WHO có 7- 8 ứng viên hàng đầu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19

Google News

(Kiến Thức) - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua (12/5) cho biết có hơn 100 ứng viên nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu nhưng họ đã chọn ra 7 - 8 ứng viên hàng đầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại cuộc họp trực tuyến của hội đồng kinh tế, xã hội của Liên Hợp Quốc rằng, suy nghĩ ban đầu từ hai tháng trước rằng có thể mất 12-18 tháng để cho ra đời một loại vắc-xin ngừa COVID-19. Thế nhưng, ông cho rằng, các nỗ lực đã được đẩy nhanh nhờ khoản cam kết đóng góp 8 tỉ USD của lãnh đạo 40 quốc gia, tổ chức và ngân hàng hồi tuần trước.
Ông Tedros cho rằng, 8 tỷ USD sẽ không đủ và các quỹ bổ sung là cần thiết để tăng tốc việc phát triển vắc-xin, nhưng quan trọng hơn cả là sản xuất đủ vắc-xin COVID-19 cho người dân toàn cầu, để không ai bị bỏ lại.
WHO co 7- 8 ung vien hang dau san xuat vac xin ngua COVID-19
Có hơn 100 ứng cử viên nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu nhưng WHO đã chọn ra 7 - 8 ứng cử viên hàng đầu. Ảnh minh họa: Reuters.
Tổng giám đốc WHO cũng cho biết thêm, hiện nay đã có 7-8 ứng cử viên hàng đầu về sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 trong khi WHO có tới hơn 100 ứng cử viên, nhưng ông không tiết lộ tên của ứng cử viên.
Kể từ tháng 1 đến nay, WHO đã làm việc với hàng ngàn nhà nghiên cứu khắp thế giới để tăng tốc phát triển một loại vắc-xin từ mô hình thí nghiệm trên động vật để có những thử nghiệm lâm sàng trên người.
Ông Tedros cho rằng, có một tập đoàn có tới hơn 400 nhà khoa học có liên quan tới việc phát triển và chẩn đoán vắc-xin. Ông nhấn mạnh rằng, COVID-19 thật khủng khiếp và là kẻ giết người. Hiện nay, đã có tới 4 triệu người nhiễm COVID-19 và có tới hơn 275.000 người thiệt mạng.

Mời độc giả xem video "Không có bằng chứng người khỏi bệnh COVID-19 không tái nhiễm". Nguồn: VTV24.

Hồi tuần trước, Hãng công nghệ sinh học Moderna trở thành công ty đầu tiên ở Mỹ được cấp phép thử nghiệm vắc xin mRNA-1273 giai đoạn 2. Hãng Pfizer (Mỹ) trong tuần trước cũng bắt đầu thử nghiệm vắc xin BNT126 trên người ở giai đoạn 1. Trong khi đó, Viện Jenner tại ĐH Oxford (Anh) dự tính thử nghiệm một loại vắc xin trên hơn 6.000 người vào cuối tháng 5. Nếu hiệu quả và an toàn, hàng triệu liều có thể được cung cấp vào mùa thu.
Theo tờ USA Today, để được cấp phép lưu hành, vắc xin phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm để đánh giá độ hiệu quả, độ an toàn và những phản ứng phụ. Số người được tiêm thử tăng dần sau mỗi giai đoạn.
Thảo Nguyên (Theo AP)

>> xem thêm

Bình luận(0)