Trẻ có thể gặp nguy hiểm tính mạng nếu có những biểu hiện ho này

Google News

Theo các bác sĩ, không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải.

Tre co the gap nguy hiem tinh mang neu co nhung bieu hien ho nay
Ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải 
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ trong ngày giao động mạnh, khí hậu hanh khô khiến cho trẻ dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp vì sức đề kháng còn kém. Một trong những biểu hiện thường thấy nhất ở hầu hết các trẻ là ho.
Theo TS BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện y học ứng dụng Việt Nam, ho là biểu hiện bình thường của cơ thể nhằm tống đờm, nước mũi, vi trùng, virus, chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi... Nhiều khi trẻ chỉ đơn thuần là ho gió, ho cảm chút xíu thì không sao, có thể để cho trẻ ho vì ho này chỉ là bộc phát, sẽ rất nhanh tự khỏi.
Tuy nhiên, không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.
Các cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và nhận biết những dấu hiệu này để kịp thời đối phó với những tình huống nguy hiểm. Nếu ho kèm theo các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện:
- Ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.
- Ho nhiều kèm theo co thắt, cơ thể tím tái. Đây có thể là biểu hiện trẻ bị mắc dị vật trong đường thở. Trường hợp này cần sơ cứu ngay lập tức trước khi đưa trẻ đến bệnh viện.
- Ho kèm theo sốt, nôn trớ, là dấu hiệu của viêm phổi. Trường hợp trẻ ho nhiều về đêm kèm nôn trớ nhưng không sốt là dấu hiệu của trào ngược dạ dày.
- Ho nhiều kèm đờm, trong lồng ngực nghe được tiếng rên rít, là biểu hiện của viêm phế quản hoặc hen suyễn.
- Trong trường hợp trẻ bị ho tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và khó thở (thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/phút), có tiếng khò khè và co kéo cơ hô hấp ở cổ xuống sườn là những trường hợp nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý là về nguyên tắc, trẻ càng nhỏ thì khi mắc bệnh càng dễ chuyển nặng. Không những thế, biểu hiện bệnh ở các bé sơ sinh thường không rầm rộ, điển hình nên dễ bị bỏ sót. Vì thế, cha mẹ khi thấy bé ăn uống kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn chớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể trẻ đang bị bệnh, cần đưa đi khám.
Cũng theo TS BS Trương Hồng Sơn. Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, không nên tự ý mua thuốc trị ho, thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc truyền miệng nào vì có thể làm tình trạng ho nặng thêm hoặc gây tiêu chảy, kháng thuốc.
Phòng ho cho trẻ khi giao mùa như thế nào?
Giữ ấm cho trẻ: Thời tiết chuyển mùa cha mẹ cần chọn lựa trang phục thích hợp để giữ ấm cho cơ thể trẻ, đặc biệt là vùng cổ và ngực. Không cho trẻ uống nước đá, ăn kem vì đó là những thứ dễ gây ho do viêm họng. Không được tắm muộn cho bé, thời gian tắm tốt nhất khoảng 5 - 6 giờ chiều, nếu tắm muộn hơn thì lại dễ bị viêm đường hô hấp, vì khi vào đêm muộn, cơ thể thay đổi trạng thái hoạt động sang trạng thái nghỉ ngơi, nhiệt lượng tạo ra vào đêm muộn xuống rất thấp, tốc độ chuyển hóa cũng xuống rất thấp.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ: Khi trẻ bị ho nhiều, sổ mũi hoặc đau họng, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý vô trùng, đơn liều tránh lấy nhiễm chéo để rửa mũi họng cho trẻ. Với những trẻ mới bắt đầu ho, sổ mũi hoặc đau họng thì biện pháp này rất hiệu quả.
Tránh tiếp xúc với khói thuốc: Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì đây là yếu tố khiến bệnh của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Bởi các phân tử li ti trong khói thuốc sẽ bám vào vòm họng thông qua đường hô hấp sẽ gây viêm họng, ho và những bệnh nguy hiểm khác.
Sử dụng dược liệu thiên nhiên: Trẻ nhỏ có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ khi sử dụng thuốc ho. Thay vào đó, cha mẹ có thể tận dụng các loại thảo dược hoặc thuốc do có nguồn gốc thảo dược như húng chanh, gừng, bạc hà… để điều trị ho. Các loại thảo dược này có tác dụng long đờm, giãn phế quản, giảm ho, kháng khuẩn, kháng viêm, kháng dị ứng và an toàn với trẻ nhỏ.
Tăng cường miễn dịch cho bé: Cha mẹ có thể bổ sung vitamin C cho bé để tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể trẻ. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C gồm: Cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần…
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ: Cha mẹ không được tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ mà không có hướng dẫn của bác sỹ bởi nguyên nhân gây ho có thể không phải do vi khuẩn. Dùng kháng sinh chỉ khiến cho bé bị suy giảm miễn dịch và nhiều tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, không được dùng thuốc ho người lớn và giảm liều cho trẻ.

Theo Ngọc Châu/ Đời sống Plus

>> xem thêm

Bình luận(0)