Vốn là một “bà chủ” cửa hàng chuyên về các sản phẩm thân thiện với môi trường, Phạm Thị Kim Hằng (26 tuổi, trú tại Tân Phú, TP.HCM), đã nghĩ ngay đến việc tái chế nilon rách, cũ – một loại rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Từ đợt dịch năm 2020, tôi thấy mọi người mua hàng online rất nhiều. Chưa kể, giãn cách xã hội, mấy anh, chị khuyết tật mà tôi hay giúp đỡ cũng không có thu nhập. Tôi mới nghĩ ngay đến việc làm túi thời trang từ nilon cũ để giải quyết vấn đề là việc làm và rác thải ra môi trường”, chị chia sẻ về ý tưởng làm túi từ nilon.
Phạm Thị Kim Hằng có ý tưởng làm các túi xách từ nilon cũ, rách vào khoảng đầu năm 2020.
Trước khi có ý tưởng làm túi xách từ nilon, chị Hằng đã tham khảo rất nhiều trên mạng về tái chế từ túi nilon. Chị có chú ý đến búp bê làm từ nilon cũ bởi nhìn chúng rất xinh. Tuy nhiên, chị thấy rằng sản phẩm không được nhiều người sử dụng và cũng không giảm được nhiều túi nilon. Chị mới tìm hiểu thêm các sản phẩm tái chế mà nhiều người sử dụng, mới có tác động tốt. Vì vậy, 9x đã lựa chọn việc làm ra các chiếc túi xách - thứ mà được nhiều người sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Dù có học hỏi trên mạng, khi đi vào thực tế, chị đã gặp không ít những khó khăn vì mọi thứ đều phải làm thủ công hoàn toàn. Đến nay, đã hoạt động được hơn 1 năm, chị cho rằng khó khăn vẫn chưa khi nào hết. Khó nhất là khâu thu gom túi nilon.
Theo chị, các túi xách này làm hoàn toàn thủ công nên gặp khá nhiều khó khăn, đôi khi còn thấy áp lực.
“Bởi nhiều bạn chưa biết phân loại nên là khâu đầu vào nilon tôi xử lý cũng khó khăn. Nhiều hôm, dự án truyền thông thu gom nilon cũ chưa tốt thì thu về không đủ túi đạt chuẩn khiến việc làm của mấy anh, chị khuyết tật bị đứt quãng. Những điều này đều khiến tôi cảm thấy áp lực”, chị thẳng thắn chia sẻ.
Để hoàn thiện một chiếc túi xách, chị Hằng cho biết sau khi thu các túi nilon cũ cần phải giặt sạch, phơi khô và tiến hàng cắt thành từng sợi nhỏ. Những sợi nilon này sẽ được cuộn thành như cuộn chỉ và đưa vào máy dệt mini, cách dệt như dệt vải để tạo ra các sản phẩm theo ý muốn như túi xách, hộp bút… Trong tương lai, nữ 9x cũng dự định sẽ triển khai làm giày từ nguyên liệu này.
Chị tận dụng vải rèm và vỏ gối cũ để làm phần lót trong của túi.
Ngoài sợi nilon, nữ 9x còn dệt xen kẽ với sợi chỉ cotton để sản phẩm bền hơn. Vì theo chị, nếu sản phẩm tái chế mà chỉ sử dụng trong thời gian ngắn và thải ra môi trường thì sẽ khiến môi trường thêm nhiều rác. Vì vậy, chị phải nghiên cứu làm sao để túi xách vừa bền vừa đẹp.
Chị Hằng cho biết thời gian hoàn thiện một sản phẩm sẽ mất khoảng 3 ngày kể từ thời điểm lên khung dệt. Vì công việc việc này được thực hiện hoàn toàn thủ công và phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của những người thợ. Vì thợ dệt túi đều là những người khuyết tật, họ làm công việc này để kiếm thêm thu nhập.
Những chiếc túi xách từ nilon cũ này được chị sử dụng thêm vải rèm cũ bỏ đi các khách sạn và vỏ gối cũ để làm phần lót bên trong và bên ngoài của túi. Cách sử dụng này vừa tái chế làm tăng giá trị đồ cũ, vừa giảm thiểu rác thải ra môi trường, lại vừa giúp túi xách sản xuất ra cứng cáp và bền hơn.
Những hộp bút được tạo ra từ nilon cũ.
Vì cần gom rất nhiều nilon để làm túi, cửa hàng của Hằng cũng thực hiện chương trình thu nilon đổi quà trên phạm vi toàn quốc. "Mọi người sẽ chọn và cắt tạo thành cuộn ở nhà rồi đem đến các điểm thu gom sẽ được đổi lấy quà. Một cuộn nilon sẽ đổi được một ống hút tre, hai cuộn sẽ đổi một bút giấy", chị nói.
Hiện, mỗi chiếc túi có giá dao động từ 220.000 - 375.000 đồng. Theo chị, vì đây là thủ công hoàn toàn nên giá còn cao, hiện chị vẫn đang tích cực truyền thông để nhiều người ủng hộ hơn. Từ đó, chị có kinh phí để thực hiện tự động hóa vài khâu không quan trọng làm giá thành sản phẩm giảm đi, phù hợp với nhiều người.
9x cũng tiết lộ tiền bán những túi xách này sẽ sử dụng cho các hoạt động cộng đồng như cấp học bổng và xây thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.