Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, theo thống kê của Ấn Độ, năm 2018-2019, Ấn Độ nhập khẩu tổng cộng 83,58 triệu USD hương nhang từ các nước trên thế giới. Hai nước xuất khẩu chính hương nhang sang Ấn Độ là Việt Nam và Trung Quốc.
|
Xuất khẩu hương nhang mang về gần 1.800 tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp Việt. |
Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng hương nhang (mã HS 33074100). Tính trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018-2019 là hơn 1.782 tỷ đồng (76,85 triệu USD).
Nguyên nhân Việt Nam chiếm lĩnh thị phần nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ là do Việt Nam có lợi thế ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ với thuế nhập khẩu mặt hàng này là 5%. Hiện giá thành hương nhang của Việt Nam ở mức 600-650 USD/tấn.
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng nhập khẩu với giá thành thấp hơn nhiều so với giá thành sản phẩm sản xuất trong nước đã làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất hương nhang, khiến nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ phải đóng cửa trong thời gian vừa qua.
Để bảo vệ thị trường, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) vừa ban hành thông báo về việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang. Theo đó, việc nhập khẩu hương nhang và các chế phẩm khác vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”.
Theo chính sách điều chỉnh, để có thể nhập khẩu vào Ấn Độ, các doanh nghiệp nhập khẩu hương nhang và các chế phẩm khác phải xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công Thương Ấn Độ (do Tổng cục Ngoại thương cấp).
“Việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu hương nhang đột ngột (có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo), không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Việt. Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam”, Bộ Công Thương cho hay.