Bạc trắng hoa xòe, đồng cổ săn lùng ráo riết, đồng giả đầy chợ

Google News

Cách đây hơn 100 năm, khi thực dân Pháp đô hộ Đông Dương, những đồng bạc trắng hoa xòe được sản xuất và lưu hành rộng rãi. Giờ đây, những đồng bạc cổ ấy được săn tìm ráo riết và ngày càng hiếm dần

Trong khi những đồng bạc cổ ấy được săn tìm ráo riết và ngày càng hiếm dần, những đồng bạc giả được bày bán ở nhiều nơi. Hành trình đi tìm những đồng bạc trắng hoa xòe cổ của chúng tôi cũng là hành trình tìm lại những ký ức vui buồn của một thời kỳ lịch sử.
Cách đây hơn 100 năm, khi thực dân Pháp đô hộ Đông Dương, những đồng bạc trắng hoa xòe được sản xuất và lưu hành rộng rãi. Giờ đây, những đồng bạc cổ ấy được săn tìm ráo riết và ngày càng hiếm dần, trong khi những đồng bạc giả được bày bán ở nhiều nơi. Hành trình đi tìm những đồng bạc trắng hoa xòe cổ của chúng tôi cũng là hành trình tìm lại những ký ức vui buồn của một thời kỳ lịch sử.
Bac trang hoa xoe, dong co san lung rao riet, dong gia day cho
 Người dân tìm hiểu những đồng xu bày bán tại chợ Mường Khương.
Những đồng “bạc” ở chợ phiên
Xin bắt đầu câu chuyện trong một chuyến công tác đến chợ phiên Mường Khương. Chợ phiên Mường Khương họp vào sáng Chủ nhật hằng tuần, đây là một trong những chợ phiên còn giữ được nhiều nét bản sắc của vùng cao Lào Cai. Ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Thu Lao… từ các thôn, bản xa đã mang đủ thứ sản vật xuống chợ bán. Đặc biệt, khu vực bán thổ cẩm và đồ lưu niệm rực rỡ sắc màu, những thiếu nữ vùng cao chen vai thử mua váy áo, xúng xính nụ cười.
Là người thích sưu tầm những đồng bạc cổ, anh bạn tôi sà ngay vào một quầy hàng lưu niệm nhỏ, nơi bày bán rất nhiều đồng xu to nhỏ. Tuy không hiểu nhiều về tiền xu nhưng tôi cũng bị hấp dẫn bởi những biểu tượng được chạm khắc nổi trên những đồng bạc. Nhiều nhất là những đồng xu Piastre de Commerce có biểu tượng nước Pháp là Nữ thần Tự do Marianne mà dân gian quen gọi là “bạc bà đầm”, “bạc trắng hoa xòe”, một số đồng xu khác rất đặc biệt như đồng Peso Mexico có hình chim ó biển đang cắp con rắn (dân gian gọi là đồng bạc con cò, đồng bạc con ó), ngoài ra có đồng xu có hình rồng, đầu hươu, hình mặt người với những chữ Hán cổ… Nhiều đồng bạc hoa xòe đã xỉn màu, xem số hiệu in trên đó vào những năm 1803, 1806, 1809…
- Bao nhiêu tiền một đồng bạc này? Tôi hỏi một đồng bạc trắng hoa xòe in năm 1806 mệnh giá 1 đồng, với ý định mua về làm kỷ niệm, khi cần thì để đánh cảm cho trẻ nhỏ.
- 600.000 đồng anh ạ. Anh mua mở hàng cho em đi. Anh chủ quầy hàng mời chào.
Thấy tôi rút ví định mua đồng xu, anh bạn bấm tay ra hiệu bảo đừng mua. “Có 600.000 đồng một đồng bạc cổ cách đây những hơn 200 năm, quá rẻ sao anh bạn lại ngăn tôi lại?”. Tôi băn khoăn nghĩ. Lúc ra khỏi quầy hàng, anh bạn bảo làm gì có đồng bạc cổ thực sự nào mà giá rẻ như thế, đó đều là những đồng bạc giả làm bằng hợp kim đồng, kẽm mạ bạc, còn bạc hoa xòe thực sự gắn với sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương, được Ngân hàng Đông Dương phát hành từ năm 1885 lưu thông ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đến năm 1954. Ai hiếu kỳ, không hiểu biết về tiền cổ mà vội mua thì dễ “ăn quả lừa”.
Không chỉ ở chợ phiên Mường Khương, dành thời gian đến những chợ phiên nổi tiếng khác trên vùng cao Lào Cai như Mường Hum (Bát Xát), Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai… chúng tôi cũng gặp rất nhiều quầy hàng lưu niệm bán những đồng xu như thế. Càng nơi nào có nhiều khách du lịch thì những đồng xu giả được bày bán càng nhiều. Có những người mua về làm đồ lưu niệm thì không nói, nhưng không ít người bị lừa đó là bạc thật, mang về một thời gian đồng bạc bị hoen ố, lộ ra là bạc giả.
Ký ức đồng bạc trắng hoa xòe
Chuyện về những đồng bạc giả bày bán ở chợ phiên khiến tôi không khỏi tò mò. Vậy những đồng bạc trắng hoa xòe thực sự có giá trị như thế nào? Tại sao người ta lại săn lùng, tìm mua nhiều như thế? Vì sao đồng bào vùng cao lại quý đồng bạc trắng hoa xòe như vậy? Câu trả lời không tìm được ở những chủ quầy hàng bạc bán ở chợ phiên mà tôi phải tìm đến những già làng, trưởng bản ở vùng cao. Trong các dân tộc, từ xưa, người Dao và người Mông sở hữu nhiều trang sức bạc hơn cả.
Ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, ông Chảo Kin Sài, 70 tuổi, người Dao đỏ ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát nhớ lại: “Trước đây, người Dao thường trao đổi, mua bán với nhau bằng bạc trắng. Nhà nào càng có nhiều bạc trắng thì càng giàu có. Bạc trắng được dùng trong các lễ cúng quan trọng, trở thành sính lễ không thể thiếu mà nhà gái thách cưới nhà trai. Năm tôi 15 tuổi, được bố mẹ đi hỏi vợ cho. Ngày đó gia đình tôi phải đưa cho nhà gái 99 đồng bạc trắng hoa xòe thì mới được đón dâu về. Số bạc trắng đó ngày ấy có thể mua được 3 con trâu to. Con trai người Dao mà nhà nghèo, không có bạc trắng thì khó lấy được vợ. Bây giờ xã hội thay đổi, người Dao không thách cưới nhiều bạc trắng nữa vì đó là hủ tục, nhưng đám cưới vẫn cần một, hai đồng bạc để làm lý”.
Bac trang hoa xoe, dong co san lung rao riet, dong gia day cho-Hinh-2
Đồng bạc trắng hoa xòe được người Dao dùng để chế tác đồ trang sức. 
Câu chuyện của ông Sài khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, phản ánh cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc trước năm 1945. Trong truyện, nhân vật A Phủ để hổ bắt mất trâu của thống lý Pá Tra, nhà quá nghèo nên buộc phải vay bạc trắng của thống lý để trả và phải làm người ở cho thống lý đến khi nào có đủ bạc trắng để trả mới được tự do. Những đồng bạc trắng gắn liền với cuộc đời đau khổ của biết bao số phận đồng bào vùng cao Tây Bắc trong xã hội phong kiến nửa thực dân. Ở vùng cao Lào Cai cách đây hơn 100 năm có lẽ cũng không nằm ngoài thực tế đó.
Đến vùng cao Bắc Hà, tôi gặp ông Long Văn Trai, dân tộc Nùng, thôn Cốc Mòi, xã Na Hối, người cả đời gắn bó với nghề chạm khắc bạc. Ông Trai bảo: Các dân tộc thiểu số vùng cao thường dùng bạc trắng để làm đồ trang sức đeo trên người, trên trang phục rất sáng đẹp, trẻ con đeo bạc trắng còn có tác dụng chống gió, chống cảm. Những đồng bạc hoa xòe trên 100 năm tuổi được coi là tích tụ linh khí đất trời, đem lại nhiều may mắn, nên càng ngày càng bị săn lùng ráo riết và hiếm dần. Giá mỗi đồng bạc cổ hiện nay dao động từ 1 đến 2 triệu đồng.
Bí quyết phân biệt đồng bạc trắng hoa xòe
Vậy câu hỏi đặt ra là trong khi những đồng bạc cổ giả được bày bán tràn lan ở chợ phiên như hiện nay, làm thế nào để phân biệt được những đồng bạc cổ thực sự? Ông Long Văn Trai chia sẻ: “Kỹ thuật đúc bạc giả rất tinh vi, bằng mắt thường nếu không quan sát kỹ và không có kinh nghiệm thì khó có thể phân biệt được thật - giả. Theo kinh nghiệm của tôi thì những đồng bạc hoa xòe thật có hoa văn sắc nét, đường răng cưa ở viền đều nhau, còn bạc giả thì đường nét thô hơn, tuy hình dáng giống đồng xu thật nhưng trọng lượng nặng hoặc nhẹ hơn bạc thật. Cách phân biệt chính xác nhất là dùng lửa nung đỏ đồng bạc, khi để nguội bạc thật sẽ trắng ra, còn bạc giả sẽ xỉn màu, lộ ra kim loại khác”.
Trở lại câu chuyện với ông Chảo Kin Sài ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, ông Sài hiện nay cũng còn giữ được những đồng bạc hoa xòe cổ do tổ tiên để lại. Tôi phải đợi một lúc lâu để ông Sài nói bằng tiếng Dao thuyết phục vợ thì vợ ông mới đồng ý lấy ra cho xem “báu vật” của gia đình. Theo ông Sài, những đồng bạc cổ thật khi đặt trên đầu ngón tay khẽ gõ vào nhau sẽ phát ra tiếng kêu trong và ngân khá lâu, còn bạc giả tiếng kêu trầm đục. Đồng bạc hoa xòe bao giờ cũng in trọng lượng thật là 27,215 gram hoặc 27 gram và nên mang ra hiệu vàng bạc xét nghiệm bằng máy có thể biết được bạc thật hay giả.
Anh Giàng A Dế, dân tộc Mông, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai cũng là người may mắn sở hữu một đồng bạc hoa xòe cổ bật mí: “Một lần đi đến thôn xa nhất xã Quan Thần Sán, tôi may mắn mua được đồng bạc hoa xòe cổ của một già làng làm nghề thầy cúng. Theo các cụ già ở đây thì đồng bạc thật chạm vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng, khi dùng ngón tay xoa một lúc sẽ thấy ấm lên. Bạc thật thường mềm và dẻo, người có kinh nghiệm cho lên miệng cắn sẽ biết được”. Tôi quan sát đồng bạc cổ của Dế in năm 1890, có lẽ đồng xu này đã qua tay nhiều người nên biểu tượng nữ thần Marianne đã bị mòn nhẵn không còn rõ đường nét, nhưng nước bạc thì sáng bóng.
Trên hành trình đi tìm những đồng bạc trắng hoa xòe trên vùng cao Lào Cai, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ, thú vị về những người đào được hũ bạc cổ hàng trăm đồng bạc; chuyện về đồng bạc hoa xòe sản xuất năm 1890 mà dân sưu tầm tiền cổ sẵn sàng trả hàng chục triệu đồng để sở hữu; chuyện kẻ xấu dùng thủ đoạn lấy đồng bạc giả tráo đổi lấy bạc thật của người dân vùng cao… Những đồng bạc trắng hoa xòe hiếm hoi cuối cùng còn lại vẫn được nhiều gia đình ở vùng cao Lào Cai cất giữ như “báu vật” để truyền lại cho con cháu sau này.
Theo Tuấn Ngọc/ Báo Lào Cai

>> xem thêm

Bình luận(0)