Cùng kích cỡ này, ốc hương trong nước có giá khoảng 700.000 đồng/kg. O.T.C. - một đầu mối bán ốc nhập khẩu giá rẻ tại Q.Bình Thạnh, TPHCM - cho biết mình vừa nhập về một tấn ốc bulot, bán lẻ với giá 180.000 đồng/kg, giá sỉ còn rẻ hơn nữa. Sản phẩm được đóng bao bì, ghi thông tin bằng tiếng nước ngoài nổi bật với dòng chữ Erish Bulot Whelk và không có nhãn phụ tiếng Việt, thông tin nhà nhập khẩu.
|
Ốc bulot hay thường được gọi là “ốc hương ngoại” nhập khẩu có giá bán chỉ 170.000 đồng/kg (khoảng 30-35 con) - Ảnh: H.Lài |
Ngoài ốc bulot, các loại hải sản ngoại có giá siêu rẻ cũng đang được chào bán rất nhiều. Chẳng hạn, bào ngư Hàn Quốc giá 290.000 đồng/kg, sò điệp Nhật giá 125.000-225.000 đồng/kg, mực khoanh Hàn Quốc giá 75.000-120.000 đồng/kg… Trong khi đó, ốc bulot đông lạnh đang được bán tại các cửa hàng (loại có đóng gói, có thông tin nhà nhập khẩu) với giá gần 400.000 đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc là 550.000 đồng/kg, sò điệp Nhật size S (nhỏ nhất) 340.000 và size lớn là 700.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đông Hy - Giám đốc Công ty TNHH Kim Đông Hy, chuyên kinh doanh hải sản - cho biết ốc bulot Pháp, Ireland hay Canada đang được bán với giá rẻ là do sản lượng nhiều, người dân các nước đó ít tiêu thụ. Hàng đông lạnh chất lượng còn khoảng 95% hoặc 50-60% so với hàng tươi sống, tùy thuộc doanh nghiệp có quy trình sản xuất, công nghệ diệt khuẩn, công nghệ đông lạnh tốt hay không. Nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng trước khi đông lạnh, bị nhiễm khuẩn thì khi ăn, sẽ gây hại cho sức khỏe người dùng.
“Hiện có không ít nguồn hải sản được các doanh nghiệp Trung Quốc nhập từ châu Âu, sau đó xuất sang Việt Nam. Sản phẩm đã đông lạnh nên các doanh nghiệp Trung Quốc không thể can thiệp về mặt chất lượng, nhưng họ nhập với số lượng lớn, nếu bán không hết thì họ có thể thay đổi thông tin về hạn sử dụng rồi đưa sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch, hoặc nhập sản phẩm đã gần hết hạn sử dụng với giá rẻ rồi đóng thùng đưa vào Việt Nam” - ông Nguyễn Đông Hy nói.
Ông Trần Văn Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia - khẳng định hải sản đông lạnh đã lâu, gần hết hạn hoặc thậm chí hết hạn sử dụng thì chất lượng, giá cả sẽ rẻ. Ông cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyến bay không có, cước vận tải đường biển tăng cao nên giá thủy hải sản nhập khẩu tăng cao hơn các năm trước khoảng 30%, có mặt hàng cao hơn 50% nên việc hải sản ngoại nhập có giá rẻ như vậy là điều bất thường. Người tiêu dùng chỉ nên mua hải sản đông lạnh có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng để tránh những rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các sản phẩm nhập khẩu, nên có thông tin nhà nhập khẩu và nhà phân phối, giấy kiểm định chất lượng sản phẩm.