Thuốc xịt côn trùng có thể gây ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Chất proporxur trong thuốc xịt côn trùng, vốn là vũ khí khiến côn trùng chết ngay lập tức đúng như sở thích người dân, có thể gây ung thư.

Trước thông tin trẻ em tiếp xúc nhiều với thuốc xịt côn trùng trong nhà dễ mắc bệnh máu trắng và u lympho, TS Phạm Thị Khoa, nguyên Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư đã đưa những phân tích cùng cảnh báo để người dân hiểu rõ và phòng tránh tốt hơn. 
Chỉ thấy lợi, quên tác hại 
Là người có nhiều năm nghiên cứu về thuốc diệt côn trùng, khi tiếp cận thông tin kết quả nghiên cứu nêu trên, TS Phạm Thị Khoa cho rằng, đây là kết quả đáng lưu ý, có thể tin tưởng và cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc người lớn. Nước ta có khí hậu nhiệt đới, thời tiết thuận lợi cho côn trùng phát triển, đặc biệt côn trùng truyền bệnh sống gần người như ruồi, muỗi, kiến, gián... khiến việc sử dụng thuốc diệt côn trùng đang bị lạm dụng. Qua khảo sát năm 2014, gần như nhà nào cũng có một đến vài loại thuốc diệt côn trùng trong nhà, khi cần sử dụng ngay, nhưng họ chỉ thấy cái lợi mà không thấy cái hại của nó. 
Cái lợi mà TS Phạm Thị Khoa đề cập là xua đuổi, diệt côn trùng, tránh được sự phiền hà do chúng gây ra. Cái hại đôi khi còn nhiều hơn. Các hóa chất diệt côn trùng đều chứa thành phần hoá học gây nhiễm độc đường hô hấp, dị ứng da, đặc biệt dễ làm trẻ em bị ngộ độc. Sản phẩm chứa hoá chất càng mạnh, côn trùng chết càng nhanh thì khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng càng cao. 
Bên cạnh đó, dư lượng thuốc tồn đọng trong môi trường có thể gây ô nhiễm cho cả nguồn nước, không khí, đất. Hóa chất khi xịt nếu không đúng cách có thể hít vào, thấm vào niêm mạc da, dây vào quần áo, tay chân và đồ dùng rồi xâm nhập vào cơ thể gây độc hại. Trong đó có những chất đã được chứng minh gây ung thư như proporxur - đây là chất khiến côn trùng chết ngay tức thì theo đúng sở thích của người dân. Ngoài ra, còn có các loại hóa chất trôi nổi khác cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ. 
Thuoc xit con trung có thẻ gay ung thu
Người dân không nên tùy tiện phun, xịt thuốc để diệt côn trùng. Ảnh: M.N 
Chất hóa học tổng hợp nhái... tự nhiên
Trả lời về việc hiện nay nhiều nơi quảng cáo chất diệt côn trùng là hoạt chất sinh học từ hoa cúc, TS Phạm Thị Khoa cho hay, trên cây hoa họ cúc có hoạt chất thuộc nhóm pyrethroid xua được côn trùng, nhưng trên thị trường hiện chủ yếu là chất tổng hợp. Hay nói cách khác, đây là chất hóa học tổng hợp có tính chất giống hoạt chất có trong cây hoa họ cúc chứ không phải chiết xuất tự nhiên từ cây này. 
Khi chế biến thì người ta gắn thêm gốc clo nhằm tăng hiệu quả hoạt chất và diệt nhanh. Vì thế, không thể nói đây là chất sinh học, an toàn cho người sử dụng, người dân cần lưu ý. Hiện nay, nước ta chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh hóa chất này có liên quan ung thư máu hay các bệnh khác nhưng rõ ràng là vẫn không tốt cho sức khoẻ. 
TS Phạm Thị Khoa cũng khuyến cáo thêm, đối với trẻ nhỏ, do sức đề kháng kém, da mỏng, dễ bị ngộ độc nên tốt nhất không sử dụng các sản phẩm này. Ở các trường học, nếu phun thuốc cần được tư vấn của chuyên gia, cán bộ chuyên khoa, không nên nghe quảng cáo bán hàng. Còn ở gia đình nên vệ sinh sạch sẽ, hạn chế, nếu dùng chỉ trong thời gian ngắn khi có dịch bệnh do muỗi truyền hoặc mật độ côn trùng ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, không dùng trường diễn. 
Cần dùng các sản phẩm xua, diệt ở ngoài nhà. Nếu dùng trong nhà cần mở cửa và đi ra ngoài sau vài giờ mới vào. Không dùng các sản phẩm trôi nổi và có tác dụng nhanh, tiêu diệt gọn. Người sử dụng cần phải ý thức được những tác hại của thuốc lên sức khoẻ, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cần biết cách xử lý sơ cứu nếu gặp trường hợp ngộ độc thuốc diệt côn trùng.
Theo TS Phạm Thị Khoa, trên trang Reuters mới đây có đưa ra một phân tích dựa vào dữ liệu ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia cho thấy, cần hạn chế tối đa sử dụng thuốc xịt côn trùng ở gia đình và trường học, bởi trẻ em tiếp nếu xúc nhiều dễ mắc bệnh máu trắng và u lympho. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, trẻ tiếp xúc nhiều với các chất hóa học này có tỷ lệ mắc bệnh máu trắng cao hơn 47% và u lympho cao hơn 43%. Các nhà khoa học giải thích, trẻ em có thói quen đưa tay lên miệng vô tình khiến cho thuốc bám trên bề mặt da vào cơ thể. Không giống như người lớn, cơ thể của trẻ nhỏ chưa đủ sức để bài tiết mọi chất độc dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp, dạ dày, hệ thần kinh và nội tiết tố. Trước đó đã có một bé trai 7 tuổi người Italy tử vong vì bố mẹ phun quá nhiều thuốc trong nhà. 
Thu Hiền

>> xem thêm

Bình luận(0)