Vì sao nền y học Nhật Bản được đánh giá cao trên thế giới?

Google News

Nhật Bản nổi tiếng có nền y học và hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới nên tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản đạt 83,7 tuổi - mức cao nhất hành tinh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng từng 6 lần sang Nhật trị bệnh.
 

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được phát hiện bị bệnh từ tháng 7.2017 và đã sang Nhật chữa trị.
Từ đó đến khi qua đời, ông đã trải qua 6 lần điều trị tại Nhật Bản.
Trong danh sách 10 nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới năm 2017 do Viện Legatum có trụ ở ở London công bố và được báo Business Insider dẫn lại, Nhật Bản được xếp thứ 4, vượt cả Mỹ, Đức, Anh, Pháp - vốn là những nước nổi tiếng có nền y tế phát triển, hiện đại.
Tiêu chí xếp hạng của Viện Legatum bao gồm 3 yếu tố chính: Sức khỏe tâm thần và thể chất cơ bản của người dân, cơ sở hạ tầng y tế và mức độ tiện lợi, hữu ích của y tế dự phòng. Dưới đây là những yếu tố giúp Nhật Bản trở thành nước có nền y học hàng đầu trên thế giới.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản
Luật pháp Nhật Bản quy định, mọi người dân phải tham gia bảo hiểm y tế. Những lao động không được các cơ quan, tổ chức, công ty mua bảo hiểm cho có thể tham gia vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia mà chính quyền địa phương quản lý.
Bệnh nhân được tự do lựa chọn bác sĩ hoặc các cơ sở y tế để khám chữa bệnh và không thể bị từ chối. Theo luật, bệnh viện phải là nơi hoạt động phi lợi nhuận và được quản lý bởi các y bác sĩ. Các công ty vì lợi nhuận không được phép sở hữu hoặc điều hành các bệnh viện.
Phí khám, chữa bệnh được chính phủ quy định nghiêm ngặt để đảm bảo hợp lý, vừa túi tiền của người dân.
Tùy thuộc vào thu nhập của gia đình và tuổi tác của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh nhân sẽ chỉ phải thanh toán 10%, 20% hoặc 30% chi phí khám chữa bệnh, phần còn lại chính phủ sẽ thanh toán.
Vi sao nen y hoc Nhat Ban duoc danh gia cao tren the gioi?
 Mọi người dân Nhật Bản được yêu cầu phải tham gia bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế phải thanh toán 100% phí khám chữa bệnh, nhưng khoản phí này sẽ được miễn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp phải nhận trợ cấp của chính phủ. Lệ phí khám chữa bệnh cũng được miễn cho người vô gia cư được đưa đến bệnh viên bằng xe cứu thương.
Năm 2008, Nhật chi tới 8,5% GDP (tổng sản phẩm quốc nội của đất nước) cho y tế, tương đương 2.873 USD/người (67 triệu đồng/người). Nhưng đến năm 2013, Nhật chi tới 479 tỷ USD, tương đương 10,3% GDP cho y tế.
Người dân Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất thế giới (83,7 tuổi) nhờ ngành y tế nước này đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc giảm nhanh tỷ lệ tử vong đến từ các bệnh truyền nhiễm, đột quỵ.
Chất lượng
Chất lượng điều trị y tế thể chất tại Nhật Bản được đánh giá là ở mức độ cao, cạnh tranh với Mỹ.
Theo Tạp chí Y học New England, kết quả điều trị ung thư dạ dày - thực quản ở Nhật Bản tốt hơn ở Mỹ khi bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật hoặc phẫu thuật sau hóa trị.
Ngoài ra, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của các bệnh nhân điều trị ở Nhật Bản các bệnh ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy và ung thư gan cũng cao hơn Mỹ, theo một báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ và một báo cáo khác của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Nhật Bản. (Mỹ vượt trội hơn Nhật Bản về khả năng chữa các bệnh ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và u lympho ác tính).
Đặc biệt là, các kết quả phẫu thuật ở Nhật đối với hầu hết các bệnh ung thư cũng được đánh giá là tốt hơn so với Mỹ, tỷ lệ sống của bệnh nhân nhìn chung cũng lâu hơn ở Mỹ nhờ việc sử dụng hóa trị liệu tích cực hơn trong các bệnh ung thư giai đoạn cuối.
So sánh dữ liệu năm 2009 của Hệ thống dữ liệu về thận ở Mỹ và Nhật Bản cho thấy tỷ lệ tử vong hàng năm của bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Nhật Bản là 13%, thấp so với 22,4% ở Mỹ. Tỉ lệ bệnh nhân lọc máu sống sót 5 năm của bệnh nhân lọc máu là 59,9% ở Nhật Bản và 38% ở Mỹ.
Các bệnh viện tốt nhất ở Nhật Bản theo trang Best of Health India bao gồm: Trung tâm Ung thư Quốc gia ở thủ đô Tokyo, được đánh giá là một trong những cơ sở điều trị ung thư hàng đầu tại Nhật Bản thành lập năm 1962; Bệnh viện Đại học Keio (Tokyo), được thành lập từ năm 1920; Bệnh viện Đại học Jutendo (Tokyo) - được thành lập từ năm 1838 và được xem là trường y khoa đầu tiên ở Nhật Bản sử dụng thuốc Tây để điều trị cho bệnh nhân; Bệnh viện Đại học Y Tokyo (Tokyo); Bệnh viện quốc tế St. Luke (Tokyo); Trung tâm Ung thư Kanagawa (Yokohama), Bệnh viện Đại học Nagoya (Nagoya)...
Theo Phương Đăng/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)