Tóc bạc sớm, phải làm gì?

Google News

Để tóc được chắc khỏe và hạn chế bạc tóc sớm, nên cân nhắc trong việc bổ sung những loại thực phẩm nên dùng và những loại thực phẩm nên hạn chế để giúp cho sự phát triển của tóc.

Toc bac som, phai lam gi?
 Ảnh minh họa: Internet
Bác sĩ CKI Lê Đức Thọ - Khoa Da Liễu Bệnh viện Quốc tế City, cho biết bạc lông, tóc (hay còn gọi là Poliosis) là tình trạng thiếu hoặc giảm melanin (hắc tố) trong thân của lông, tóc bị ảnh hưởng. Poliosis có biểu hiện là một, nhiều mảng hoặc toàn bộ lông, tóc màu trắng hoặc xám trên các phần có lông của cơ thể, thường thấy ở da đầu nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến lông mày, lông mi hoặc các vị trí khác.
Bệnh có thể xảy ra do một khiếm khuyết di truyền của việc cấu tạo melanin, do sự hủy hoại tự nhiên của các tế bào hắc tố ở chân tóc hoặc do các nang lông, tóc bị tổn thương. Bên cạnh đó, sự lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sanh hay yếu tố tuổi già kích hoạt phản ứng dây chuyền làm ảnh hưởng đến hoạt động của melanocyte, xáo trộn việc tổng hợp melanin quyết định màu sắc tự nhiên của tóc. Nguyên nhân bạc tóc là sự lão hóa của cơ thể khiến các melanocytes sản xuất mỗi lúc một ít dần các sắc tố melanin.
“Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác định đến thời điểm nào thì tóc bị bạc, nhưng cũng có thể do các bệnh lý gây tổn hại nang long như Vitiligo (Bạch biến), Alopecia areata (Rụng tóc từng mảng), Halo naevus (Nốt ruồi mất sắc tố), Piebaldism (Tóc bạc đốm), Tuberous sclerosis (Bệnh xơ cứng củ)…Chấn thương tâm lý, sốc về thể chất hoặc những trải nghiệm căng thẳng khác có thể gây ra chứng bạc lông tóc, đôi khi tạm thời.”, BS Thọ nói về những nguyên nhân gây bạc tóc sớm.
Theo Bác sĩ Lê Đức Thọ, y học hiện nay vẫn chưa có phương thuốc cụ thể nào giúp thay đổi vĩnh viễn màu tóc bị ảnh hưởng bởi chứng bạc lông tóc. Phương pháp đơn giản, hữu hiệu vừa lợi cho tóc vừa có được sức khỏe tốt là bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
“Protein là thành phần chính cấu tạo nên tóc. Các protein thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, cá, sữa, thịt nạc, gan… tốt cho tóc hơn là các đạm thực vật. Sắt là thành phần chủ yếu giúp tóc mọc nhanh. Các thực phẩm giàu chất sắt như thịt gia cầm, đậu nành, lúa mì, thịt bê, lươn, tim bò, thịt bò, lạc, lòng đỏ trứng. Các loại quả khô như chà là, nho khô, rau đậm màu như rau cải và các loại hạt ngũ cốc cũng chứa nhiều sắt.”, BS Thọ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kẽm cũng được xem là thành phần vi lượng quan trọng ngăn rụng tóc: Kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào. Kẽm có vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nang tóc. Khi cơ thể có hàm lượng kẽm thấp, các nang tóc sẽ yếu đi và đó là nguyên nhân khiến các sợi tóc không đủ khả năng bám lại da đầu và rụng xuống. Các loại thực phẩm có giàu lượng kẽm để cung cấp cho tóc là sò huyết, hải sản tươi, các loại thịt đỏ, lúa mì non, phô mai, hạt dẻ.
Nên bổ sung vitamin C từ hoa quả tươi như cam, dâu và chanh để kích thích cơ thể tiếp nhận sắt. Hạn chế dùng trà, cà phê vì chúng có tác dụng ngược lại. Các vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong việc giữ cho tóc, da và da đầu luôn được khỏe. Thiếu vitamin nhóm B có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra các vấn đề về thần kinh, viêm da đầu làm tóc bạc sớm, rụng tóc.
Không nên ăn những thực phẩm giàu chất béo, vì nó làm tăng hàm lượng testosterone – một trong những nguyên nhân gây rụng tóc, ngoài ra còn làm cho tóc bị khô, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của tóc.
Theo Yến Nhi/ Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)