Nhật ký ngoại tình: Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng

Google News

"Đau đớn hơn bị phản bội là gì? - Là phải giúp chồng chính thức hóa cái sự phản bội ấy" - bà Nguyễn Thu Quế (Sóc Sơn, Hà Nội).

(Kienthuc.net.vn) - “Đời người phụ nữ, đau đớn nhất là gì? - Là bị chồng phản bội. Đau đớn hơn bị phản bội là gì? - Là phải giúp chồng chính thức hóa cái sự phản bội ấy” - bà Nguyễn Thu Quế (Sóc Sơn, Hà Nội).

LTS: Vừa qua, Kienthuc.net.vn nhận được khá nhiều tâm sự, bài viết của bạn đọc về chuyện ngoài chồng, ngoài vợ. Với mong muốn từ những câu chuyện của người trong ngoài cuộc để có thể rút ra bài học, xây dựng cuộc sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc hơn, chúng tôi trích đăng một phần những nội dung nhận được.

 

Không ai muốn có kẻ thứ ba xuất hiện
Không ai muốn có kẻ thứ ba xuất hiện

Tôi lấy chồng nhưng biền biệt xa xôi vì chồng tôi làm nghề lái xe. Mẹ chồng tôi là người cay nghiệt. Bản thân tôi thì không thể sinh con.

Thế nhưng, ngoài việc không có con (mà giờ tôi cũng không chắc lỗi hoàn toàn do tôi hay do chồng tôi thường xuyên đi vắng), tôi vẫn là dâu hiền, vợ đảm. Chồng tôi đi xa, tôi thay anh lo chu toàn việc chăm sóc bố mẹ già, việc nhà, việc họ… Chưa một lần tôi trái ý mẹ chồng, chưa một lần tôi làm điều gì để ông ấy phải mang tiếng.

Chồng tôi thuộc biên chế của một công ty ở Hòa Bình. Bây giờ thì các anh chị nghĩ Hòa Bình với Sóc Sơn rất gần chứ cách đây gần 30 năm, đó cũng là khoảng cách xa xôi lắm. Một tháng chồng tôi chỉ ghé về thăm nhà một lần thôi.

Lúc mới cưới, thi thoảng cuối tuần tôi cũng xin phép mẹ cho lên thăm nuôi chồng. Nhưng sau, phần vì mẹ chồng tôi tỏ ra khó chịu, phần vì lên chỗ ông ấy toàn đàn ông đàn ang, tôi ngại nên hầu như không lên nữa, trừ những lần ông ấy ốm.

Chúng tôi sống như thế 6 năm thì ông ấy kéo dần thời gian về nhà lên. Đầu tiên tháng rưỡi một lần, rồi hai tháng, rồi có đợt tới ba tháng ông ấy mới về. Tôi chỉ nghĩ ông ấy bận thôi.

Lần đó đến hơn 3 tháng ông ấy không về. Mẹ chồng tôi sốt ruột bắt tôi khăn gói lên xem sao. Cũng chính lần ấy, tôi biết ông ấy đang sống già nhân ngãi non vợ chồng với một người phụ nữ quá lứa lỡ thì. Chị ấy  tên Thanh, vốn là thanh niên xung phong, về đơn vị ông ấy làm tạp vụ.

Tôi, người đàn bà tự biết mình ở thế yếu, chẳng dám ghen tuông ầm ĩ gì. Thời chúng tôi, từ li dị hiếm hoi được nhắc đến. Tôi lại khăn gói trở về, trình bày đầu đuôi với mẹ chồng.

"Thời chúng tôi, từ li dị hiếm hoi được nhắc đến" - bà Nguyễn Thu Quế
Bà Nguyễn Thu Quế, ảnh được làm mờ theo yêu cầu của nhân vật

Mẹ chồng tôi bảo: “Chị không làm tròn đạo vợ vì không sinh được con, nó gửi gắm nơi khác cũng là lẽ thường. Nếu chị không muốn mất chồng thì nên lấy tư cách vợ cả mà đi hỏi vợ lẽ cho nó. Nếu không thì tôi đi”. 

Dù vợ chồng nhiều khi như bóng chim tăm cá nhưng đi hỏi vợ cho chồng nào có dễ gì đâu. Tôi đã nghĩ đến nát cả óc, đã khóc đến nhòe cả mắt, để rồi cuối cùng tôi quyết định làm theo lời mẹ chồng.

Tôi chuẩn bị đủ cau trầu, sính lễ, lên nhờ thủ trưởng cơ quan chồng làm chủ trì. Thậm chí, tôi đã phải cầu xin thủ trưởng của ông ấy thương tình mà tác hợp cho họ khi thủ trưởng bảo việc đó là sai.

Tôi còn nhớ như in lúc ấy, tôi đã vừa khóc vừa thưa rằng: “Người ta cũng phận đàn bà, em cũng chẳng muốn nhường chồng cho kẻ khác. Nhưng em phận mỏng không sinh cho anh ấy nổi mụn con. Chồng em thì là con một. Các anh thuận lòng tác hợp cho họ thì em khỏi cắn dứt tội lỗi; chồng em khỏi mang tội bất hiếu; cô ấy khỏi phải sống ngoài giá thú… Anh ấy có người coi sóc em ở quê cũng yên lòng”.

Đám cưới của ông ấy và Thanh diễn ra đơn giản. Vài đĩa bánh kẹo, mâm cơm lễ tổ tiên, thủ trưởng với anh em trong cơ quan chứng kiến. Lo xong xuôi mọi việc, chiều ấy, tôi lên xe đò về lại quê ngay. Tôi đã khóc suốt chặng đường dài vì ê chề cay đắng cho phận mình.

Mẹ chồng tôi mất sau đó không lâu. Trước khi mất, bà cứ cầm tay tôi mà khóc. Chồng tôi cũng hầu như chỉ về vào mỗi lần giỗ bố mẹ, tết và những ngày việc họ quan trọng. Họ lần lượt sinh đến 3 đứa, 2 trai, 1 gái. Thanh sinh đứa nào tôi cũng lên chăm sóc đủ 100 ngày mới về.

Lũ trẻ mỗi lần về vẫn gọi tôi là mẹ Quế. Ở trong họ, tôi có cái danh chính thất. Thanh cũng tránh những khi họ hàng tập trung, chỉ để ông ấy đưa bọn trẻ về. Từ khi sinh con, Thanh nghỉ cơ quan, ở nhà mở tiệm buôn bán vật liệu xây dựng nên kinh tế của họ rất khá giả.

Tôi mang đứa cháu họ về nuôi cho vui vầy cửa nhà. Ông ấy hỏi tôi có muốn nuôi một đứa con không, Thanh cũng đồng ý để một đứa về. Tôi lắc đầu. Lũ trẻ có tội tình gì đâu mà tách chúng ra khỏi bố, khỏi mẹ. Còn tôi, tôi đã cam phận mình như thế. 

Thanh đôi lần một mình về thăm tôi. Chúng tôi cũng ít trò chuyện. Có lần Thanh bảo mang ơn tôi, nếu tôi không tác hợp thì năm xưa ông ấy cũng không dám bỏ tôi cưới Thanh, Thanh sẽ mãi mãi là người thứ ba.

Bây giờ, lũ trẻ của ông ấy và Thanh đã lập gia đình hết rồi. Thanh đã có lần về xin đón tôi lên Hòa Bình sống cùng đại gia đình, nhưng tôi từ chối. Tôi đã sống thế này quen rồi, còn bà con hàng xóm, còn bàn thờ bố mẹ, còn cháu chắt xung quanh. Tôi bảo Thanh: ông ấy cũng già rồi, giờ cho đi lại ít thôi. Bao giờ bọn trẻ rảnh đưa về được thì hãy cho ông ấy về.

Đôi khi bọn trẻ về chơi, chúng nó hỏi, nếu quay lại lúc ấy, mẹ có đi hỏi mẹ Thanh cho bố nữa không? Tôi vẫn giữ nguyên câu trả lời: Có! 30 năm nay, từ sau khi đi hỏi lẽ cho chồng, tôi chỉ khóc duy nhất một lần ngày đám cưới. Sau đó, tôi sống thanh bình, lòng không phiền lo. Bây giờ, dù trời có gọi đi ngay, tôi cũng thanh thản theo người, vì đời tôi đã trả hết nợ nhân gian rồi.

Hà Dương (ghi)

[links()]      

Bình luận(3)

Minh Hiền

Minh Đức

Không có gì để nói! Một người phụ nữ quá tuyệt vời.

Minh Hiền

hoaivan05

Chúc bác có cuộc sống tuổi già thật khỏe manh. Bà nội cháu cũng như Bác đi hỏi vợ cho ông nhưng sau đó cả hai bà đều có con. Cho tới khi mất hai bà vẫn ở chung một nhà với nhau. Cháu vui và hạnh phúc khi được sinh trưởng trong GD tuy nghèo nhưng hạnh phúc bác ạ. Cháu rất khâm phục bà cháu và bác.

Minh Hiền

Nam Phương

Cảm động quá!
Bác ơi, cuộc sống là như vậy đó, còn duyên thì tựu hết duyên thì tan. Dù rất buồn nhưng bác đã sống một cuộc sống có ý nghĩa. Rất khâm phục bác.