Những ông già Noel lượn khắp phố và giấc mơ đứt gãy của trẻ Việt

Google News

Những ngày này, không khí Giáng sinh đang tràn ngập khắp các con phố. Tôi lại nôn nao nhớ đến Giáng sinh mà mẹ con tôi đã trải qua trong nhiều năm tại một quốc gia Bắc Mỹ.

Buổi tối đêm Giáng sinh, trước khi đi ngủ, sau khi lũ nhóc đã xếp bít tất nhung đỏ khổng lồ để dưới chân giường, tôi cho phép chúng kéo rèm cửa sổ căn hộ chung cư nhìn ra ngoài bầu trời đêm.
Từ đây các con có thể “nhìn thử xem có thấy ông già Noel cưỡi tuần lộc đi phát quà cho các bạn nhỏ ngoan hay không”.
Từ tầng 17, toàn bộ thành phố vắng lặng thênh thang ngập trong tuyết trắng và lấp lánh ánh đèn được thu gọn vào tầm mắt mấy mẹ con. Tất nhiên là lũ trẻ chẳng thể nhìn thấy ông già nào cưỡi tuần lộc cả.
Nhưng hẳn là giống như mọi trẻ con khác ở xứ sở này, chúng cũng đinh ninh rằng ông già Noel sẽ xuất hiện khi chúng đã ngủ say, rồi lặng lẽ để quà trong bít tất cuối giường.
Nhung ong gia Noel luon khap pho va giac mo dut gay cua tre Viet
Đồ trang trí Giáng sinh tại một chợ ở TP.HCM. Ảnh: Hoàng Tuân 
Tại Việt Nam, lễ hội Giáng sinh đã dần trở thành một nét văn hoá được ưa chuộng trong xã hội từ nhiều năm qua.
Cứ mỗi mùa cuối năm, các gia đình cũng nô nức sắm sửa, trang trí theo đúng màu sắc Giáng sinh, trong niềm hân hoan yêu thích của cả các bậc cha mẹ lẫn trẻ con.
Tuy nhiên, như tôi nhận thấy, lễ hội Giáng sinh ở Việt Nam có một điểm rất lạ không nơi nào có. Đêm Giáng sinh, hoặc sớm hơn một chút, sẽ là người và xe đầy đường “đi chơi Giáng sinh”. Tất nhiên điều này hoàn toàn bình thường, ai cũng có thể có nhu cầu “đi chơi” vào bất kỳ thời điểm nào.
Nhưng điều ít bình thường hơn, đó là các “ông già Noel” với thần thái hết sức kỳ cục, cũng chạy hối hả đầy đường. Không phải là những ông già Noel già quắc thước, râu tóc rậm và bạc trắng nhưng vẫn để lộ khuôn mặt hồng hào phúng phính đầy phúc hậu.
Hầu hết là những “anh già” mặt "búng ra sữa" lùng nhùng luộm thuộm trong những bộ râu tóc rất không ăn nhập với khuôn mặt các anh. Nhìn những bộ râu cảm giác như chực rớt ra bất kỳ lúc nào.
Các anh đang chạy show nhằm tranh thủ kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống vốn không dễ dàng gì của những thanh niên, sinh viên chốn thành thị...
Nhưng quan trọng là lũ trẻ rất tinh khôn. Trẻ con ở Việt Nam, do nhiều lý do tác động, khiến chúng càng dễ “khôn” và “già” trước tuổi.
Chúng dễ dàng nhận ra ngay chẳng thể nào đó là những ông già Noel “xịn”. Chẳng thể nào mà lại nhiều ông già Noel đến thế, nhân vật chỉ có một trong truyền thuyết mà chúng biết.
Đặc biệt ông già Noel lại càng không thể nói với chúng bằng chất giọng không hề có tí tuổi tác nào, khi tặng quà cho chúng theo dịch vụ mà phụ huynh đã thuê.
Với đa số người lớn, điều đó chẳng hề gì, miễn là con họ được có đôi phút giây thích thú. Tất nhiên là chúng thích. Nhưng sự vui thích đó có lẽ phần lớn là do chúng được nhận quà.
Những bức thư xin quà Giáng sinh của một vài em nhỏ được lan truyền trên mạng những ngày qua đã chứng minh điều đó.
Có em với giọng hài hước kể trong thư rằng có lần, khi “ông già Noel” đã hoàn tất nhiệm vụ trao quà cho em, mẹ em đã buột miệng: “Đi em nhé”, khiến em “tim rụng rời” vì nhận ra đấy không phải ông già Noel “thật”.
Tôi chợt thấy em đáng thương. Em đã có một giấc mơ đẹp. Rồi em nhận ra em bị 'lừa' bởi người lớn.
Trong khi đó, dù là nơi xuất phát, gắn liền với các hoạt động Giáng sinh, nhưng ở các nước phương Tây, không phải dễ dàng gì được nhìn thấy những nhân vật đóng giả “ông già Noel” trong cuộc sống hàng ngày, kể cả những ngày cận Giáng sinh.
5 năm liền ở nước ngoài nhưng tôi mới chỉ thấy duy nhất một ông già Noel với tạo hình đúng như nguyên mẫu trong truyền thuyết, luôn luôn là một ông già béo lùn, mặt phương phi hồng hào, với nụ cười hiền phúc hậu.
Cả ba năm luôn là ông xuất hiện tại một nơi duy nhất để cho khách tham quan chụp ảnh cùng, không phải mục đích kinh doanh mà là mục đích từ thiện.
Tiền quyên góp được sẽ dành cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chỉ một ông già ấy thôi, cũng không khó lắm cho những lời giải thích của cha mẹ. Và trẻ con thì vẫn tiếp tục được mơ mộng.
Thế hệ tôi, những người đầu 8x trở về trước, tuổi thơ đẹp, cũng có nhiều giấc mơ thần thoại nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, bố mẹ không thể quan tâm con cái được nhiều, nên cũng chẳng thể làm gì hơn với những giấc mơ đó.
Thậm chí thế hệ chúng tôi, được biết nhiều hơn đến những “ông Ộp”, “ông Ù” từ lời hù doạ của người lớn, hòng khiến cho bọn trẻ mau chóng ngoan ngoãn đi vào nề nếp kỷ luật cho người lớn còn có thời gian làm việc khác.
Và với thiệt thòi đó, tôi, và hẳn nhiều bậc làm cha mẹ khác, thật sự rất mong muốn con mình có một tuổi thơ trong trẻo, bay bổng với những giấc mơ và những tưởng tượng huyền hoặc của chúng.
Một lúc nào đó, lúc con tôi lớn hơn một chút, tôi nghĩ sẽ là cần thiết phải cho chúng biết sự thực, về một ông già Noel chỉ có trong truyền thuyết, để chúng bắt đầu tập cách sống và cách suy nghĩ thực tế của người đang dần lớn.
Nhưng chừng nào có thể, tại sao không để chúng được mơ mộng, được tin vào những huyền tích đẹp đẽ lung linh?
Nhất là khi điều đó hoàn toàn tích cực, niềm tin vào sự tồn tại của một “ông già Noel” nào đó chỉ cho quà những bạn nhỏ ngoan, là động lực khiến bọn trẻ cố gắng ngoan ngoãn làm nhiều việc tốt một cách tự nguyện và tích cực, như con tôi nhiều ngày vừa qua.
Và dẫu biết rằng, đôi khi chẳng cần phải mang một sứ mệnh gì như “động lực”, mà chỉ là một giấc mơ đẹp của quãng đời ấu thơ, điều đó cũng đủ làm nên giá trị của nó rồi.
Theo Lê Ngọc Hân/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)