Số lượng người cách ly theo dõi COVID-19 quá nhiều, có đáng ngại?

Google News

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc cách ly là để khoanh vùng đối tượng có nguy cơ. Nếu số lượng cách ly quá nhiều, người dân cũng không nên quá hoang mang.

Tính đến 2/3, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.949. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 353 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 5.548 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 7.949 người.

Cách ly để khoanh vùng đối tượng có nguy cơ

Về việc số lượng người cách ly cao, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, lý giải từ nguy cơ đến nghi ngờ, phơi nhiễm và tới mắc bệnh là giai đoạn rất xa.

Trong đó, người về từ dịch được cách ly chỉ là người có nguy cơ, không phải người nghi nhiễm. Người được gọi là đối tượng nghi nhiễm là khi xuất hiện triệu chứng bệnh (ho, sốt, khó thở...).

“Khoanh vùng cách ly là nhiệm vụ của ngành y tế phải làm để tìm người có dấu hiệu nghi ngờ, giữ họ lại để tránh lây lan ra cộng đồng nếu không may họ mắc bệnh. Do đó, chúng ta không nên quá hoang mang với các số liệu người được cách ly ngày một tăng”, bác sĩ Khanh nói.

So luong nguoi cach ly theo doi COVID-19 qua nhieu, co dang ngai?

Đo thân nhiệt và khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Việt Linh.

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay, số ca cách ly tăng là điều mừng nhiều hơn lo. Thời gian tới, có thể số lượng người cách ly vẫn tiếp tục tăng cho đến khi người về từ vùng dịch ít đi.

Bác sĩ Khanh phân tích quan sát bên ngoài, nhân viên y tế không thể biết một người có mang mầm bệnh hay không. Do đó, khi có triệu chứng hoặc người đi đến vùng dịch tễ, họ phải lập tức được cách ly.

Ngoài ra, chuyên gia này cho biết 70% bệnh nhân Covid-19 bị lây từ gia đình. Do đó, việc cách ly cũng chính là bảo vệ gia đình của họ.

Ai là đối tượng cần được cách ly?

Theo công văn số 991 BYT-DP về việc tổ chức cách ly y tế đối với người về từ vùng dịch Covid-19, Bộ Y tế quy định việc xác định trường hợp nhập cảnh từ quốc gia đang có dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran) được áp dụng các hình thức cách ly cụ thể như sau:

- Các trường hợp đến, đi qua vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người có biểu hiện (sốt, ho, khó thở), áp dụng hình thức cách ly tập trung theo quy định.

- Các trường hợp đến, đi qua các khu vực không thuộc các vùng có dịch, áp dụng hình thức cách ly tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của bộ ý tế.

- Đối với tổ bay, đề nghị các hãng vận chuyển hàng không áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân và thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nơi làm việc hoặc nơi cư trú, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đến nay các cơ sở y tế để cách ly, khám, xét nghiệm theo quy định.

- Đối với những người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích chính thức (sử dụng hộ chiếu ngoại giao, công vụ), phải được giám sát, kiểm tra sức khỏe và cách ly theo hướng dẫn của bộ ý tế.

So luong nguoi cach ly theo doi COVID-19 qua nhieu, co dang ngai?-Hinh-2

Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất không rời mắt khỏi máy đo thân nhiệt. Ảnh: Trương Khởi.

Sau khi sàng lọc, những trường hợp không phải cách ly tập trung, sở Y tế của địa phương nơi tổ chức cách ly ban đầu lập danh sách và gửi văn bản đến các địa phương có đối tượng trên. Các địa phương này sẽ tổ chức đón công dân của mình để tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú, đến khi đủ 14 ngày theo quy định.

Như vậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng nếu một người về từ vùng dịch đang bị cách ly mắc Covid-19, việc điều trị sẽ dễ dàng, tập trung hơn, đặc biệt là hạn chế tình trạng lây bệnh ra cộng đồng.

Với những người thuộc diện cách ly tại nhà, bản thân họ phải tự ý thức và có trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định như đeo khẩu trang khi ra ngoài, ăn uống, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người khác.

Theo Bích Huệ/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)