Làng Bái Ân - Dân quyên sinh chữa đau mắt cho vua

Google News

Bái Ân (nay thuộc phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) là một phường của kinh thành Thăng Long.

- Bái Ân (nay thuộc phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) là một phường của kinh thành Thăng Long.
[links()]
Dấu tích của một ngôi làng cổ đến nay vẫn còn phía trong mái đình cùng những bản sắc phong, trong những địa danh như Quán Cây, Ao Cá và trong cả những câu chuyện của người già.
 
Ở đó là một Bái Ân với nghề dệt lĩnh nổi tiếng một thời, về tích của ba vị thành hoàng làng với sự quyên sinh vì nước và tình cảm anh em gắn bó. Ở đó cũng thấp thoáng câu chuyện về một thứ lễ vật cúng tế độc đáo mà có lẽ không đâu có được.

Năm 2011, nhân dân làng Bái Ân đã sưu tầm tư liệu và cho in cuốn "Kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ đặt tên làng Bái Ân". Theo cuốn sách này thì làng Bái Ân là một làng cổ của vùng Kẻ Bưởi thuộc kinh thành Thăng Long. Xa xưa, làng nằm ven sông Thiên Phù có bến Giang Tân, tên là xóm Bái.

Tục truyền, sau khi định đô được một năm, vua Lý Thái Tổ ngự thuyền rồng ra sông Tô, đến thăm vùng Bưởi. Hay tin, nhân dân trong vùng tập trung ở bến Giang Tân để đón tiếp. Dân xóm Bái căng tấm lĩnh có hình con rồng. Thấy vậy, nhà vua bèn đặt tên xóm là Bái Ân (ân nghĩa của vua được thấm khắp cả). Tên gọi đó còn cho đến tận ngày nay.

Đình làng Bái Ân - nơi thờ ba vị thành hoàng làng.
Đình làng Bái Ân - nơi thờ ba vị thành hoàng làng.

Sống sót nhờ... xẻ khung cửi làm củi

Cũng như các làng trong vùng Kẻ Bưởi, người Bái Ân sống chủ yếu bằng hai nghề dệt lĩnh và làm giấy. Cụ Nguyễn Thị Sâm năm nay 87 tuổi, là một trong số ít những thợ dệt lành nghề của làng còn sống. Sở dĩ gọi là "thợ dệt lành nghề" bởi theo cụ, "nghề này rất kén người làm và không phải ai cũng làm được. Có những người làm hàng năm trời cũng chỉ là thợ phụ mà thôi".

Cụ Sâm cho biết: "Ngày trước, các hộ trong làng mua tơ từ phố Hàng Ngang, Hàng Đào về. Cứ năm sợi tơ mới chọn được một sợi để dệt lĩnh. Những sợi tơ bị loại ra thì mới dùng để dệt vải. Sau khi phân loại, tơ được đem đi hồ dọc để sợi tơ không bị bông. Hồ xong, tơ mới được mắc lên trục để dệt.

Khác với dệt lụa chỉ có 2 chuyên đòn, để dệt được một tấm lĩnh trơn phải có 5 chuyên đòn. Dệt lĩnh trơn đã khó, dệt lĩnh hoa chanh còn khó hơn. Khung dệt phải mắc thêm một thứ go hoa và phải thêm một người thợ bên khung để sử dụng go hoa đó, phối hợp với người dệt lĩnh ngồi dưới. Vải lĩnh đẹp nhưng cũng kén người mặc, kén cả người mua vì không phải ai cũng có đủ tiền. Ngày ấy, cô dâu mà mặc quần lĩnh tía với đội chiếc khăn nhung đã là sung sướng nhất rồi, đẹp nhất rồi".

Nghề dệt từng đem lại cuộc sống no đủ cho dân làng. Đã có thời, nhà nhà dệt lĩnh, người người dệt lĩnh. Thế nhưng, năm 1945, nạn đói khủng khiếp tràn vào làng. "Nhiều nhà hết gạo. Họ đã phải xẻ khung cửi để làm củi, bán lấy tiền đong gạo. Mỗi khung cửi bán đi chỉ mua được vài cân gạo nhưng cũng đủ nấu cháo loãng ăn tới cả tháng trời. Từ đó, nghề mai một dần", cụ Sâm bồi hồi.

Khoảng năm 1957, hợp tác xã (HTX) Hiệp Thành được thành lập. Nghề dệt cũng được khôi phục. Tuy nhiên, thời gian này không còn dệt lĩnh nữa mà chuyển sang dệt màn, khăn mặt. Đến năm 1993, HTX giải thể. Từ đó, nghề dệt dần biến mất, chỉ còn lại trong ký ức người làng. "Nhiều lúc cũng nhớ nghề lắm nhưng đành chịu, vì khôi phục lại nghề cũng khó lắm. Mà những người biết nghề như tôi thì đều đã lần lượt chầu trời rồi", cụ Sâm bảo.

Người dân bày bán hàng hóa ngay dưới cổng Quán Cây - nơi Đức Thánh Chú "hóa".
Người dân bày bán hàng hóa ngay dưới cổng Quán Cây - nơi Đức Thánh Chú "hóa".

Huyền tích ba vị thành hoàng

Hiện nay, đình làng Bái Ân được ghi nhận là ngôi đình cổ nhất trong số các ngôi đình của phường Nghĩa Đô. Đình được dựng từ thế kỷ XVII, thờ vợ chồng ông bà Vũ Phục và người em trai ông Vũ Phục. Thần tích của làng kể lại rằng, vào cuối đời Lý Nhân Tông có ông Vũ Phục vốn người đất Phong Châu cư trú ở xã Minh Tảo, Từ Liêm. Ông lấy vợ là người con gái họ Đỗ ở làng. Hai vợ chồng lấy việc bán dầu làm nghiệp sống.

Bấy giờ, vua bị bệnh đau mắt, chữa mãi không khỏi. Nghe thấy chùa trên núi Vân Mộng huyện Kim Bảng có Quy Cốc tiên sinh tinh thông kinh dịch, vua liền đến xem bói. Thầy phán do dòng nước từ phía Tây Bắc chảy xiên vào kinh đô nên khiến vua bị tổn thương. Nếu trấn áp được thì vua sẽ khỏi.

Bấy giờ Thiên Phù và Tô Lịch là hai dòng sông hợp lưu phạm vào góc thành Thăng Long. Vua nhiều lần dùng kế lấp sông, nhưng cứ lấp thì bị nước phá. Vua sai người lập đàn tế thần, mong được giúp đỡ. Quả nhiên, đêm đó thần hiện lên, phán rằng nếu sớm hôm sau, gặp ai là người đầu tiên có mặt ở khúc sông này, làm theo yêu cầu của người ta rồi đẩy họ xuống sông, phong cho họ làm thần. Khi đó, sông sẽ được lấp.

Sớm hôm sau, lính canh thấy có vợ chồng ông bà Vũ Phục đi bán dầu ngang qua. Sứ giả liền kể lại câu chuyện gặp thần rồi hỏi ông bà thích ăn gì. Ông bà bảo thích ăn xôi dẻo, bò béo, gà mái ghẹ. Lính canh cho nấu những món đó thết ông bà. Ăn xong, ông bà ngửa mặt lên trời mà khấn rằng: "Vợ chồng tôi quyên thân vì đất nước mà lấy cái chết giúp vua. Trời có biết thì xin chứng giám". Nói rồi, hai người gieo mình xuống sông tự vẫn, nhằm ngày 30/11 âm lịch.

Người em trai ông Vũ Phục không thấy anh chị về liền đi tìm. Đến chỗ Ao Cá, từ xa thấy nơi anh chị "hóa" nhưng quân lính canh giữ không cho vào, uất ức quá mà đâm vào gốc cây cổ thụ rồi mất. Hôm đó là ngày 6/12 âm lịch. Chỗ người em "hóa" đùn lên một gò đất, sau gọi là Quán Cây. Hiện, trong Quán có xây một ngôi mộ tượng trưng cho nơi người em đã "hóa". Ba người được phong làm thành hoàng, thờ trong đình làng.

Từ đó, hằng năm, cứ vào ngày giỗ của ba vị thành hoàng, dân làng lại sửa soạn đồ cúng tế. Với Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà thì lễ vật gồm xôi dẻo, bò béo, gà mái ghẹ, đúng như nguyện vọng của ông bà trước khi mất. Còn với Đức Thánh Chú thì lễ vật dâng cúng gồm thủ lợn, đuôi lợn, ít lông mao lợn và bát tiết. Cúng xong sẽ đổ tiết xuống ao. Hỏi về tích cúng này, ông Thái Đình Khải, Trưởng ban quản lý di tích đình làng Bái Ân, Quán Cây, Ao Cá phỏng đoán: "Việc cúng bằng tiết có thể để mô phỏng khi Đức Thánh Chú ngã bị hộc máu".

Bây giờ, tìm lại dấu tích của một làng nghề dệt lĩnh nổi tiếng ở Bái Ân có chăng chỉ còn trong ký ức những người già. Thế nhưng, nói theo cách của ông Khải thì "chừng nào còn đình làng, còn Quán Cây, Ao Cá, chừng đó làng cổ Bái Ân vẫn còn hiện hữu. Nó không chỉ hiện hữu bằng vật chất mà còn hiện hữu trong tiềm thức của những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này".

Ông Khải bên ngôi mộ tượng trưng của thành hoàng làng – ngài Đức Thánh Chú trong Quán Cây. Lễ vật dâng cúng trong ngày giỗ 6/12 âm lịch có lông mao và tiết lợn.
Ông Khải bên ngôi mộ tượng trưng của thành hoàng làng – ngài Đức Thánh Chú trong Quán Cây. Lễ vật dâng cúng trong ngày giỗ 6/12 âm lịch có lông mao và tiết lợn.
"Trước đây, khu đình làng và Ao Cá rộng lắm. Thế nhưng, cùng với sự đô thị hóa, người ta cứ lấn dần, lấn dần vào đất di tích để dựng nhà cửa, họp chợ. Cũng có những lời đồn đại rằng vì lấn đất di tích mà người sống ở đó bị ốm đau, trẻ con thì chết đuối. Chẳng ai khẳng định rằng có mối liên quan nào như thế không nhưng rõ ràng, việc lấn chiếm vào đất di tích như thế đã làm cho dấu tích làng cổ bị thu hẹp".
Ông Thái Đình Khải (Trưởng Ban di tích đình làng Bái Ân - Quán Cây - Ao Cá)
Thanh Thủy

Bình luận(0)