“Truy” nguyên nhân cái chết của Tưởng Giới Thạch

Google News

Giá như Tống không cố chấp, không kiên quyết mời bác sĩ nước ngoài chữa trị cho Tưởng, thì có lẽ, đấng phu quân của bà đã chẳng qua đời như vậy.

- Giá như Tống Mỹ Linh không cố chấp, không gồng mình chống đối ý kiến của đám đông, không kiên quyết mời vị bác sĩ nước ngoài về chữa trị cho Tưởng Giới Thạch, thì có lẽ, đấng phu quân của bà đã chẳng qua đời như vậy.

Năm 1969, Tưởng Giới Thạch bị tai nạn xe. Những tổn thương năm đó đã làm cho sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng, mà như ông nhận định, nó đã làm tổn hại tới 20 năm tuổi thọ của mình.

Kể từ tháng 7/1972, ông Tưởng nằm liệt giường, toàn thân dày đặc những dụng cụ y tế: ống thở oxi; ống thông dạ dày; ống truyền dịch; máy điện tim;... Thi thoảng ông cũng được đứng dậy đi lại. Ban đầu, nhờ người đỡ, ông có thể đi được vài bước, rồi có thể tự đi được một đoạn, dạo quanh khuôn viên. Ngoài việc tập đi, ông Tưởng còn cố gắng tập viết chữ bằng tay trái, vì tay phải của ông đã bị teo, không thể viết được nữa.

Thấy tình hình sức khỏe của chồng có chiều hướng tốt, bà Tống muốn ông khôi phục lại thói quen ngồi xe, hóng gió đi dạo vào mỗi buổi chiều như thời chưa bị bệnh. Theo bà thì đây cũng là một cách tốt để ông sớm phục hồi sức khỏe. Nhưng điều đó cũng làm cho đội ngũ y tế bên cạnh ông Tưởng không khỏi căng thẳng, lo lắng. Không ai dám đảm bảo rằng, sẽ chẳng có bất trắc gì xảy ra với tình trạng sức khỏe của ông khi ra ngoài.
Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh.
Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh.
Bà Tống đã quyết định đi cùng chồng, bà bố trí một chiếc xe cấp cứu mới nhất, một đội ngũ nhân viên y tế với đầy đủ thiết bị ứng cứu. Không còn cách nào khác, đội ngũ bác sĩ đành theo lệnh. Với người lâu ngày không rời khỏi giường bệnh như Tưởng, được ra ngoài hóng gió khiến ông phấn chấn trong lòng. Bà Tống lâu ngày không đi dạo, nên cũng thấy trong lòng lâng lâng vui sướng. Chuyến đi kéo dài không quá một giờ, nhưng cũng đủ làm cho cả đội quân y tế toát mồ hôi hột. Cho đến khi cả đoàn quay về dinh Sỹ Lâm, cả đội “ngự y” mới cảm thấy nhẹ nhõm, hoàn hồn.  
 
Từ tháng 9/1972 đến tháng 12/1974, dù Tưởng Giới Thạch vẫn mang bệnh trong người, nhưng nằm trong tầm kiểm soát của đội ngũ y bác sĩ. Nói cách khác, sức khỏe của ông vẫn ở giai đoạn tương đối ổn định.

Ngày 22/12/1973, Tưởng Giới Thạch xuất viện, trở về dinh Sĩ Lâm. Tới trước ngày 1/12/1974, trong gần một năm, tinh thần ông rất vui vẻ, hay thèm ăn, thể trọng cũng tăng. Tuy nhiên, trong “Báo cáo điều trị cho Tưởng Giới Thạch” của chính phủ lại hé lộ một số vấn đề không mấy khả quan. Bệnh viêm tiền liệt tuyến mãn tính của Tưởng vẫn có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của ông. Chứng xơ cứng động mạnh và cơ tim phì đại có thể phát bệnh bất cứ lúc nào. Vì vậy mà các chuyên gia về tim và tiết niệu trong ngoài nước đã tới hội chẩn. Sau khi bàn bạc, họ cho rằng, không nên sử dụng những phương pháp trị liệu quá kích với nhà lãnh đạo Quốc Dân đảng, mà chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, tăng cường thể lực để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.

Vào khoảng tháng 11/1974, theo kết quả Xquang của Tưởng, tình trạng tích nước trong phổi vẫn chưa được cải thiện. Nhưng bệnh tật không có dấu hiệu xấu đi, bản thân ông cũng không thấy chịu vì hiện tượng tích nước ấy. Theo phân tích của tổ y tế, nguyên nhân gây ứ nước trong phổi là do chức năng của tim đã tương đối kém. Có đến 2/3 lá phổi của ông Tưởng đều bị tích nước, đội ngũ y tế không có cách nào tối ưu hơn để xử lý, vì hiện tượng này không dễ gì cải thiện trong một sớm một chiều. Chỉ còn lại 1/3 lá phổi vẫn hoạt động bình thường, buộc phải cắm ống oxy 24/24h. Các bác sĩ chủ trương, tạm thời sẽ “án binh bất động”, không mạo hiểm rút nước ra khỏi phổi, tránh xảy ra biến chứng.

Trái lại, bà Tống nhất quyết cho mời bác sĩ người Mỹ về để cứu sống chồng mình. Theo bà, ông ta là người đủ giỏi để hút nước ra khỏi buồng phổi của Tưởng. Nhưng thủ thuật ấy không phải chuyện đùa. Trong những năm 1970, loại phẫu thuật này tại Đài Loan hiếm khi được áp dụng cho người già trên 80 tuổi, càng không thể áp dụng cho Tưởng, bởi ông đã từng trải qua một trận hôn mê, chức năng tim suy yếu. Các thành viên trong nhóm chỉ biết lắc đầu bất lực.

Cuối tháng 11/1974, bác sĩ người Mỹ ấy đã được mời đến Đài Loan để tiến hành phẫu thuật. Đó là một vị giáo sư kiêm chủ nhiệm khoa của một trường ĐH có tiếng tại Mỹ. Các thành viên trong đội y tế cho rằng, rút nước ra khỏi phổi là một “phương pháp điều trị quá kích”, khiến bệnh nhân gặp phải những hậu quả nguy cấp khó lường. Không ai trong số “ngự y” tán đồng quan điểm của vị giáo sư nước ngoài. Nhưng ông vẫn kiên quyết giữ những phán đoán chuyên nghiệp của mình và cho rằng, rút nước là cơ hội duy nhất giúp Tưởng khôi phục sức khỏe.

Cả đội y tế bắt đầu lo ngại về một hậu quả khôn lường sẽ ập đến, nhưng bà Tống vẫn một mực dành sự hậu thuẫn, ủng hộ cho vị bác sĩ nước ngoài này. Giờ thì họ chỉ có thể chờ đợi cho đến khi những điều tồi tệ nhất xảy ra.

Bệnh tình của ông Tưởng ngày một xấu đi. Thể trọng giảm sút, các cơ quan chức năng đều yếu đi nhanh chóng, một số chỗ còn mất cảm giác đau. Ngày diễn ra ca phẫu thuật, Tống Mỹ Linh vì sợ máu, đã không dám đứng cạnh giường để nhìn. Tưởng Kinh Quốc vì bận việc nên phải tới “Viện hành chính”. Chỉ còn lại đội ngũ y bác sĩ ở cạnh bên quan sát với ánh mắt lạnh lùng.

Ngay sau ca phẫu thuật, trong đêm ấy, những tiên đoán trước đó của đội ngũ bác sĩ đã thực sự linh nghiệm. Bệnh tình của Tưởng Giới Thạch lập tức bị mất kiểm soát. Đêm đó, ông sốt cao, thân nhiệt lên đến 41 độ C. Cả nhóm y tế căng thẳng lo lắng tới nỗi luống cuống chân tay. Còn vị bác sĩ nước ngoài, sau khi nhận được khoản tiền công hậu hĩnh, đã lên máy bay đi khỏi. Một bầu không khí nặng trĩu chưa từng có bao trùm khắp dinh Sĩ Lâm. Bà Tống cũng trở nên hoảng loạn, hoang mang.

Quyết định chọc phổi hút dịch của bà Tống đã dẫn đến một sai lầm nghiêm trọng như vậy. Bà đã không nghe lời các bác sĩ Trung Quốc. Nhưng trong “Báo cáo điều trị cho Tưởng Giới Thạch” có nói tới quá trình điều trị vào cuối năm 1974, rằng, ông Tưởng bị nhiễm dịch cúm bùng phát ở Đài Loan. Đội ngũ y bác sĩ khi ấy đã đề nghị ông nên tăng cường nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Vào tháng 12, ông đột nhiên sốt cao. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện tượng viêm phần trên phổi trái và phần dưới phổi phải của Tưởng đã tái phát, hai khoang màng phổi đều bị tích nước. Và loại vi khuẩn gây viêm phổi là loại trực khuẩn Gram âm kháng thuốc.

Nhưng theo một nhân viên y tế trong nhóm điều trị, cuối năm 1974, Đài Loan không hề xuất  hiện dịch cúm nghiêm trọng. Thậm chí nếu có dịch cúm theo mùa, thì giai đoạn cao điểm của dịch cũng là mùa thu hàng năm, khó có thể kéo dài đến tận tháng 12 mới bị lây nhiễm. Hơn nữa, đội y tế của ông Tưởng đã luôn chú ý mọi dấu hiệu của bệnh cúm, cô lập phạm vi lây nhiễm, khiến không gian sống của ông trở nên “miễn nhiễm”.

Đầu tháng 12/1974, ông Tưởng tiến hành phẫu thuật, bốn tháng sau đó, tức vào ngày 5/4/1975, ông qua đời tại Sĩ Lâm – Đài Bắc. Di chứng sau phẫu thuật đã phủ bóng đen lên những năm tháng cuối đời của Tưởng Giới Thạch. Dẫu không ai dám công khai truy cứu trách nhiệm về cái chết của Tưởng, nhưng mỗi thành viên trong đội y tế trực tiếp chăm lo sức khỏe cho nhà lãnh đạo Quốc Dân đảng đều có cách nghĩ, phán đoán của riêng mình.
 
Lê Phượng (lược dịch theo Huanqiu)

Bình luận(0)