Sốt xuất huyết hoành hành do hiểu nhầm về... muỗi

Google News

Mỗi ngày có hàng trăm ca sốt xuất huyết (SXH), không ít người biến chứng nặng, chi phí tốn kém, nguy cơ tử vong cao.

Mắc bệnh dồn dập
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 60.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 17 ca tử vong. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số ca mắc lại tăng dồn dập, đặc biệt tại Hà Nội.
Sot xuat huyet hoanh hanh do hieu nham ve... muoi
Sot xuat huyet hoanh hanh do hieu nham ve... muoi-Hinh-2
 Bệnh viện E chật kín bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Diệu Linh.
Số ca mắc SXH vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 64,4%) và miền Trung (chiếm 19,9%). Nguyên nhân đây là những khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm, nóng quanh năm. Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc SXH thấp hơn (12.4%) nhưng chỉ gia tăng cấp tập vào mùa nóng, mà hiện đang là đỉnh điểm. “Dịch SXH đang bùng phát mạnh ở Hà Nội với khoảng hơn 1.000 ca mắc SXH mỗi tuần. Nếu không có sự kiểm soát tốt, huy động các ban ngành và người dân cùng vào cuộc để phòng chống sốt xuất huyết thì ca bệnh có thể tăng rất nhanh” - PGS Phu nói. Hầu hết các ca tử vong đều có bệnh sẵn, trên nền sức khỏe ốm yếu nên khi mắc thêm bệnh SXH thì dễ tử vong.
Bà Trần Thị Hải Ninh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, trường hợp tử vong do SXH đầu tiên tại viện là một bé 8 tuổi trú tại quận Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân này còn có tình trạng nhiễm khuẩn vì bạch cầu máu rất cao. Bệnh nhân thứ hai tử vong do sốt xuất huyết cũng là một trung niên có huyết áp cao dẫn đến xuất huyết não ồ ạt. Một ca khác bị nhiễm khuẩn đường ruột… “Các trường hợp tử vong do SXH đều có bệnh lý phối hợp khác dẫn đến sức khỏe suy yếu, dễ biến chứng hoặc xuất huyết ồ ạt” – bà Ninh nói.
Tuy bệnh SXH có thể dẫn đến nguy cơ bệnh nặng, có thể tử vong, lây lan nhanh nhưng người dân khá chủ quan về bệnh. Tại Bệnh viện E (Hà Nội), bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 24.7, trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau, chẩn đoán bị SXH. Theo bệnh nhân N, ở nhà có một người em cũng bị mắc SXH. Trước đây, bệnh nhân từng mắc bệnh nhưng không biết mắc SXH loại nào.
Những hiểu nhầm tai hại
Biện pháp duy nhất để phòng bệnh SXH một cách bền vững là diệt muỗi, diệt loăng quăng và triệt tiêu tất cả các nguồn nước mà loăng quăng có thể đẻ trứng. Tuy nhiên, theo PGS Phu, nhiều người dân vẫn hiểu nhầm nên diệt muỗi không hiệu quả: “Mọi người phải hiểu được đặc điểm của muỗi gây bệnh. Muỗi truyền bệnh sốt rét thường đậu trên tường, muỗi gây viêm não đậu ở chuồng trâu bò, đốt người vào buổi tối. Muỗi truyền bệnh SXH chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chập tối. Muỗi này cũng thường trú đậu ở các góc tối, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi gây SXH cũng chỉ đẻ trong dụng cụ chứa nước sạch, trong. Do đó, nếu người dân quan niệm muỗi đẻ ở nơi bẩn, cống rãnh, chỉ chăm chăm khơi thông cống rãnh hôi thối, tù đọng thì hoàn toàn không phòng được bệnh SXH. Còn khi phun muỗi chỉ phun vào tường, bỏ qua đồ đạc trong nhà cũng không diệt được”.
Theo TS Trần Như Dương –Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện có ý kiến người dân cho rằng thuốc diệt muỗi đang không hiệu quả, muỗi đang nhờn thuốc, kháng thuốc, “chỉ say không chết” là không chính xác. “Khác với diệt muỗi truyền sốt rét là phun lên tường, có tác dụng 6 tháng. Còn muỗi truyền SXH đậu trên đồ đạc nên phun thuốc muỗi chỉ phun sương, do đó chỉ có tác dụng diệt muỗi tức thời. Phun thuốc thường ở các ổ dịch để đánh “nốc ao” muỗi đang có virus truyền bệnh và chỉ có tác dụng 1 ngày. Sau đó thuốc sẽ bay hết, muỗi ở nơi khác lại bay đến hoặc loăng quăng lại nở thành muỗi” – TS Dương phân tích. Muốn diệt muỗi đang có virus bệnh ở các ổ dịch thì người dân phải hợp tác với cán bộ y tế. “Có nhà chỉ cho chúng tôi vào phun thuốc diệt muỗi ở tầng 1, phòng khách mà không cho lên tầng trên, vào phòng ngủ. Nếu vậy thì muỗi ở các phòng chưa được phun sẽ lại bay xuống phòng dưới, không có khả năng diệt hết muỗi. Nhưng biện pháp quan trọng nhất vẫn là diệt loăng quăng”- PGS Phu nói.
Chúng tôi đã phát hiện các ổ loăng quăng ở trong cái nắp bia, cái lá khô chứa nước. Do đó, người dân nên chú ý tới từng vật dụng nhỏ, tránh các vật bị đọng nước, tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng. Công việc diệt loăng quăng phải làm trường kỳ, tỉ mỉ, liên tục”.
TS Trần Như Dương.
Theo Diệu Linh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)