WHO ban bố tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch virus nCoV

Google News

(Kiến Thức) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tối 30/1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019-nCoV). Bộ Y tế đã thành lập 45 Đội cơ động phản ứng nhanh để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Sau khi Ủy ban khẩn cấp WHO nhóm họp lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, theo các Quy định y tế quốc tế (2005), WHO tối 30/1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019-nCoV).
WHO ban bo tinh trang khan cap, Bo Y te lap 45 doi phan ung nhanh chong dich virus nCoV
 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) trong cuộc họp báo sau phiên họp kín về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus 2019-nCoV gây ra, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 30/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra. Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm 170 người tử vong và trên 7.000 người nhiễm ở 17 quốc gia trên thế giới.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Một phái bộ các chuyên gia đa ngành của WHO sắp tới Trung Quốc để xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của ổ dịch, mức độ nghiêm trọng và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng, trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nỗ lực kiểm soát ổ dịch. Phái bộ WHO này sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tìm hiểu tình hình và cho phép chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp thành công.
WHO tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật của mình để đánh giá mức độ bùng phát tốt nhất trên toàn cầu, cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương. Các biện pháp để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và tiếp cận với các loại vắcxin tiềm năng, các loại thuốc kháng virus và các phương pháp trị liệu khác cho các nước thu nhập thấp và trung bình nên được phát triển.
Theo báo cáo của đại diện Bộ Y tế Trung Quốc, hiện có 7.711 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh và 12.167 trường hợp nghi ngờ trên cả nước. Trong số các trường hợp được xác nhận, 1.370 ca là nghiêm trọng và 170 người đã tử vong. 124 người đã hồi phục và được xuất viện.
Ban thư ký WHO đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình ở các quốc gia khác. Hiện có 82 trường hợp tại 18 quốc gia. Trong số này, chỉ có 7 người không có lịch sử du lịch tại Trung Quốc. Đã có sự lây truyền từ người sang người ở 3 quốc gia ngoài Trung Quốc. Một trong những trường hợp này là nghiêm trọng và không có trường hợp tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus nCoV gây ra, Bộ Y tế cũng đã thành lập 45 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV.
Trong đó gồm 25 đội do các bệnh viện của ngành y tế đảm nhiệm và 20 đội do các bệnh viện quân đội đảm nhiệm. Trong đó, Cục quản lý Khám, chữa bệnh thành lập Đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin và tổng hợp báo cáo và Tổ hậu cần do PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đội trưởng.
Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; Thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV. Thành phần của mỗi đội cơ động bao gồm: một lãnh đạo bệnh viện; một bác sĩ hồi sức cấp cứu; một bác sĩ truyền nhiễm; một cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; một điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; một lái xe.
Mỗi Đội cơ động được trang bị: Một xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Các bệnh viện được chỉ đạo thành lập từ 1-2 đội cơ động.
Đối với các địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 đội cơ động. Kinh phí cho hoạt động của Đội cơ động lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 31-1 tổng số trường hợp mắc: 9807, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 8.124. Tổng số trường hợp tử vong là 213, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 171. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc là 115. 21 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc như sau: Thái Lan: 14 (trường hợp); Australia: 9 (trường hợp); Singapore: 10 (trường hợp); Mỹ : 6 (trường hợp); Nhật Bản : 11 (trường hợp); Malaysia : 8 (trường hợp); Hàn Quốc: 4 (trường hợp); Pháp : 5 (trường hợp); Việt Nam: 5 (trường hợp); Campuchia: 1 (trường hợp); Canada: 3 (trường hợp); Đức : 4 (trường hợp); Nepal : 1 (trường hợp); Sri Lanka: 1 (trường hợp); Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất: 4 (trường hợp); Phần Lan: 1 (trường hợp); Hồng Kông: 10 (trường hợp); Macau: 7 (trường hợp); Đài Loan: 9 (trường hợp); Ấn Độ: 1 (trường hợp); Philippines: 1 (trường hợp).


An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)