả khu phố này, dù ít hay nhiều, hầu như nhà nào cũng sở hữu một vài món đồ cổ. Chúng tôi còn lập hội, nhóm mê đồ cổ để chia sẻ, bàn luận về những món đồ cổ mới có được. Muốn tham gia phải là người có món đồ cổ giá trị và hiểu biết về đồ cổ’.
Ông Lưu Gia Tĩnh. 
‘Người dân sinh ra ở Thượng Trại đều mê đồ cổ. Ví dụ như trong gia đình tôi, ông nội mê đồ cổ, sau đó truyền đam mê cho bố tôi. Tôi lớn lên trong những câu chuyện về đồ cổ nên cũng đam mê chúng từ lúc nào không hay’, ông nói tiếp.
Người đàn ông này đang sở hữu chiếc bình đời Đạo Quang (khoảng năm 1820 -1850) của Trung Quốc mang điển tích Phù Dung chim trĩ.
Điển tích này có cách lý giải khá đặc biệt. Người xưa truyền tai nhau rằng, nếu trên bình có một đôi chim trĩ và bông hoa phù dung thì tượng trưng cho cặp vợ chồng viên mãn, sống hạnh phúc.
Ngược lại, trên bình chỉ có một con chim trĩ và một bông hoa phù dung thì ám chỉ gia đình có vợ hoặc chồng đã mất. Người xưa căn cứ ý nghĩa đó để đặt làm bình, dùng cho các trường hợp khác nhau.
‘Các cổ vật đời Đạo Quang có đặc điểm là dưới đế có dấu triện nổi của vua', ông Lưu Gia Tĩnh nói.
Chiếc bình ông Tĩnh sở hữu. 
Hiện, chiếc bình này có giá trị trên thị trường đồ cổ khoảng 80 triệu đồng. Cũng theo ông Tĩnh, mỗi món đồ cổ đều mang một câu chuyện, một sự tích khác nhau.
Đồ cổ có giá trị vì nó có tuổi đời lâu và được những bậc thợ tài hoa vẽ bằng tay, nung bằng cỏ. Các chất liệu để nghệ nhân sử dụng là thảo mộc chứ không dùng chất hóa học.
Cũng theo ông Lưu Tĩnh, giới chơi đồ cổ thường có những từ ngữ rất hoa mĩ để nói về nó trong lúc giao dịch. ‘Ví dụ bộ ấm chén, 1 chiếc khác so với các chiếc còn lại, theo ngôn ngữ thông thường, ta gọi là ‘bộ ấm chén bị cọc cạch. Tuy nhiên giới chơi đồ cổ lại nói: ‘Bộ ấm chén này bị lai’.
Một chiếc chén bị nứt, người chơi đồ cổ nói: ‘Chén này bị tóc rồi’. Chén bịt sứt, mẻ, người chơi đồ cổ sẽ nói ‘Chén này bị đăng ten rồi’. Chén vỡ được gắn lại, người mua xem xong và nói: ‘Cái này nhiều hoa văn lắm'.
Chính vì cách dùng từ hoa mỹ thường thấy của giới ưa đồ cổ, ông Tĩnh cho rằng chỉ cần nghe cách nói chuyện là biết ngay người sành về đồ cổ hay không.
Anh Nguyễn Văn Chu, cán bộ văn hóa xã Hải Phú, Hải Hậu cũng khẳng định, thôn Thượng Trại có một số gia đình sở hữu đồ cổ. Hai đại gia nổi bật về đồ cổ ở đây là ông Vương Văn Thực và Lưu Chí Nghĩa. Trong đó, ông Vương Văn Thực có sở hữu chiếc long sàng bằng gỗ trắc, nạm 86 viên ngọc trai.
Món đồ cổ này có người trả giá hơn 1 tỷ nhưng gia chủ chưa đồng ý bán. Chiếc long sàng được ông bà Thực mua vào năm 1997 tại Cần Thơ. Do xa xôi, mọi giao dịch mua bán chiếc giường đều qua điện thoại. Hơn một tuần lễ, chiếc long sàng mới giao đến tay ông bà Thực.
Theo ông Lưu Tĩnh, giới chơi đồ cổ rất nhanh nhạy tin tức. Khi nghe người nào ở thôn sở hữu món đồ ưng ý, họ ngay lập tức đến xem và trả giá. Tuy nhiên không phải giao dịch nào cũng thành công.
‘Đồ cổ phải cực kỳ sành và hiểu mới có thể chơi được. Có không ít người đã bị lừa khi bỏ số tiền lớn để muốn sở hữu một món đồ cổ’, ông nói.
Ông Lưu cũng kể về một vụ lừa đảo: ‘Chuyện ở một gia đình trong vùng sâu xa có ông già tầm 80, 90 tuổi. Nhóm lừa đảo đưa 1 chiếc bình để trong gầm bàn thờ của nhà ông này. Tất nhiên chiếc bình được sửa sang để không còn là đồ mới, cho bụi bặm bám vào.
Sau đó, những người này đánh tiếng người buôn đồ. Khi những người mua vào nhà trên, ông già 80 tuổi kia liền nói: ‘Tôi biết gì đâu, đồ này bố tôi để lại’. Nghe vậy, họ càng tin là đồ cổ. Chiếc bình giá 800 nghìn có thể có giá 18 triệu đồng’.
‘Vì vậy để chơi đồ cổ phải là người hiểu biết. Những người chơi đồ cổ đều là những người khá lịch sự, tao nhã vì họ yêu cái đẹp, yêu văn hóa’, ông Tĩnh cho biết.
Mê đồ cổ nhưng không có tiền để theo đuổi thú chơi này nhiều người quay sang chơi đồ giả cổ. Những sản phẩm này ra đời mục đích để trang trí, thỏa mãn một phần niềm đam mê của các tay mê đồ cổ xưa.
Theo Ngọc Trang - Diệu Bình/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)