Ẩn số trong công tác bảo vệ Tổng thống Nga

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Nga là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, do vậy, cận vệ được lựa chọn và đào tạo các kỹ thuật cực kỳ độc đáo.

Phương thức hai tầng

Công tác bảo vệ các lãnh tụ là một việc quan trọng đối với ngành an ninh của bất kỳ nước nào. Đối với nước Nga – một siêu cường, công việc này lại càng cẩn mật và tuân thủ các nguyên tắc ngặt nghèo. Lực lượng chuyên trách để bảo vệ Tổng thống Nga được biết đến với cái tên Đội cận vệ Tổng thống. Đội này được vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga là Boris Yeltsin đặt nhiều tâm huyết xây dựng vì thời điểm ông lên làm Tổng thống, tình hình rất rối ren và Tổng thống là tâm điểm của những vụ ám sát, khủng bố.

Vệ sĩ của Tổng thống Putin trong chuyến công du của ông đến London năm 2003 . Ảnh: VTC.

Phương pháp bảo vệ của Đội cận vệ Tổng thống Nga chủ yếu dựa vào phương thức bảo vệ hai tầng của đặc vụ Mỹ. Người Nga sử dụng phương pháp này bởi qua phân tích hơn 300 vụ ám sát các nhân vật chính trị, cơ quan đặc vụ Nga nhận thấy: Phần tử khủng bố đại đa số là đánh bom, tiếp đến là tiến hành tấn công trong khoảng cách từ 100 đến 200m. Do vậy, phương thức bảo vệ hai tầng là rất hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho Tổng thống trong những chuyến công du hay thị sát.

Hai tầng bảo vệ cho Tổng thống Nga gồm: tầng thứ nhất cận vệ cự ly gần với một số đặc vụ lúc nào cũng ở sát bên Tổng thống. Tầng thứ hai là cận vệ cự ly rộng, các đặc vụ này có nhiệm vụ bảo vệ và giám sát nơi ở, phòng làm việc, những căn nhà ngoại ô của Tổng thống cũng như những nơi Tổng thống thường xuất hiện.

Phương pháp bảo vệ cũng rất linh hoạt. Ví dụ để lập kế hoạch bảo vệ một hội nghị có Tổng thống tham dự. Bước một, các nhân viên cảnh vệ sẽ đến khảo sát địa điểm hội nghị trước, điều tra tỉ mỉ tình hình nơi diễn ra hội nghị và các khu vực xung quanh, điều tra rõ những nơi mà các tay sát thủ có thể ẩn náu và tiến hành phong tỏa các vị trí đó. Vị trí của viên chỉ huy toàn lực lượng được bố trí ở trên cao để tiến hành theo dõi tất cả tình hình của đám đông. Bước thứ hai, nhân viên cảnh vệ theo sát Tổng thống đến địa điểm hội nghị. Một phần sẽ được bố trí trong đám đông và có nhiệm vụ quan sát động tĩnh của đám đông xung quanh Tổng thống.

Bước ba là tuyến cảnh giới cuối cùng. Ở tuyến này, các đặc vụ có trách nhiệm phản ứng tức thời để tiêu diệt sát thủ xuất hiện gần Tổng thống hoặc nếu quá nguy cấp thì phải dùng thân mình che chắn cho Tổng thống. Những người này, khi Tổng thống ở trong đám đông, họ luôn bao kín quanh ông ta. Mỗi đặc vụ đều có phạm vi cảnh giới cố định của mình. Ánh mắt họ sắc bén, bí mật quan sát ai đang để tay trong túi quần, ánh mắt biểu hiện của ai bất thường, tinh thần ai kích động…

Trang bị hiện đại, kỹ thuật điêu luyện

Vì trọng trách bảo vệ Tổng thống, Đội cận vệ được trang bị rất nhiều trang thiết bị và phương tiện hiện đại. Mỗi khi Tổng thống đi ra ngoài bằng xe hơi, ông sẽ đi trên một chiếc xe chuyên dụng có trọng lượng đến 10 tấn, vận tốc tối đa có thể đạt 200 km, bất luận là súng ngắn hay súng máy đều không thể bắn xuyên được cửa ô tô với lớp kính dày 40 mm.

Lái chiếc xe này đương nhiên cũng là những cận vệ của Tổng thống. Theo sách Quân đội Nga: Những bí mật bạn chưa biết của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, các cận vệ có nhiệm vụ lái xe cho Tổng thống Nga được đào tạo rất tỉ mỉ để có kỹ thuật lái xe siêu đẳng. Họ có thể quay ngoắt chiếc xe nặng nề này 90 độ hoặc 180 độ trong khi xe đang chạy với tốc độ cao rồi sau đó chạy tiếp. Ngoài ra, họ cũng có thể điều khiển hai chiếc xe đi với vận tốc cao ở khoảng cách 1m và cùng lúc xoay 180 độ và có thể một tay lái xe một tay bắn súng trúng mục tiêu cách đó vài chục đến vài trăm mét.

Trang thiết bị của đội cận vệ Tổng thống Nga rất hiện đại: có máy dò kim loại xách tay, cặp công văn bọc giáp, trực thăng, xe chống đạn. Thậm chí cả xe bọc thép. Mỗi khi Tổng thống đi thị sát hay đi công tác bằng xe hơi, đội xe thường có 4 chiếc gồm: 2 xe bảo vệ, 1 xe thông tin và 1 xe dành riêng cho Tổng thống. Trên chiếc xe có tổng thống ngồi có lắp một thiết bị tối tân. Nó có thể kích nổ từ xa bất cứ chất cháy nổ nào trong phạm vi 50 đến 100m.

Nếu Tổng thống Nga đi công du nước ngoài sẽ có một máy bay dự phòng đi theo. Chiếc này giống hệt chiếc chuyên cơ và bên trong cũng có các đặc vụ lực lưỡng, sẵn sàng cho tình huống đột xuất và luôn sẵn sàng đảm bảo sự thông suốt của chuyến bay. Trước chuyên cơ thường có một máy bay dẫn đường. Phía sau có máy bay vận tải đi cùng. Nếu chuyến đi trong lãnh thổ Nga, còn có cả máy bay chiến đấu tháp tùng.

Xung quanh nơi ở của Tổng thống, đội cận vệ lắp đặt các thiết bị chuyên thu nhận tín hiệu vô tuyến điện ở các tần số khác nhau nhằm xác định xung quanh có các loại bom điều khiển hay không. Khi cần thiết, các máy này sẽ kích hoạt gây nhiễu vô tuyến điện khiến bom mất tác dụng hoặc tự nổ vào thời gian thích hợp.

Cận vệ Tổng thống Nga sử dụng loại súng Gyurza 9mm. Ưu điểm của loại súng này là rất nhẹ, khi chưa nạp đạn nó chỉ nặng 995 g. Băng đạn có 18 viên đạn. Tuy số lượng đạn ít nhưng sức công phá rất mạnh. Nó có khả năng bắn xuyên bất cứ loại áo giáp chống đạn nào trong bán kính 50 m. Kích thước rất nhỏ gọn cho phép đặc vụ dễ dàng sử dụng.

Thành viên Đội cận vệ thường “về hưu” ở tuổi 35. Trong suốt quá trình phục vụ công tác, họ rất ít khi được tiếp xúc với người ngoài. Đội cận vệ Tổng thống quy định các thành viên ko được phép ra ngoài 1 mình, không được giao thiệp riêng với bất cứ ai ngoài Cục An ninh Tổng thống là cơ quan quản lý trực tiếp của Đội. Thêm vào đó, từng thành viên phải định kỳ báo cáo lên cấp trên kể cả việc riêng tư của họ.

Nhờ có một đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp được đào tạo công phu như vậy nên các Tổng thống Nga mặc dù thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ an ninh, khủng bố nhưng vẫn an toàn.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)