Anh nông dân trồng chè bỗng thành đại gia

Google News

Trong vòng xoáy sốt đất Lâm Đồng, nhiều người nông dân "chân lấm tay bùn" bỗng trở thành tỷ phú, giàu lên một cách nhanh chóng.

Anh K là chủ đồi chè cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 12km, mặc dù những khu chè, cà phê xung quanh đã được người dân phân lô bán nền rầm rộ để thu lợi nhưng anh K vẫn giữ vững quan điểm đất chỉ có mua thêm, tuyệt đối không phân lô bán nền.

Anh K kể lại năm 1994 anh vào Lâm Đồng lập nghiệp, khi đó anh chỉ là công nhân trồng chè cho lâm trường. Năm 2014, nhà nước có chính sách giao lại đất lâm trường cho người dân canh tác, anh K cùng một số anh em thân thiết vay mượn thêm nhận lại đồi chè để làm nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất chè.

Anh nong dan trong che bong thanh dai gia

Một vườn chè của người dân tại Bảo Lộc đã được căng dây, cắm mốc giới phân lô. (Ảnh Lan Nhi).

"Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc giá đất chè, cà phê lại có thể tăng chóng mặt như hiện nay. Từ 2-3 năm nay, xung quanh đồi chè của tôi các hộ dân khác đã giăng dây bán nền gần hết. Tiếc cây chè, hễ có lô nào cạnh đồi chè tôi lại gom mua thêm để mở rộng đất, quyết không bán ra", anh K tâm sự.

Anh K kể suốt 30 năm trồng, sản xuất và kinh doanh chè được bao nhiêu tiền anh dồn tiền mua đất. Cứ thế, đến nay giá trị đất anh K sở hữu có thể lên tới trăm tỷ nếu tính theo giá thị trường. Nhưng anh K chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xẻ đất ra để bán lấy tiền, bởi tiền nhiều quá tiêu cũng không hết, cũng không biết làm gì, đất một khi đã bán là mất. Chính vì vậy, anh giữ lại đồi chè để giữ gìn cây chè, gia tăng giá trị cho đất.

Cũng như anh K, bác Phúc một lái xe 16 chỗ chuyên tuyến Bảo Lộc - Lâm Đồng cho biết nhà bác có 15 sào cà phê. Do gia đình trồng cà phê thu nhập kém nên hơn chục năm nay bác phải kiêm thêm cả nghề lái xe kiếm thêm thu nhập ch cả gia đình. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây Bảo Lộc sốt đất, 15 sào cà phê của bác có khách trả tới 15 tỷ nhưng bác vẫn chưa bán.

"Cách đây 3 năm, nhiều nhà đầu tư đến Bảo Lộc mua đất với giá rẻ chỉ vài trăm triệu/sào. Nhiều người dân vội bán rẫy, bán đất giàu lên một cách nhanh chóng. Nhà nào càng nhiều đất thì càng bán sớm từ khi giá mới bắt đầu tăng. Như gia đình tôi có ít đất nên tôi mới giữ đến tận bây giờ", bác Phúc kể lại.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải đá dăm vừa được làm giữa ngổn ngang những thân cây chè khô khốc bị đào gốc tại Bảo Lộc, một môi giới nhà đất cho biết mới năm ngoái đất ở đây được người dân phân lô bán giá 2-3 triệu đồng/m2 thì nay sau khi có con đường và quy hoạch đất ở thì đã tăng gấp 3 lần lên 8-9 triệu đồng/m2.

Qua những đồi cà phê, đồi chè của dọc theo những con đường mới giữa những đồi cà phê nhiều lô đất đã được đóng cọc trắng để xác định mốc giới, nhiều đồi chè được chăng dây xung quanh chia lô. Chủ lô đất chủ yếu là các nhà đầu tư từ Sài Gòn. Họ mua đất chỉ cốt để chờ tăng giá rồi qua tay lấy lãi. Cứ thế, nhà đầu tư về càng nhiều, những đồi chè, cà phê đang dần bị xẻ thịt, cả một vùng đất là thủ phủ cà phê bỗng nháo nhác trong cơn sốt đất phân lô bán nền.

Xa hơn nữa, những lô đất to hơn được nhà đầu tư Hà Nội gom lại tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiếp tục làm thành từng khu phân lô hay kinh doanh Homestay, thậm chí thành những khu làng nhỏ phong cách Âu được bán theo mô hình đất kèm nhà.

Cùng với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư cá mập đang bước chân vào vùng đất Tây Nguyên này có thể kể đến như Him Lam, Đèo Cả, Hưng Thịnh, Novaland, Ecopark, Văn Phú Invest, T&T, Xây dựng Miền Trung…Có thể thấy, sau sự bình yên của những đồi chè, đồi cà phê sóng ngầm BĐS vẫn âm ỉ cho những cuộc chơi lớn dài hạn, đặc biệt khi cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương chuẩn bị được khởi công, rút ngắn thời gian đi từ Sài Gòn - Bảo Lộc chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ.

Theo Nhịp sống kinh tế

>> xem thêm

Bình luận(0)