5 năm kiếm 10 tỷ từ môi giới bất động sản
Vài ngày tới đây, một tỉnh ở khu vực phía Bắc sẽ tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Tuy nhiên, số lượng đăng ký tới gần 1.000 người/đợt khiến Sở Xây dựng địa phương “choáng”. Họ không biết tổ chức chấm như thế nào, đề thi phân chia ra sao khi số lượng thí sinh tham dự quá đông.
Câu chuyện trên được Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - ông Nguyễn Mạnh Khởi - chia sẻ tại Tọa đàm "Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới” sáng 30/3.
Ông Khởi dẫn chứng thêm ví dụ thực tế, một người tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội), không vào làm việc ở bất kỳ một DN nào mà 5 năm qua kiếm được khoảng 10 tỷ đồng từ hoạt động môi giới BĐS. Hiện, người này đã mở công ty riêng chuyên về hoạt động môi giới.
|
Thống kê, cả nước có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động môi giới bất động sản. Con số có thể cao hơn |
Ngoài đường, tiệm cầm đồ cũng thấy treo biển “thông tin nhà đất”. Nhà môi giới trước chỉ đi với các nhà đầu tư có dự án, giờ len lỏi vào tận các làng, bản. Họ kích cầu, kích giá thông qua hoạt đấu giá cả những mảnh đất ở thôn quê.
Những câu chuyện trên cho thấy, nghề môi giới BĐS dường như đang quá hấp dẫn đối với người dân.
Ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam - thông tin, cả nước hiện có khoảng 300.000 người tham gia vào các dịch vụ môi giới BĐS. Con số thực tế có thể nhiều hơn, bởi ai cũng làm được công việc này. Dẫu vậy, điều cần bàn là chất lượng và tiêu chuẩn về mặt năng lực của đội ngũ môi giới chứ không phải ai cũng trở thành người môi giới BĐS đúng nghĩa.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính đánh giá, hiện tượng giá đất “nhảy múa” ở một số nơi do có sự tiếp tay của những nhà đầu cơ, nhà môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí, những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng góp phần tạo nên cơn sốt, thổi giá đất.
Ở góc nhìn khác, TS. chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, môi giới BĐS cũng như mọi nghề khác, gọi họ là “cò” không phải có ý nghĩa xấu. Bởi, trên thị trường BĐS, chênh lệch giữa giá ý định bán và giá quyết định bán từ 20-30% là bình thường. Đối với BĐS có vị trí khác biệt, muốn tìm người mua hợp lý với giá hợp lý thì rất cần đội ngũ môi giới vào cuộc.
Ngoài ra, để chuẩn hóa và quản lý tốt nghề này thì trước tiên, thị trường BĐS cần minh bạch.
Đưa “cò” vào khuôn khổ
Thực sự, khi nói về năng lực của đội ngũ môi giới BĐS tại Việt Nam, chúng ta chưa có đánh giá đủ bao quát, chuyên sâu. Có thể nhận thấy, số lượng, quy mô lực lượng môi giới gia tăng nhanh chóng nhưng chất lượng đang bị bỏ ngỏ. Mặc dù những quy định trước đây của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn hành nghề đã có, nhưng sự thả nổi thời gian dài khiến chất lượng môi giới chưa được quan tâm.
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại phúc Land, cho hay, chất lượng chưa tốt của môi giới BĐS nhiều trường hợp gây hệ lụy làm đau đầu chủ đầu tư, khách hàng và cả đội ngũ môi giới chuyên nghiệp.
Nhiều đơn vị môi giới mới mở “ăn trộm” các thương hiệu BĐS. Họ lập website giống hệt, đưa cả nhân sự cao cấp vào, chỉ khác địa chỉ liên hệ và số điện thoại. Điều này khiến khách hàng không phân biệt được, làm giảm niềm tin vào thương hiệu. DN mất uy tín khi bị giả mạo.
Ở thị trường sơ cấp, chủ đầu tư có sự chọn lọc về đội ngũ môi giới. Họ tự biết tìm đội ngũ môi giới tạo niềm tin cho khách hàng khi mua sản phẩm. Tuy nhiên, mối lo nằm ở thị trường thứ cấp vì đây là thị trường sôi động, nhộn nhịp, chưa có quy chuẩn để quản lý. Cần sớm có cách thức giám sát, chế tài phù hợp để lực lượng môi giới ngày càng chuyên nghiệp hơn”, bà Hương nói.
Đồng quan điểm, Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Công ty CP Đầu tư Nam Long - ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, để đảm bảo chất lượng giao dịch, chủ đầu tư chỉ tương tác với các đơn vị môi giới có tổ chức. Không làm việc trực tiếp với môi giới cá nhân.
Những đơn vị môi giới quy mô nhỏ, khi bán hàng đôi khi không quan tâm tới việc bảo vệ thương hiệu chủ đầu tư, tới tương lai khách hàng mà chỉ chăm chăm làm cho xong giao dịch rồi thu tiền. Sau đó, trách nhiệm với chủ đầu tư, với khách hàng bị bỏ qua một bên.
Trong lĩnh vực môi giới BĐS, Luật định Việt Nam mới chỉ ở bước sơ khởi, có độ trễ so với quy định về giao dịch ở các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, các cơ quan liên quan nên nhanh chóng ban hành quy chuẩn, điều kiện các đơn vị có thể hoạt động nghề đặc thù này.
Với 300.000 người môi giới thì bao nhiêu trong số đó đã học và được cấp chứng chỉ hành nghề? Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, tới đây sẽ có những quy định chặt về hoạt động của lĩnh vực môi giới BĐS.
Cụ thể, có quay lại hình thức bắt buộc việc giao dịch các sản phẩm BĐS phải thông qua sàn để quản lý hay không? Nên bắt nhà môi giới độc lập phải vào các công ty để hoạt động được chuẩn hóa, có trách nhiệm hay việc cấp chứng chỉ hành nghề, định danh và mã số hóa các nhà môi giới BĐS.
Thậm chí, có cần luật hóa cả đạo đức hành nghề môi giới không? Bộ Xây dựng đang tích cực lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các bên để đưa vào quy định của Luật, trình Quốc hội.