Xót xa khi nghe tâm sự của người vợ mới cưới bị trầm cảm

Google News

“Nhiều lần tôi nói với chồng: “Em đọc báo thấy nhiều người tự tử vì trầm cảm, em thấy bản thân cũng có những biểu hiện của căn bệnh này”. Dù nói như thế nào chồng tôi cũng không tin, nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết để chứng minh mình nói đúng”, chị Hoa chia sẻ.
 

Những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi tìm đến trung tâm tư vấn hôn nhân, gia đình Hà Anh (Hà Nội), tại đây chúng tôi đã được nghe câu chuyện của chị Nguyễn Hoa (Thường Tín, Hà Nội) về cuộc sống của chị sau hôn nhân. Chính chuyên gia tâm lý Hà Anh thú nhận chị đã từng bật khóc khi nghe những lời tâm sự của người phụ nữ này.
Xot xa khi nghe tam su cua nguoi vo moi cuoi bi tram cam
 Chồng vô tâm, vợ trầm cảm sau cưới. Ảnh minh họa

Theo lời kể của chị Hoa, chị có những biểu hiện của người bị trầm cảm sau cưới khoảng 3 tháng nhưng gia đình nhà chồng và chồng chị đều không tin. “Chúng tôi yêu nhau được hơn một năm thì kết hôn. Gia đình anh ấy không ưa tôi, nhất là mẹ chồng. Vì thế, từ khi yêu nhau, mỗi lần về nhà anh ấy chơi tôi rất mặc cảm, tủi thân vì không ai nói chuyện với mình. Cưới về được khoảng 1 tuần thì anh ấy đi làm từ sáng tới tối mới về, tôi ở nhà lủi thủi một mình, mẹ chồng cứ nhìn thấy tôi là tỏ vẻ khó chịu, chẳng bao giờ nói chuyện với con dâu. Vậy nên tôi cũng lủi thủi như cái bóng”, chị Hoa kể.
Từ ngày cưới về, tâm tính chồng chị Hoa cũng thay đổi hẳn, chồng chị không còn quan tâm đến vợ như trước, những tin nhắn cũng chẳng còn ngọt ngào. Chị Hoa có gọi điện hỏi han thì bị chồng trách móc quản lý quá.
“Những áp lực lớn như vậy sau cưới khiến tôi suy nghĩ, mất ngủ triền miên, nhiều lần muốn chết đi để cho chồng hối hận nhưng lại không dám vì còn bố mẹ đẻ nữa. Tôi thấy mệt mỏi, chán nản với cuộc sống hiện tại. Tôi đọc những trạng thái của mình thì thấy nó gần giống với bệnh trầm cảm, rất nguy hiểm. Tôi nhiều lần tâm sự nhưng chồng không tin, anh ấy cho rằng tôi dùng cách đó để dọa anh ấy.
Chỉ đến khi những dấu hiệu của tôi quá trầm trọng, đêm ngủ tôi hét ầm lên, vài ngày không thiết tha ăn uống gì, người gầy hơn xưa rất nhiều thì anh ấy mới đưa tôi đi khám. Lúc đó anh ấy mới tin tôi đang bị bệnh. Tôi phải điều trị ở bệnh viện một thời gian, sau đó, tôi được bạn bè giới thiệu đến trung tâm tư vấn hôn nhân. Chồng tôi đã quan tâm đến tôi hơn, anh ấy còn là cầu nối để tôi hòa thuận với mẹ chồng. Giờ tôi đã cân bằng cuộc sống sau hôn nhân, tôi tự yêu thương mình để bù đắp quãng thời gian mà tôi đã phải chịu đựng”, chị Hoa tâm sự.
Từ câu chuyện của chị Hoa, chuyên gia tâm lý hôn nhân Hà Anh cho biết, rất nhiều cặp đôi đã bị sốc sau hôn nhân, hay còn nói cách khác là họ bị “vỡ mộng”. Họ bị “rơi” từ giấc mơ của những người đang yêu đến thực tế cuộc sống với biết bao khó khăn, vất vả nên dễ bị trầm cảm, nhất là phụ nữ. Chỉ cần không được yêu thương, ngọt ngào như trước là họ dễ bị tổn thương, tủi thân sau đó dẫn đến những hành động mất kiểm soát.
“Không mấy người được như chị Hoa, chị đã tự phát hiện ra bệnh của mình để có hướng điều trị. Có những khi đến đây đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng khó có thể “kéo” lên được nữa. Sau cưới, các cặp đôi hãy quan tâm đến cuộc sống của nhau hơn, cần xác định cho dù có xung đột thì chỉ có xây chứ không bao giờ nghĩ đến phá.
Các ông chồng khi thấy vợ thay đổi, hãy dành thời gian tâm sự, chia sẻ để cô ấy nói ra những trở ngại trong cuộc sống rồi tìm cách giải quyết. Trong hôn nhân, vợ chồng có tâm đầu ý hợp mới hạnh phúc mới dài lâu được”, chuyên gia tâm lý Hà Anh chia sẻ.
Theo Mai Thu/Đời sống & Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)