Câu chuyện đau đớn về làng ung thư Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Thoát xác từ một vùng nông thôn lên một trung tâm công nghiệp dệt may thế giới, những ngôi làng trong tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đang than khóc cho những số phận ung thư do công nghiệp hóa. 

 Ung thư do hậu quả của ô nhiễm môi trường ở các làng công nghiệp đang là nỗi lo của người dân Trung Quốc. Ảnh: internet.

Phong xuống hẻm về nhà cô ở Wuli, một ngôi làng bình thường ở tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc, trong tâm trạng bất thường.

Phong đẩy nhanh cửa. Nhưng trước khi thốt ra thời, cô bắt đầu khóc và chỉ vào hai bức ảnh giống nhau, đóng khung, treo cạnh nhau trên tường nhà mình. Bức ảnh một người đàn ông lớn tuổi và một trẻ hơn, trông giống như hình hộ chiếu hoặc ảnh truyền thần. Những hình ảnh ám ảnh Phong.

"Tôi không muốn ở lại trong căn nhà này. Tôi không muốn ngủ ở đây vào ban đêm", cô nói, "Chồng tôi là trụ cột của gia đình và khi anh qua đời, giống như các trụ cột của ngôi nhà của chúng tôi bị sụp đổ. Sau đó, con trai của tôi cũng bị lấy đi".

Tiếng khóc thu hút người dân trong làng đến mảnh sân nhỏ nhà Phong. Họ góp thêm những câu chuyện của riêng mình.

Những lời hứa về sự giàu có

Họ nói Wuli đã từng nổi tiếng với rừng cây, đất đai màu mỡ. Những năm 1990, những quan chức chính phủ đến địa phương này và hứa hẹn sự giàu có. Trong thời gian này, một số công ty dệt may đã vào khảo sát Wuli, xây dựng nhà máy của họ trên thị trấn.

Người dân ở đây nói, Wuli giờ là một "làng ung thư".

Nông thôn bị phơi nhiễm

Đây là thuật ngữ được các nhà báo Trung Quốc và các nhà hoạt động môi trường phát hiện và dùng nhiều khi khám phá bằng chứng về tỷ lệ cao bất thường bệnh ung thư ở toàn Trung Quốc, chủ yếu ở khu vực nông thôn bị công nghiệp chi phối.

Đặng, một người làm việc cho một tạp chí Hồng Kông thời điểm đó đã chú ý các tác động của ô nhiễm nước ở nông thôn Trung Quốc.

Ông nói: "Vì nước rất quan trọng với mọi người, nên ô nhiễm nước có ảnh hưởng lớn hơn đến sức khỏe người dân. Trung Quốc đang bị tác động tiêu cực của mô hình tăng trưởng kinh tế không đúng. Và đất nước sẽ tiếp tục trả giá cho ô nhiễm nặng trong tương lai".

Năm nay, đối mặt với áp lực của công chúng, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận sự tồn tại của làng ung thư. "Trung Quốc đã và đang sản xuất và sử dụng các sản phẩm hóa chất độc hại. Nhiều nơi đã trải qua cuộc khủng hoảng nước sạch và ô nhiễm gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng như sự xuất hiện của làng ung thư", theo một tài liệu được công bố nhằm cảnh báo sự trỗi dậy của các làng ung thư.

Ông Đặng nói, đó là "bước tiến rất đáng kể". "Chỉ bằng cách thừa nhận vấn đề chúng ta có thể đặt những nỗ lực thực tế trong việc đối phó với vấn đề này", ông nói.

Nhưng đối với các nhà hoạt động như Wei Donying trong làng Wuli, sự thừa nhận là không đủ.

Cô trải tấm bản đồ bị cũ mòn trên sàn phòng khách của mình. Trên tay và đầu gối, cô đặt những bức hình lên các phần khác nhau của bản đồ.

"Hãy nhìn vào những con cá chết này trên bờ biển, và ở đây, các kênh chuyển sang màu đỏ", cô nói. Wei đã sắp xếp, xây dựng các loại ô nhiễm độc hại trong nhiều thập kỷ. Năm 2002, cô đã khiếp sợ bị bệnh ung thư, nhưng may mắn, đó là u lành tính.

Cô đưa chúng tôi đi một vòng ngang qua nhà máy nhuộm, nhà máy dệt và các xưởng đan. "Nhà máy này chỉ bỏ 'hóa chất' khỏi tên của họ khi chúng tôi phàn nàn. Gần đây, chúng tôi đã canh gác bên ngoài", cô nói. Cô cũng cho biết, nhân viên bảo vệ biết rõ cô.

"Tất cả những gì tôi muốn là làm sạch không khí thở, uống nước an toàn và canh tác trên đất không ô nhiễm. Đó là tất cả những gì tôi yêu cầu, nhưng tôi nghĩ đó là quá nhiều".

 Các dòng sông lớn của Trung Quốc đang nhận những dòng nước ô nhiễm từ khắp nơi đổ vào. Ảnh: internet

Thiếu trách nhiệm


Wei tin rằng, chính các nhà máy là tác nhân gây ra các bệnh ung thư. Nhưng tất cả các nhà máy đổ nước thải, dù qua xử lý hay không, vào cùng các các con sông, vì vậy gần như không thể phân loại các nguồn gây ô nhiễm khỏi nguồn không ô nhiễm.

Tổ chức Hòa bình xanh gọi điều đó là sự thiếu trách nhiệm của "màn khói hoàn hảo". Trong một nghiên cứu gần đây được gọi là "Những đường dây của chất độc", tổ chức này ký hợp đồng với các nhà khoa học kiểm tra nguồn nước trong khu vực và cho biết, họ tìm thấy ít nhất cả tá hóa chất độc hại.

Một quan chức chính quyền địa phương không muốn nêu tên, nói: "Chúng tôi nhận thức được tình hình và chúng tôi đang cố gắng hết sức để chống lại các vấn đề. Đó là trách nhiệm của chúng tôi". Nhưng họ không đưa ra bất cứ chi tiết nào của những kế hoạch này.

Tỉnh Chiết Giang là trung tâm của ngành công nghiệp dệt may của Trung Quốc và lớn nhất trên thế giới. Cách này hay cách khác, Khu vực này đã phục vụ cho phần lớn các thương hiệu quần áo nổi tiếng trên thế giới. Tổ chức Hòa bình xanh đã kêu gọi sự minh bạch giữa nhà cung cấp và các thương hiệu. Họ muốn các nhà máy hoặc có những hành động làm sạch môi trường, hoặc đóng cửa.

Nhưng mối quan hệ với ngành công nghiệp ở đây phức tạp hơn thế.

Trong 50 năm qua, khu vực này đã đi từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp đến ngành công nghiệp nặng. Một nông dân cho biết, họ đã khiếu nại, kiến ​​nghị, nhưng vẫn là "vô nghĩa", vì vậy, giống như nhiều người khác ở đây, ông làm việc trong một nhà máy nhuộm vào ban đêm. Ông nói rằng đó là một tình huống khó xử mà họ buộc phải học cách thích nghi.

Trả giá

Ô nhiễm có thể là mâu thuẫn của sự phát triển của Trung Quốc, nhưng đối với Phong, người phụ nữ đề cập từ đầu bài viết, điều này đơn giản hơn nhiều. Cô nói rằng việc mở rộng công nghiệp trong làng Wuli đã đến một giá quá cao.

Cô nói rằng cô không có cách nào để có thể chắc chắn, nhưng cô tin rằng các nhà máy đã gây ra bệnh ung thư của chồng và con trai mình. Cô hy vọng rằng chính phủ sẽ chuyển cô đi khỏi ngôi nhà trống rỗng của mình. "Không có quan chức nào đến thăm hỏi hoặc kiểm tra tình cảnh của tôi. Tôi đã quá đau buồn và không còn nước mắt để khóc nữa", Phong tâm sự.

TIN LIÊN QUAN
Theo CNN

Bình luận(0)