Chủ tịch VCCI: “Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”

Google News

(Kiến Thức) - Tại Hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết “không có lí do gì chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay”.
 

Theo ông Lộc, 3 tuần trước, Thủ tướng đã có một quyết định quan trọng và rất khó khăn, là dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước. Với quyết định này của Thủ tướng, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5, khảo sát VCCI cho thấy gần đây cho thấy có 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3, có 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước.

Tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

Ông Lộc đề nghị bổ sung miễn giảm sắc thuế, giãn trả nộp 6-12 tháng, nới room tăng trần tín dụng cho các doanh nghiệp.

Chu tich VCCI: “Doanh nghiep khong xin tien, chi xin co che”
 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Chủ tịch VCCI nhận định chỉ riêng việc giải ngân vốn đầu tư công (khoảng 30 tỷ USD) là có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, mở mang được thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này.

“Phát huy vai trò của thể chế, huy động được tổng lực các dòng vốn đầu tư xã hội này thì không có lí do gì chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của Thủ tướng”, ông Lộc nhận định.

Ở trong nước, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được khơi dậy.

"Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn. Đất nước ta một lần nữa lại đứng trước cơ hội hoá rồng, hoá hổ", ông nói.

Khi được hỏi - ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, các doanh nghiệp cần gì, câu trả lời đều là không xin tiền mà chỉ xin cơ chế.

“Minh bạch hóa, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh là giải pháp cứu rỗi các doanh nghiệp và huy động tổng lực các nguồn vốn xã hội đang còn rất lớn, cho đầu tư kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng.

“Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thúc đẩy được ‘4 mũi giáp công’: Đầu tư tư nhân, FDI, đối tác công-tư và đầu tư công cho phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia, ông đề nghị xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. 

Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên.

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là thị trường tiêu thụ, ông Lộc gợi ý phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)