Việt Nam công bố bộ Kit thử nhanh virus Corona mới cho kết quả sau 70 phút

Google News

(Kiến Thức) - TS Lê Quang Hòa, giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu, vừa công bố đã chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus corona chủng mới (nCoV).

Một nhóm nhà khoa học Việt Nam vừa công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP thử nhanh virus corona mới (nCoV). Kit sử dụng kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh, độ nhạy cao.
Viet Nam cong bo bo Kit thu nhanh virus Corona moi cho ket qua sau 70 phut
Nhóm nghiên cứu Việt Nam công bố bộ Kit thử nhanh nCoV trong vòng 70 phút. (Ảnh minh họa). 
TS Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, với phương pháp mới này, chỉ sau 70 phút cho toàn bộ quy trình (bao gồm cả tách chiết RNA và phản ứng khuếch đại) sẽ cho kết quả ngay. Trong khi đó, phản ứng RT-PCR thông thường phải mất 4 giờ (240 phút) cho cả quy trình.
TS Hòa cho biết, giá thành sản xuất mỗi bộ test của nhóm nghiên cứu là 350.000 đồng, trong khi đó giá sản xuất bộ test RT-PCR là 1 triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR).
Ngay sau khi trình tự hệ gene của chủng nCoV-2019 được công bố trên ngân hàng GenBank ngày 13/1, nhóm nghiên cứu của TS Hòa đã chủ động tiến hành phát triển sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh chủng này. Việc tổng hợp gene nhân tạo vùng gene đích mã hóa nucleocapsid phosphoprotein của chủng nCoV, cũng được thực hiện.
Thử nghiệm phản ứng, RT-LAMP phát hiện RNA của nCoV là 5 phiên bản mỗi phản ứng, tương đương với phương pháp nhạy nhất hiện nay dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR. Đặc biệt, phản ứng RT-LAMP này không cho kết quả dương tính giả với các loại coronavirus khác như SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.
Tuy nhiên, kết quả này dựa trên các mẫu RNA được phiên mã in vitro. Do vậy, để đảm bảo độ chính xác, bước tiếp theo cần so sánh các đặc tính của bộ sinh phẩm với phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR (khuyến cáo bởi WHO) trên các mẫu RNA virus được thu nhận từ mẫu bệnh phẩm thực.
Để ứng dụng rộng, nhóm nghiên cứu mong muốn có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng nCoV để nội kiểm và cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Khi có mẫu, sau 3 ngày nhóm sẽ có kết quả. Nếu có phòng thí nghiệm đầy đủ hóa chất, nhóm nghiên cứu có thể sản xuất sinh phẩm thử nCoV tới 1.000 test sau 7 ngày.
Nhóm nghiên cứu gồm khoảng 10 thành viên đã thực hiện công trình nghiên cứu trong gần một tháng qua. Hiện nhóm nghiên cứu rất mong Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kết quả nghiên cứu này để đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Xem thêm video: Hàng nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn được phát miễn phí

 


Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)