Nguyên tắc kết hợp thức ăn đủ chất và lượng

Google News

(Kiến Thức) - Vai trò người nội trợ trong gia đình rất quan trọng, phải biết cách phối hợp thức ăn sao cho đủ chất, đủ lượng, cân bằng, vệ sinh, không gây hại cho cơ thể và phải ngon miệng.

Phải hiểu thành phần các loại thực phẩm
Khi chế biến thức ăn, bạn cần phải hiểu được thành phần của các loại thực phẩm (đạm, tinh bột, mỡ, nước, vitamin, khoáng chất..) để nạp vào cơ thể tỷ lệ nhất định. Bạn cũng phải biết các thức ăn dùng hoặc nấu chung sẽ gây ra các phản ứng bất lợi gì, có ảnh hưởng đến tác dụng của nhau, tạo kích thích lên đường tiêu hóa không... 
Bạn cũng nên biết tính ấm nóng, tính lạnh của từng thức ăn để phối hợp cho hợp lý. Tránh tạo ra chất bất lợi hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của nhau, tạo kích thích khó chịu như không nên nấu các loại có nhiều iôn kim loại như gan với các loại rau quả nhiều vitamin C vì sẽ tạo ra phản ứng oxy hóa làm mất tác dụng của vitamin C. Nước hoa quả có tính axit sẽ nhũ tương hóa khi hòa cùng sữa bò hoặc uống cùng sữa bò làm đầy bụng, chậm tiêu. 
 Ảnh minh họa.
Nhiều thực phẩm không nên kết hợp như gan dê không ăn với măng tre, thịt chó không nên ăn với tỏi, bí đỏ không nên nấu với tôm, cua, bắp kỵ nấu với ốc... vì dễ gây khó tiêu, buồn nôn, đầy hơi.
Dựa vào tính nóng, lạnh của thức ăn. Các đồ ăn có tính nóng ấm thường ăn kèm với thức ăn có tính mát để điều hòa cơ thể. Nếu ăn chậm tiêu, đầy trướng thì nên ăn thơm, cay, ấm như gừng, hành, mùi. Người mệt mỏi, sợ lạnh, miệng nhạt, tiểu đêm nhiều lần là biểu hiện của thận dương hư thì nên ăn các thức ăn có tính ấm, bổ thận như hành tây, hàu, hạt sen, thịt dê... Nếu nổi mụn trứng cá nhiều thì nên ăn thức ăn có tính mát.
Ngoài ra, có một số cấm kỵ trong dùng thuốc Đông y gồm: Khi uống nhân sâm thì không ăn củ cải, sắc thuốc có nhân sâm không dùng ấm kim loại, khi dùng thuốc có kinh giới thì không ăn thịt gà, dùng các thuốc mật ong thì không nên ăn hành...
Kiêng kỵ khi mắc bệnh
Thành phần thức ăn cần đầy đủ các nhóm chất cần thiết như ngũ cốc, rau, quả, mỡ, thịt, sữa. 
Một số bệnh cũng cần có chế độ ăn kiêng đặc thù như bệnh gout tránh ăn nhiều đạm, nhất là tim, gan, tiết canh... Cao huyết áp nên ăn nhạt, không ăn đồ nóng như tiêu, ớt... bệnh gan không ăn nhiều mỡ, kiêng uống rượu. Bị dị ứng nên tránh thức ăn dễ gây dị ứng: tôm, cua, cá biển... Viêm loét dạ dày tránh ăn thức ăn chua, cay. Nam giới hiếm muộn vô sinh không nên ăn thức ăn chế biến từ đậu tương, chiên rán...
BS Nguyễn Xuân Thắng (Khoa Y học Cổ truyền - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM)

Bình luận(0)