Sống cam chịu để đời con không giống đời mẹ!

Google News

Tôi lớn lên trong một gia đình ly hôn, chịu đủ thiệt thòi của một đứa trẻ không nhận được sự chăm sóc đầy đủ của bố mẹ. Vì thế, khi hôn nhân bất hạnh, tôi thà cam chịu để con được sống trong gia đình có đầy đủ bố mẹ, thay vì nghĩ đến chuyện ly hôn.

Song cam chiu de doi con khong giong doi me!

(Ảnh: minh họa)

Lên 5 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Đó là một cú sốc rất lớn đối với tôi, khi gia đình bỗng nhiên bị chia ly. Bố tôi dọn đến một nơi khác sống và "biến mất" luôn từ ngày đó. Mẹ nói bố ngoại tình, có người phụ nữ khác nên bỏ mẹ con tôi. Những ngày đầu sau ly hôn, mẹ chìm trong đau khổ, và tôi trở thành nơi để bà trút mọi hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Mẹ tôi nhớ rất lâu lỗi lầm của bố và căm hận đến nỗi luôn lấy ông ra để nhiếc móc, chửi rủa mỗi khi tức giận việc gì đó. Vì bố không có bên cạnh nên mẹ trút giận vào tôi.

Tôi còn nhớ lần mẹ bị ốm, bảo tôi ra đầu ngõ mua cháo về cho mẹ ăn, vì tôi còn nhỏ chưa biết nấu đồ ăn. Bác chủ quán đưa cho tôi một bát cháo tim cật thay vì một bát cháo sườn (món cháo mẹ thích ăn) mang về. Bữa đó, mẹ tức giận vì món cháo không hợp khẩu vị, nuốt không trôi nên mắng tôi xối xả. Mẹ bảo tôi thừa hưởng "gen" vô tâm đó của bố, đời mẹ đã khổ vì bố rồi giờ lại khổ vì tôi... giống ông ấy, sống với nhau mà không biết mẹ không ăn được những món nào. Cứ thế, bất cứ việc gì mẹ không hài lòng, vừa mắt, là lại mang bố ra để đay nghiến tôi. Cả quãng đời tuổi thơ, tôi sống trong nỗi hận thù của mẹ về bố. Tình yêu thương mẹ dành cho tôi cũng phần nào bị nỗi căm ghét oán hận đó chi phối. Tôi lầm lũi lớn lên trong sự thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm lẫn vật chất của bố mẹ sau ly hôn.

Ám ảnh về cuộc sống bất hạnh trong gia đình ly hôn nên tôi tâm niệm sau này sẽ không bao giờ để con phải sống cảnh giống mình. Tôi kết hôn với người đàn ông theo đuổi mình trong 5 năm. Sau đám cưới, những gì tôi cảm nhận về hôn nhân, về người chồng đầu gối tay ấp hoàn toàn khác. Anh là người đàn ông gia trưởng, không bao giờ muốn vợ tiến bộ hơn mình, kể cả khi anh bất tài không kiếm được tiền lo cho gia đình thì cũng không muốn vợ trở thành trụ cột kinh tế. Sống với anh, tôi trở thành nạn nhân bị bạo lực triền miên từ lúc nào không hay. Tôi sống trong cuộc hôn nhân bất hạnh, nhưng chưa lúc nào nghĩ đến chuyện thoát ra khỏi đó.

Nguyên nhân khiến tôi sống cam chịu bất hạnh là vì hai đứa con. Tôi không muốn chúng phải sống trong cảnh bố mẹ ly hôn như mình đã từng trải qua. Vì vậy, dù ngậm đắng nuốt cay thế nào tôi cũng chấp nhận, để các con bình yêu lớn lên trong một ngôi nhà có đủ cha, đủ mẹ. Anh nắm được điểm yếu ấy của tôi nên càng lấn ướt trong việc bạo hành, bất nhẫn với vợ.

Một ngày đi làm về, tôi nhận được điện thoại của cô giáo báo hôm nay con gái tôi đến trường buổi sáng còn buổi chiều bỏ học đi chơi. Tối đó con bé không về nhà khiến vợ chồng tôi tá hỏa đi tìm. Nửa đêm, con nhắn tin vào máy tôi: "Sao bố đối xử độc ác với mẹ như vậy mà mẹ không ly hôn? Mẹ không hạnh phúc thì làm sao chúng con sống bình yên được". Tôi đã thức trắng đêm sau khi đọc tin nhắn của con, suy nghĩ về cuộc hôn nhân hiện tại, điều gì đang diễn ra cho bản thân mình và các con.

Tôi đang cố gắng chấp nhận tất cả mọi đau khổ để các con sống hạnh phúc, nhưng chúng lại không nhận thấy điều ấy. Sai lầm trong suy nghĩ này đã khiến tôi sống bất hạnh 18 năm trời, và khiến các con bị ảnh hưởng theo. Tôi nhận ra nếu thoát ra khỏi hôn nhân bất hạnh bằng tâm thế đi tìm hạnh phúc mới cho cuộc đời mình và con cái thì đó không phải là xấu. Những đứa trẻ bị thiệt thòi khi gia đình đổ vỡ, nhưng sẽ biết sống mạnh mẽ hơn trong năng lượng tích cực về cuộc sống sau ly hôn của bố mẹ, còn hơn là sống trong hạnh phúc giả tạo.

 

Theo Baophunuthudo

>> xem thêm

Bình luận(0)