Người mẹ không bao giờ cho con ăn ngoài

Google News

Chồng chị không hề kiểm soát hay để tâm việc chi tiêu, mà chính chị cứ có cảm giác buốt ruột khi tiền rời túi.

Chị Huệ là trưởng phòng của tôi, có hai đứa con nhỏ, một bé mẫu giáo, một bé lớp 1. Chồng chị làm cơ khí, mở tiệm ngay trước nhà. Anh phải ngồi miệt mài với mấy cái máy cả ngày, nên việc nhà cửa con cái chị "ôm hết", bận sấp mặt.
Ít khi nào bạn bè thấy chị ăn diện hay ra ngoài dùng bữa tối với chồng con. Cứ đi làm về là chị lao như tên bắn vào bếp. Có dịp như sinh nhật con, sinh nhật chồng, những ngày lễ tết hay sự kiện đặc biệt là chị bày ra nấu nướng. 5 giờ sáng chị dậy đi chợ, về lục đục bày đầy bếp, nấu nấu, xào xào linh đình.
Những ngày như thế, nhà cửa bừa bộn, chị liên tục hò hét nhờ chồng lấy cái lọ cái chai, con cái cũng bị lùa ra phụ nhặt rau, rửa chén. Khổ nỗi, con bé lớp 1 chân tay lóng ngóng, phụ mẹ thì ít mà nghịch ngợm thì nhiều.
Chị vừa làm vừa nhắc nhở luôn miệng, hơn nữa thì la lối, nạt nộ. Xong xuôi các món, trang trí bóng bay, nến bánh các kiểu thì cả nhà đều mệt phờ. Chị cũng đầu tóc rối tung, người đầy mùi bếp núc. Ngày đặc biệt đáng lẽ phải vui thì bỗng hóa ngày khổ sở, nhọc nhằn, vào tiệc chẳng vui nổi.
Những lúc ấy, chị cũng tự an ủi: "Thôi thì bớt được chút tiền để làm chuyện này chuyện kia. Ăn ở nhà cũng an toàn, vệ sinh nữa. Dù gì, thu nhập hai vợ chồng cũng thấp quá, cần dè sẻn".
Nguoi me khong bao gio cho con an ngoai
 Chị nghĩ rằng sự dè sẻn là tốt cho tương lai - Ảnh minh họa
Chồng chị không hề kiểm soát hay để tâm việc chi tiêu của vợ, mà chính chị cứ có cảm giác buốt ruột khi tiền rời túi. Mỗi khi định mua cái này, thèm mua cái kia cho bản thân, hoặc cho cuộc sống tiện nghi hơn, chị lại nén lòng. nghĩ rằng dành khoản tiền ấy cho con mua đồ chơi, quần áo cho con, dành sửa cái bếp, dành dụm những bất trắc.
Dạo này khách tới tiệm ít hơn trước, chồng chị hay cáu bẳn vì công việc không như ý. Cuối tuần, anh báo ra ngoài làm thêm, mình chị Huệ vật lộn trông hai đứa. Nhà cửa thì ngổn ngang không khác gì một bãi chiến trường. Sẵn mệt trong người, chị Huệ nhìn cảnh con bày đồ mà chỉ muốn gục ngã.
Chị cầm điện thoại, tính gọi cho chồng, thì thấy bạn bè anh đăng hình trên Facebook. Hoá ra anh đang ở quán ăn với bè bạn, cụng ly không ngớt. Anh không hề đi làm, mà đang rảnh rang tận hưởng ngày chủ nhật.
Bực bội, chị Huệ gọi bạn, nhờ kết nối người giúp việc theo giờ. Chỉ hai tiếng, tốn 150 ngàn đồng, mà nhà cửa sạch bóng, con cái được nghỉ ngơi, thư giãn. Chị có thêm thời gian gội cái đầu, xức tí son phấn. Xong xuôi, chị dắt con đi ăn nhà hàng, chỉ nhắn cho chồng một câu: “Em đưa con ra ngoài, sẽ về trễ”.
Hôm ấy, ba mẹ con chị đi ăn thịt nướng, rồi qua đi chơi ở khu vui chơi trẻ em. Khỏi phải nói tụi trẻ thích đến thế nào. Con gái thủ thỉ: “Chừng nào mình đi nữa hả mẹ?”. Chị nghe ứa nước mắt. Sự dè sẻn của chị vô tình làm mất đi niềm vui của các con.
Chị nghĩ lại thời gian qua, sự tiết kiệm vun vén cũng nào có được công nhận. Chồng chị trách chị quá chi li, con cái không thoải mái, bản thân thì quá mệt mỏi.
Chị quyết rồi, chị sẽ chi tiền rộng tay hơn một chút. Tiết kiệm tốt thật, nhưng cuối tuần hay lễ lạt, gia đình cũng cần hưởng thụ, để con cái, vợ chồng có những khoảnh khắc, kỷ niệm mà không tiền nào mua nổi.
Theo Anh Nhi/Phunuonline

>> xem thêm

Bình luận(0)