Nói không với học hè, mẹ dành thời gian cho con trải nghiệm cuộc sống

Google News

Kiên quyết nói không với học hè để dành cho con một mùa hè bổ ích với nhiều trải nghiệm ngoài sách vở, các mẹ đã có nhiều chiêu quản con khá thú vị.

Những trải nghiệm ngoài sách vở
Chị Nguyễn Thị Hằng, khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội có 2 cậu con trai. Cậu lớn năm học tới vào lớp 7, cậu bé vào lớp 4. Kể từ khi các con vào lớp 1, chị Hằng đặt ra nguyên tắc nói không với học hè để dành thời gian cho con được trải nghiệm cuộc sống.
“Suốt 10 tháng đi học, các con đã quá mệt mỏi với sách vở nên tôi dành trọn 2 tháng hè để các con được nghỉ ngơi, thư giãn. Ngày trước đi học, 1 năm có 2 dịp là Tết và hè luôn là thời gian chúng tôi háo hức, chờ đợi nhất. Sau này lớn lên, ký ức về những mùa hè luôn là những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào nhất. Nhưng dường như, giờ đây, chúng ta đã tước đi những ngày hè tuyệt đẹp của các con”, chị Hằng chia sẻ.
Có lẽ vì thế nên trong khi các mẹ vẫn ép con học thêm ngày hè thì chị Hằng lại cho phép 2 cậu quý tử được phép “quên” sách vở. Trong tuần đầu của kỳ nghỉ hè, các con chị được tự do chơi thỏa thích, muốn làm gì thì làm, kể cả ngủ cả ngày cũng được. Những ngày sau đó, các con sẽ cùng mẹ xây dựng thời gian biểu cho mỗi tuần.
Hè năm nào chị cũng cho các con được về quê ngoại 1 (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) 1 tuần; về quê nội (ở Nho Quan, Ninh Bình) 1 tuần. Tất nhiên, thời gian các con về quê chị Hằng phải trang bị cho con nhiều kỹ năng và cách xử trí với các tình huống thường gặp ở quê. Đồng thời, chị nhờ các bác, cô chú, anh chị ở quê để ý đến các con, hướng dẫn và chỉ dạy cho các con những điều thú vị về cuộc sống ở quê.
Sau khi trở lại thành phố, các con sẽ phải "nộp" cho mẹ ít nhất một bài văn tả cảnh quê hương. Sau đó chị Hằng sẽ thu xếp để cả nhà có một kỳ nghỉ mát sum vầy, vui vẻ.
Chị Hằng quy định, ngoài thời gian vui chơi, làm việc nhà, mỗi ngày các con có ít nhất có 1 giờ đọc sách. 
Để các con được thoải mái với kỳ nghỉ hè nhưng chị Hằng cũng đặt ra các nguyên tắc buộc các con phải tuân thủ: Mỗi ngày ít nhất có 1 giờ đọc sách (các loại sách được mẹ hướng theo sở thích của các con), tự viết 1 đoạn hội thoại tiếng Anh đơn giản theo chương trình đã học…
Khi 2 con còn nhỏ thì chị nhờ ông bà ngoại (đã nghỉ hưu) hàng ngày chạy qua nhà nhưng hè năm con lớn học lớp 6, con nhỏ học lớp 3 thì chị huấn luyện cho các con tự ở nhà trông nhau, ông bà ngoại chỉ đảo qua để “giám sát”.
Hàng ngày, anh nấu cơm, phơi - rút quần áo; em lau nhà, gập quần áo, đổ rác. Ở nhà, các con có thể xem hoạt hình nhưng không quá 1 giờ mỗi ngày, buổi tối, các con có thể xem ti vi cùng bố mẹ. Ngoài ra, các con được tham gia các lớp học bơi, võ, tập thể thao gần nhà.
Trong thời gian con trai lớn nấu cơm thì con trai bé của chị Hằng sẽ lau nhà. 
Chị Hằng cũng cho hay, chị lắp đặt hệ thống camera kết nối điện thoại của bố mẹ để tiện theo dõi, kiểm tra. Nếu các con vi phạm (như xem ti vi quá giờ, tị nhau công việc dẫn đến cãi nhau…) thì sẽ bị bố mẹ phạt. Các con cũng phải cam kết với bố mẹ, thời gian nghỉ hè các con được tự do vui chơi, học các môn năng khiếu mình thích thì khi bắt đầu vào tháng 8, các con phải nghiêm túc quay trở lại việc học văn hóa.
Nhờ sự sát sao và trang bị kỹ năng sống cho các con khá tốt nên hè năm nay, vợ chồng chị Hằng khá yên tâm vì con đã vào nề nếp.
Ký "hợp đồng lao động" trả lương cho con làm việc nhà
Chị Lê Hoa, ở Q. Hoàng Mai, Hà Nội có con gái học lớp 7 lại có cách quản con khá thú vị: Mỗi dịp nghỉ hè chị Hoa lại tìm cho con những trải nghiệm mới mẻ. Ví dụ như từ khi con học lớp 2, mỗi dịp hè, chị và chồng thay nhau cho con đến cơ quan mỗi người 2 - 3 ngày (tất nhiên phải có sự đồng ý của cấp trên) để con biết công việc của bố mẹ bận rộn, vất vả thế nào. Đây cũng là thời gian vợ chồng chị dạy cho con cách chào hỏi, chuyện trò cũng như giữ phép lịch sự (im lặng) khi các cô bác ở cơ quan làm việc.
Chị Hoa kể, cô bạn thân của chị có 1 tiệm bánh nhỏ nên từ khi con gái học lớp 3, chị đã “xin” bạn cho con được đến tiệm bánh để tập sự. Cô bé sẽ phụ với nhân viên tiệm bánh nhận đơn hàng của khách, phụ bếp, lau dọn vệ sinh, học và ghi nhớ các nguyên liệu làm bánh, thị sát quy trình làm bánh… Cô bé tỏ ra rất thích và hào hứng với công việc này, thế nên, đến năm học lớp 4, cô bé đã có thể tự đi siêu thị mua đồ làm một số loại bánh đơn giản.
Khi con lớn hơn, chị Hoa phân cho con các việc như: Quét dọn nhà, rửa bát, gấp quần áo. Chị và con gái ký “hợp đồng công việc” với các quy định thưởng phạt rõ ràng. Nếu con hoàn thành công việc, cuối tháng con sẽ được nhận 500 ngàn đồng tiền lương. Nếu làm tốt, sẽ được bố mẹ khen thưởng tặng vé xem phim, xem xiếc. Ngược lại, nếu làm không tốt thì sẽ bị trừ vào lương.
Đến năm con học lớp 6, chị Hoa luyện cho con cách chi tiêu, tự chủ tài chính bằng cách mỗi ngày đưa cho con 100 ngàn để tự đi chợ, cân đối chi tiêu, lên thực đơn, cân bằng dinh dưỡng cho gia đình. Thấy con có vẻ hứng thú với công việc, chị mua thêm sách nấu ăn để con học hỏi, nghiên cứu cách chọn thực phẩm, chế biến món ăn. Sau thời gian trau dồi, học hỏi, năm học lớp 7, con gái chị đã có thể pha chế hơn 10 loại đồ uống, đi chợ làm 2 mâm cơm ngon lành không cần bố mẹ phụ giúp.
Bên cạnh việc nữ công gia chánh, chị Hoa cũng dành thời gian cho con được lựa chọn các môn năng khiếu theo sở thích cá nhân như học đàn, vẽ, bơi…
Theo Tuệ Nghi/Phụ nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)