Người trong cuộc đau đầu với "bên tình bên hiếu"

Google News

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn? Câu hỏi luôn làm đau đầu những người trong cuộc khi cần cân nhắc, lựa chọn.

Thời nay, mặc dù các bạn trẻ đã được tự do tìm hiểu, tự do yêu đương, tự do tiến tới hôn nhân, nhưng vẫn còn nhiều cặp đôi phải chia tay nhau vì gặp rào cản gia đình.
Một số bậc cha mẹ ngày nay vẫn còn mang tư tưởng phong kiến theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Khi gặp phải sự kiên quyết phản đối của con trẻ, lập tức nổ ra nhiều mâu thuẫn.
Cô Huệ 24 tuổi, bán quần áo ở chợ An Đông. Cô yêu người đàn ông chuyên bỏ mối quần áo cho các sạp trong chợ. Hai người có ý định làm đám cưới. Huệ đưa người yêu về giới thiệu với gia đình. Không ngờ cha mẹ Huệ kiên quyết ngăn cấm với lý do: “Anh ta là dân Bắc, còn nhà mình là người Hoa, không thể hòa hợp”. Ông bố còn lạnh lùng đưa ra phán quyết: “Nếu làm trái ý gia đình thì đi theo thằng đó luôn đi, đừng vác cái mặt về nhà này nữa”. Huệ rất đau khổ, cô còn đang loay hoay không biết làm cách nào để thuyết phục cha mẹ thì có người đến nhà gặp mẹ cô, có ý mai mối cô với một ông người Đài Loan. Theo lời bà mối thì ông này có công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Cha mẹ Huệ mừng rỡ vội vã nhận lời, mặc cho con gái khóc lóc van xin. Chỉ một tháng sau, đám cưới Huệ với chú rể người Đài Loan đã được tổ chức. Cô dâu gạt nước mắt theo chồng lên máy bay về Đài Loan trước sự ngơ ngác, đau khổ của người yêu.
Nguoi trong cuoc dau dau voi
Ảnh minh họa. 
Trường hợp như Huệ không phải là hiếm có. Khi bị cha mẹ ngăn cấm, các bạn trẻ (chủ yếu là các bạn nữ) thường quyết định hy sinh tình yêu để làm vừa lòng cha mẹ. Các cô ngộ nhận rằng mình làm như vậy là làm tròn chữ hiếu. Nhưng thực tế là vì tình yêu của họ chưa thật mãnh liệt, chưa thật sâu đậm và bản thân họ thiếu nghị lực để vượt qua khó khăn thử thách trong tình yêu nên đành buông xuôi.
Việc cha mẹ ngăn cấm tình yêu của con cái do tư tưởng giữa hai thế hệ có khoảng cách là điều không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta khéo léo xử lý mâu thuẫn, tránh đưa đến những căng thẳng với cha mẹ thì sẽ giữ trọn được chữ hiếu chữ tình.
Trường hợp của anh Ph ở phường 3, quận 8 là một ví dụ. Yêu nhau từ hồi còn là sinh viên, tốt nghiệp ra trường và có công việc ổn định, Ph và người yêu mới bàn tính đến chuyện cưới xin. Biết chuyện, cha mẹ Ph không “duyệt” vì không “môn đăng hộ đối”. Ph bàn với người yêu tạm gác chuyện cưới hỏi một thời gian để thuyết phục cha mẹ. Một mặt anh gần gũi tỉ tê với mẹ, một mặt Ph vận động cô dì chú bác tác động thêm. Nửa năm trôi qua, không thấy cha mẹ Ph thay đổi ý kiến, Ph và người yêu quyết định đi đăng ký kết hôn và thuê nhà chung sống.
Biết cha mẹ vẫn còn giận nhưng vợ chồng Ph luôn về thăm hỏi, mua quà bánh biếu cha mẹ với thái độ kính trọng yêu thương. Dần dà, cha mẹ Ph cũng mềm lòng nghĩ lại. Thấy cuộc sống tự lập của vợ chồng Ph ấm êm hạnh phúc, đối với cha mẹ thì tỏ ra hiếu thảo, tuy bị ngăn cấm vẫn không đối đầu, xa lánh. Thế là các cụ cũng tha thứ, bỏ qua chuyện cũ. Đến khi vợ Ph sinh được một bé trai bụ bẫm kháu khỉnh thì anh đã hoàn toàn chiếm được sự yêu quý của cha mẹ. Như vậy, dù có muộn nhưng cuối cùng Ph đã đạt được ước nguyện của mình, trọn vẹn đôi đường tình – hiếu.
Các cụ ngày xưa có câu: “Nước mắt chảy xuôi” quả không sai. Trong lúc nóng giận, dẫu cha mẹ có tuyên bố từ con thì cũng không phải là điều bất di bất dịch. Sự khéo léo kiên trì trong việc xử lý mâu thuẫn, cùng với thời gian sẽ khiến cha mẹ tha thứ và chấp nhận con cháu.
“Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”, chắc rằng trong lòng mỗi chúng ta đều có câu trả lời.
Theo Hoàng Thu/Thegioitiepthi.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)