5 cách “chữa cháy” khi phạm sai lầm khi phỏng vấn xin việc

Google News

Khi phỏng vấn xin việc, những sai lầm ứng viên mắc phải là muôn hình, muôn vẻ. Dưới đây là một vài cách nhằm cứu vãn tình thế nếu bạn gặp phải sai lầm khi giao tiếp với nhà tuyển dụng.

Thẳng thắn thừa nhận sai lầm

Một câu trả lời không liên quan, một sự thật "lỡ lời" không nên nói ra, một quan điểm táo bạo khiến ban tuyển dụng phải nhíu mày là điều bình thường. Tuy nhiên, mọi chuyện không quá tệ nếu bạn biết cách kiểm soát tình huống. Nhà tuyển dụng tại Đà Nẵng , Hà Nội hay TPHCM thường không bất ngờ khi bạn chẳng may "lỡ lời", nhưng cách ứng xử sau đó của bạn mới là điều quan trọng.

5 cach “chua chay” khi pham sai lam khi phong van xin viec

Nếu bạn không may mắc phải một sai lầm rõ rệt mà ai cũng nhận thấy, cách duy nhất để có thể tiếp tục buổi phỏng vấn xin việc đó là hãy thẳng thắn thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Ví dụ như, bạn tới muộn một vài phút, hoặc lỡ ăn mặc chưa phù hợp, hãy lên tiếng xin lỗi một cách chân thành và mong đợi sự thông cảm.

Đừng cố gắng đưa ra những lý do bào chữa cho sai lầm của mình, điều này chỉ gây khó chịu nhiều hơn. Thay vào đó, bạn hãy tỏ thái độ cầu thị và cố gắng thể hiện thật tốt nhằm bù đắp lại sai lầm của mình.

Khéo léo chuyển chủ đề

Khi câu chuyện đã rơi vào một lĩnh vực mà bạn hoàn toàn "mù tịt", hãy tìm cách gợi ý một chủ đề khác. Bạn khó có thể tránh được việc nhắc tới những kỹ năng mà bạn còn thiếu. Ví dụ như khi bị hỏi rằng "Bạn có thể chụp ảnh sản phẩm được không?", thay vì từ chối hay nói rằng mình không có kinh nghiệm, hãy trả lời rằng "Về mặt hình ảnh cho sản phẩm, tôi biết cách lên ý tưởng và thực ra, khâu quan trọng hơn cả chính là hậu kỳ. Tôi có thể chỉnh sửa ảnh khá tốt. Hiện giờ, công ty có sản phẩm nào mạnh về mặt hình ảnh hay không?". Đây là một ví dụ cho việc chuyển chủ đề, từ lĩnh vực bạn "không biết" sang lĩnh vực bạn nắm rõ.

Bổ sung hoặc phân tích kỹ hơn ý kiến của mình

Nhiều khi nhà tuyển dụng đánh giá một câu trả lời là "sai" chỉ đơn giản là nó chưa đúng ý, chưa rõ đối với họ. Nếu rơi vào tình huống này, bạn có thể tìm cách giải thích rõ hơn quan điểm của mình cho tới khi nhà tuyển dụng tỏ ra tán thành. Thường thì khi phỏng vấn, rất ít câu hỏi có tính tuyệt đối "có" hoặc "không", bạn cần tinh tế nhận ra khi nào thì câu trả lời của mình đang đi sai hướng, từ đó có thêm những ý giải thích phù hợp.

5 cach “chua chay” khi pham sai lam khi phong van xin viec-Hinh-2

Xin phép được trả lời lại

Một trong những cách mà bạn có thể dùng khi câu trả lời của mình ngày càng lan man, thiếu rành mạch, đó là hãy xin được trả lời lại. Bạn có thể lịch sự hỏi rằng "Xin lỗi, để trình bày ý của mình được rõ hơn, anh chị có thể nhắc lại câu hỏi được không ạ?" Và sau đó, bạn đã có cơ hội trình bày lại câu trả lời của mình. Tất nhiên, việc trả lời lại sẽ khiến bạn bị mất điểm một chút ít, nhưng còn hơn là mất điểm của cả câu hỏi đó đúng không nào?

Gửi email đính chính sau phỏng vấn

Nếu như khi phỏng vấn, bạn không may đưa ra những dẫn chứng, số liệu chưa chính xác và bị nhà tuyển dụng hỏi rõ, hãy xin phép kiểm tra lại và gửi email đính chính sau cuộc gặp. Bạn không nên cố thuyết phục nhà tuyển dụng bằng những số liệu chưa rõ nguồn gốc hoặc chưa chắc chắn. Việc đính chính lại thông tin qua email sẽ giúp bạn sửa chữa lại phần nào những thông tin sai, gây nhầm lẫn trước đây, và lấy lại lòng tin từ nhà tuyển dụng.

Dù thế nào đi nữa, một ứng viên "mắc sai lầm" nhưng bình tĩnh xử lý và điều chỉnh sai lầm đó vẫn sẽ được đánh giá cao hơn một ứng viên luống cuống, "chèo chống" một cách vụng về trước mặt nhà tuyển dụng. Vậy nên, bạn đừng quá hoảng hốt nếu chẳng may phạm sai lầm, thay vào đó, hãy khéo léo và tự tin xoay chuyển tình thế, bạn sẽ có được sự thông cảm từ nhà tuyển dụng. Bạn cũng nên rút ra bài học kinh nghiệm từ sai lầm của mình để tránh tái phạm trong những lần phỏng vấn xin việc sau. Chúc bạn thành công!

5 cach “chua chay” khi pham sai lam khi phong van xin viec-Hinh-3

Theo GiadinhNet

>> xem thêm

Bình luận(0)