Vụ chủ BV TM Kim Cương bị tố hành hung khách hàng: Luật sư nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Để rộng đường dư luận, Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn luật sư Đặng Văn Cường về vụ việc chủ BV TM Kim Cương A&B bị khách hàng tố giật túi, hành hung gần đây.

Mới đây, chủ Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương A&B bà Nguyễn Thị Diễm Hằng bị một phụ nữ tên Nguyễn Thu Thủy gửi đơn tố cáo lên Công an Quận Hoàn Kiếm vì có hành vi giật túi, hành hung khách hàng. Tuy nhiên, sau đó bà Diễm Hằng đã phủ nhận hoàn toàn thông tin trên. Sự việc đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ hiện chưa có kết luận đúng sai.
Để rộng đường dư luận, Kiến Thức đã thực hiện phỏng vấn Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp dưới góc nhìn pháp lý của một luật sư về sự việc này. Trong trường hợp nếu đơn tố cáo của khách hàng là thật, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng sẽ bị xử lý thế nào? Trong trường hợp khác, nếu khách hàng tố cáo sai sẽ bị xử lý theo chế tài nào?
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn luật sư được Kiến Thức thực hiện, mời quý độc giả theo dõi.
Vu chu BV TM  Kim Cuong  bi to hanh hung khach hang: luat su noi gi?
 Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương A&B. 
Thưa luật sư nếu việc hành hung, giật túi, nhốt người như đơn tố cáo của bà Nguyễn Thu Thủy là có thật và có clip ghi lại được, thì theo pháp luật bà Nguyễn Thị Diễm Hằng sẽ bị xử lý thế nào?
- Sự việc xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ Bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương và khách hàng. Sau khi khách hàng gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, cơ quan điều tra sẽ tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Trong thời hạn 20 ngày, cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin và ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Nếu hành vi hành hung, giật túi, nhốt người là có thật và đúng như đoạn clip đã chia sẻ, thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, lấy lời khai các nhân chứng, người có liên quan,…để có căn cứ xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với hành vi “nhốt người”: Xuất phát từ mục đích của Nhà nước và pháp luật là bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung. Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự. (BLHS), quy định: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục.
Như vậy, hành vi “nhốt người” được hiểu hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật, trái thẩm quyền, căn cứ và thủ tục, xâm phạm quyền tự do đi lại, tự do thân thể của công dân. Vì vậy, tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Về hành vi giật túi xách, đầu tiên cần phải xác minh, làm rõ mục đích của hành vi giật túi xách. Nếu hành hung để giật túi xách nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy vào tính chất, mức độ có thể bị truy cứu về tội Cướp tài sản theo Điều 133 hoặc tội Cướp giật tài sản theo Điều 136 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo đó, người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có bất kỳ hành vi nào tấn công người khác, khiến họ lâm vào tình trạng không thể chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có đủ căn cứ cấu thành tội Cướp tài sản...
Tuy nhiên, với sự việc trên, nếu bà Nguyễn Thị Diễm Hằng có hành vi giật túi xách như trong trong đơn tố cáo nhưng hành vi này xảy ra là do hai bên giằng co qua lại trong quá trình xô xát bình thường, thì sẽ không đủ căn cứ cấu thành tội phạm, vì vậy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy nếu như sự việc tố cáo diễn ra đúng như video clip mà phía Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương cung cấp, thì việc chị Nguyễn Thu Thủy tố cáo bà Diễm Hằng sẽ xử lý thế nào? Người bị tố cáo nên làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?
- Theo quy định của Luật tố cáo 2011, "tố cáo" là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Người tố cáo sẽ có những quyền và nghĩa vụ nhất định được quy định theo Luật này.
Đối với trường hợp không có mâu thuẫn, tranh chấp, việc tố cáo là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, nhằm mục đích bôi nhọ gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, người tố cáo phải bồi thường về uy tín, danh dự, nhân phẩm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Hình sự năm 2015 như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định,…
Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm về tội Vu khống phải đảm bảo yếu tố khác theo quy định của pháp luật...
Còn trong trường hợp việc tố cáo là có căn cứ, tuy nhiên có hành vi nói quá lên, phóng đại sự thật hoặc có những tình tiết không đúng thì không đủ căn cứ để xác định sự thật thì sẽ không cấu thành tội phạm như đã nêu ở trên. Vì vậy, trong trường hợp này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ, sự thật đúng sai ra sao vẫn cần chờ kết luận từ phía các cơ quan chức năng. Báo Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất đến quý độc giả.
Minh Vân

>> xem thêm

Bình luận(0)